| Hotline: 0983.970.780

Bấp bênh cuộc sống trung lưu

Thứ Sáu 23/11/2012 , 10:44 (GMT+7)

Một xã hội phát triển thường biểu hiện ở tầng lớp trung lưu lớn mạnh. PV khảo sát ba gia đình trung lưu điển hình, được cán bộ địa phương giới thiệu ở nội ô TP Cần Thơ, đảo xa Phú Quốc và vùng lúa - tôm Mũi Cà Mau.

Một xã hội phát triển thường biểu hiện ở tầng lớp trung lưu lớn mạnh. PV khảo sát ba gia đình trung lưu điển hình, được cán bộ địa phương giới thiệu ở nội ô TP Cần Thơ, đảo xa Phú Quốc và vùng lúa - tôm Mũi Cà Mau.

Khéo tiêu mới đủ

Phó chủ tịch UBND phường An Khánh (Ninh Kiều, Cần Thơ) Lê Hoàng Vũ cho biết, phường có 4.770 hộ dân với 19.673 người đăng ký thường trú. Người tạm trú đông hơn vì phường có 486 cơ sở nhà trọ, nhiều bậc nhất các phường trung tâm TP Cần Thơ, và kinh doanh nhà trọ là một nguồn thu nhập chính của phường. Do nơi đây có trường Đại học Cần Thơ, Đại học Y dược Cần Thơ và gần nhiều trường cao đẳng.

Hộ trung lưu, bà Nguyễn Thị Hải ở khu vực 3, có hơn 20 phòng trọ thu một tháng 15 triệu đồng cùng lương viên chức của chồng 10 triệu nữa, tổng cộng 25 triệu. Bà kể, xây nhà trọ từ chục năm trước bằng vốn nhà trên đất nhà, đến nay đã lấy được vốn đầu tư, doanh thu hầu như là lãi. Vì thế số phòng trọ không nhiều nhưng hiệu quả cao nên khá giả, còn nếu vay tiền ngân hàng cất trên đất thuê thì lãi rất thấp, nhiều khó khăn.


Bà Nguyễn Thị Hải và con gái

Bà Hải có 3 con đang đi học. Chi tiêu ăn uống sinh hoạt, một tháng hết 15 triệu đồng. Tính cả chi phí học cho con, đóng góp ở địa phương như ủng hộ tuyển quân, quỹ quốc phòng, tết trung thu, ủng hộ người nghèo và những chi phí khó kể khác, tiết kiệm thì một năm dư khoảng 100 triệu đồng. Không ốm đau bệnh tật hay gặp sự cố lớn, một năm gia đình bà đi du lịch một lần. Rất lâu rồi, gia đình bà không đi nhà hát, rạp chiếu phim. Cũng nhờ nhà bà ở gần các bệnh viện lớn nên đi khám bệnh đỡ tiền tàu xe và gần trường đại học nên con cái đi học được ăn cơm nhà.

Trên huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang), cán bộ địa phương giới thiệu một gia đình sống khá với cây hồ tiêu, đặc sản nổi tiếng nơi này là anh Nguyễn Văn Hòa ở tổ 1, ấp Ông Lang, xã Cửa Dương. Hai vợ chồng cùng tên, năm nay 45 tuổi, có gần 2 ha hồ tiêu cho thu hoạch một năm 600 triệu đồng, lời 300 triệu. “Số tiền có vẻ to nhưng chia ra cho hai vợ chồng và hai đứa con đang học đại học thì mỗi người một tháng chỉ già 6 triệu đồng, phải khéo chi tiêu mới đủ”, anh Hòa nói.


Anh Nguyễn Văn Hòa trong vườn hồ tiêu cho 300 triệu đồng lời một năm

Ngồi trong căn nhà gỗ, nền lát gạch bông, rộng hơn trăm mét vuông khá ấm áp, anh Hòa kể, giá cả sinh hoạt ở Phú Quốc đắt hơn đất liền 20 - 30%, từ rau xanh đến thịt heo. Riêng tiền điện vào hàng cao nhất nước, từ 2.529 đến 3.105 đ/kWh, còn kinh doanh tới 7.992 đ/kWh. Con cái đi học đại học, cao đẳng phải vào đất liền ở trọ rất tốn kém. Bị bệnh nặng cũng phải vào đất liền, riêng tiền tàu vượt 120 km đường biển đã mất 320.000 đ/vé. “Mỗi lần đi chữa bệnh thông thường, phải chuẩn bị chục triệu bạc mới dám bước lên tàu”, anh Hòa khẽ thở dài.

Vùng lúa - tôm ấp Sở Tại, xã Thạnh Phú (Cái Nước, Cà Mau) có 987 hộ dân, khoảng 50% được cán bộ địa phương giới thiệu là “mức sống trung bình”. Cuộc sống bà con nơi đây khá lên từ năm 2000, khi chuyển từ chuyên canh lúa sang luân canh nuôi tôm hoặc cua. Gia đình ông Mai Văn Quốc, bà Lê Thị Nhiên cùng 52 tuổi, được xếp hạng khá giả, có 1 ha luân canh lúa - tôm, hàng năm mùa mưa nhiều nước ngọt thì trồng lúa, mùa khô nước mặn nuôi tôm. Dưới ao đìa quanh nhà ông còn thả cua, cá bống tượng theo mùa. Ông Quốc cho biết: “Nói chung, quanh năm không nghỉ tay. Một năm thu nhập khoảng 70 - 80 triệu đồng, trừ chi phí còn lời 20 - 30 triệu đồng”.


