| Hotline: 0983.970.780

Bảo vệ rừng - Cần chế tài mạnh

Thứ Hai 24/10/2011 , 12:12 (GMT+7)

Cuối tuần qua, tại TP.Buôn Ma Thuột (Đăk Lăk) đã diễn ra hội nghị bảo vệ rừng khu vực Tây Nguyên- Đông Nam bộ (TN- ĐNB).

* Chính phủ đã đồng ý tăng biên chế 3.000 kiểm lâm

Bộ trưởng Cao Đức Phát phát biểu tại hội nghị
Cuối tuần qua, tại TP.Buôn Ma Thuột (Đăk Lăk) đã diễn ra hội nghị bảo vệ rừng khu vực Tây Nguyên- Đông Nam bộ (TN- ĐNB). Tham dự Hội nghị có Bộ Công an, Bộ Tư lệnh Quân khu V (Bộ Quốc phòng), Bộ TN- MT, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cùng lãnh đạo 8 tỉnh khu vực Tây Nguyên- Đông Nam bộ. Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát chủ trì hội nghị.

Báo cáo tại hội nghị cho thấy, trong 5 năm (2006- 2010), rừng ở các tỉnh khu vực TN- ĐNB bộ liên tục bị suy giảm với tổng diện tích 158.000 ha, chiếm 31,6% diện tích rừng bị giảm toàn quốc. Bình quân mỗi năm, khu vực này giảm gần 32.000 ha. Rừng bị suy giảm do 4 nguyên nhân chính. 

Đầu tiên là hầu hết các tỉnh có đất lâm nghiệp đều thực hiện các dự án chuyển đổi mục đích sử dụng sang mục đích khác. Trong 5 năm qua, có 95.497 ha rừng thuộc các tỉnh TN- ĐNB bị chuyển đổi, chiếm 60,1% tổng diện tích rừng bị suy giảm. Trong đó các tỉnh Tây Nguyên có 79.194 ha, Đông Nam bộ là 16.303 ha. Mục đích chuyển đổi để trồng cao su chiếm diện tích rất lớn, tới 74.500 ha, chuyển đổi mục đích khác (thủy điện, thủy lợi, khu công nghiệp, làm nương rẫy…) là 20.500 ha.

Nguyên nhân nữa dẫn đến diện tích rừng bị giảm là do khai thác trắng rừng trồng theo kế hoạch hàng năm. Trong 5 năm, có 51.600 ha rừng trồng khai thác trắng trong khu vực, chiếm 32,7% tổng diện tích rừng bị suy giảm (bình quân mỗi năm khai thác trắng 10.333 ha).

 Việc chặt phá rừng trái phép là nguyên nhân thứ ba dẫn đến diện tích rừng khu vực TN- ĐNB bị suy giảm. Trong 5 năm, có 9.700 ha rừng bị chặt phá trái phép, chiếm 6,1% tổng diện tích rừng bị suy giảm, bình quân mỗi năm mất gần 2.000 ha. Mặc dù diện tích rừng bị mất do nguyên nhân này không phải là lớn, tuy nhiên tình hình vi phạm còn gay gắt, gây thiệt hại nghiêm trọng về tài nguyên rừng, tạo sự bức xúc trong xã hội…Nguyên nhân cuối cùng dẫn đến rừng bị suy giảm là trong 5 năm, có 1.700 ha rừng bị cháy (chiếm 1% tổng diện tích rừng bị suy giảm).

Tại hội nghị, hầu hết ý kiến của các đại biểu cho rằng: Để giữ được rừng, bên cạnh những chính sách phù hợp, cần có những chế tài mạnh hơn trong việc xử lý vi phạm, nhằm răn đe những hành vi xâm hại đến rừng.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định: TN- ĐNB là khu vực có số vụ phá rừng và chống người thi hành công vụ nghiêm trọng nhất nước trong thời gian vừa qua. Mặc dù các địa phương đã có nhiều cố gắng trong việc thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, giữ tài nguyên rừng, nhưng cần quyết liệt hơn nữa để kiềm chế nạn phá rừng.

Sắp tới, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, sẽ tổng rà soát lại diện tích rừng. Hiện đã làm thí điểm ở 2 tỉnh Bắc Kạn và Hà Tĩnh. Trong lúc chờ đợi chủ trương, các địa phương khác cần chủ động triển khai, rà soát lại diện tích rừng hiện có của địa phương mình- dù chỉ là tương đối, nhưng là việc làm cấp bách chứ không thể chờ đến năm 2015 mới triển khai rộng rãi.

Các lâm trường quốc doanh (cũ) và các BQL rừng, hiện đang quản lý đa số rừng trên đất TN- ĐNB (3,7 triệu ha diện tích có rừng ở TN- ĐNB) với 75 tổ chức đang quản lý. Cần có những quyết sách mới, phù hợp cho các đơn vị này để họ tham gia bảo tồn- phát huy vốn rừng có hiệu quả hơn. Đối với các lâm trường quốc doanh, cần hạn chế chỉ tiêu khai thác. Với các DN chuyển đổi rừng sang mục đích khác, một số nơi, một số DN làm chưa được tốt dẫn đến mất rừng hoặc lợi dụng chủ trương để phá rừng, cần chấn chỉnh ngay.

Với lực lượng Kiểm lâm, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý tăng thêm 3.000 biên chế. Lực lượng này chủ yếu sẽ tăng cường về cơ sở, kèm thêm các công cụ hỗ trợ. Tuy nhiên các địa phương cần giám sát chặt lực lượng Kiểm lâm địa bàn bởi lực lượng này đang còn nhiều khó khăn, dễ dao động trước những cám dỗ vật chất, tiếp tay cho kẻ xấu phá rừng -Bộ trưởng lưu ý.

Bộ trưởng cũng yêu cần cần quản lý chặt các xưởng cưa và cơ sở chế biến gỗ. "Cần giám sát chặt chẽ những cơ sở chế biến gỗ ở gần rừng. Những cơ sở nào làm trái pháp luật, phải xử lý nghiêm"- Bộ trưởng khẳng định.

Vấn đề dân di cư tự do, đây là lực lượng tham gia phá rừng rất khốc liệt, do vậy cần kiểm soát chặt chẽ lực lượng này, tạo điều kiện cho họ làm ăn, nếu có khó khăn thì cần giúp đỡ. Tuy nhiên cần kiên quyết khi lực lượng này có hành vi phá rừng, dứt khoát di dời, không cho họ vào khu vực rừng phòng hộ, rừng đặc dụng.

Vấn đề đấu tranh với “lâm tặc”, Bộ trưởng khẳng định phải đấu tranh hết sức kiên quyết, không bỏ qua, không khoan nhượng. Bố trí các lực lượng vừa công khai, vừa bí mật để theo dõi, đấu tranh loại bỏ các đối tượng cầm đầu. Cần dập các điểm nóng như ở rừng Yok Đôn.

Xem thêm
Ngành sắn đặt mục tiêu giá trị xuất khẩu đạt 2 tỷ USD vào năm 2030

Bộ NN-PTNT vừa phê duyệt Đề án 'Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050' với mục tiêu đến năm 2030 xuất khẩu 1,8 - 2 tỷ USD.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ tỉnh Quảng Ninh

Hội Soóng cọ là ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ (tỉnh Quảng Ninh), thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia hưởng ứng.

Bình luận mới nhất