Ông Mai Văn Quốc trên ruộng lúa - tôm

Bà Nhiên kể: “Nông dân có gạo, rau, cá ăn hàng ngày rồi, thỉnh thoảng mới đi chợ đổi món. Trung bình chi phí ăn uống, sinh hoạt của 2 vợ chồng một tháng tốn khoảng 1,5 triệu đồng”. Vợ chồng ông Quốc bà Liên có 3 người con đều đã tốt nghiệp đại học, có gia đình riêng, có việc làm. Ông bà chưa bao giờ đi chơi đâu xa, cũng ít sinh hoạt văn hóa văn nghệ.

Dễ tái nghèo

Các gia đình trung lưu không còn phải lo cái ăn, cái mặc; chỉ đời sống văn hóa còn nghèo nàn mà thật ra, nếu muốn nâng cao thì trong vùng cũng không có điều kiện để đáp ứng. Các gia đình khá hài lòng với cuộc sống hiện tại. Ông Mai Văn Quốc nói: “Thời buổi này, nông dân cần cù, siêng năng, tiết kiệm là đủ ăn, có dư, khá giàu”. Nhưng nói về tương lai, dù là tương lai gần thì các gia đình đều tỏ ra nhiều lo lắng, bất an. Tất cả đều do khách quan như biến động đất đai, dịch bệnh.

Phường An Khánh chỉ rộng 441 ha mà theo Phó chủ tịch UBND Lê Hoàng Vũ, hiện có 43 dự án, gồm dự án khu dân cư và dự án xây dựng các cơ quan cấp thành phố, vì quy hoạch dời về đây. Nhiều quy hoạch đã treo nhiều năm nay. Gia đình bà Nguyễn Thị Hải bị quy hoạch khu nhà ở giảng viên trường Đại học Cần Thơ lấy mất 13 phòng trọ. Theo thông báo, tiền đền bù đất và các phòng trọ chỉ được 350 triệu đồng, không đủ xây dựng cơ sở kinh doanh mới. Dự án mở ra cách đây đã 10 năm, đến nay vẫn dang dở. Bà Hải lo lắng: “Khi phải phá dỡ nhà trọ, không tạo dựng được cơ sở mới thì nguồn thu của gia đình tôi sẽ không còn đủ chi, lại trở về nghèo khó như ngày trước”.

Xứ hồ tiêu ấp Ông Lang rộng 400 ha, nằm ven biển phía Tây đảo Phú Quốc, hồi nào người dân sinh sống êm đềm. Bên cạnh vườn hồ tiêu, còn có các cây ăn trái như xoài, chôm chôm và chăn nuôi gia đình, nhiều hộ thêm nghề đánh bắt ven biển. Nhưng từ khi quy hoạch đảo Phú Quốc làm du lịch, cuộc sống người dân bị xáo trộn. Khoảng 10 năm trở lại đây, nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước kéo đến dòm ngó đất đai. Trưởng ấp Nguyễn Thanh Tùng cho biết: “Hiện có 12 dự án du lịch triển khai tại ấp, quy mô từ 5 đến 20 ha. Đất đai của người dân bị cuốn vào các dự án du lịch, nên sản xuất giảm mạnh, cây hồ tiêu từ 60 ha nay chỉ còn khoảng 15 ha”.

Anh Nguyễn Văn Hòa nói: “Dự án mở ra khắp nơi nên chúng tôi cũng không dám đầu tư sản xuất lâu dài. Nhiều vườn hồ tiêu trở nên cằn cỗi, thu nhập ngày càng thấp. Những gia đình còn sống khá với hồ tiêu như gia đình tôi, nếu rồi đây không còn hồ tiêu, phải đi làm thuê làm mướn thì chắc chắn sẽ nghèo”. Nghĩ lâu dài, anh Hòa còn lo lắng hơn, con học ra trường phải xin việc làm, lo cưới hỏi, nhà cửa, trăm thứ bế tắc nếu không còn vườn hồ tiêu.

Ấp lúa - tôm Sở Tại có tiếng khá giả nhưng Trưởng ấp Nguyễn Hoàng Thống cho biết, ấp còn 66 hộ nghèo, 87 hộ cận nghèo theo tiêu chí mới. Ông Mai Văn Quốc và bà Lê Thị Nhiên kể, lấy nhau 30 năm, ra ở riêng 26 năm, làm ăn quanh năm không nghỉ tay mới dư giả được dăm năm nay. Mức lời 20 - 30 triệu đồng mỗi năm, khi con cái đang đi học chỉ đủ lo cho con, nay dư giả cũng chủ yếu nhờ ông bà khỏe mạnh, chi tiêu ít.

Nỗi lo lớn nhất của ông Quốc bà Nhiên hiện nay là dịch bệnh, lúa - tôm chưa bị dịch bệnh nhưng không biết tương lai sẽ thế nào. Còn nuôi tôm chuyên canh, cả ĐBSCL chống chọi với dịch bệnh 2 - 3 năm nay chưa xong. Nhiều người đã ví, nuôi tôm gặp dịch bệnh tựa như bị cháy nhà, tích góp nhiều năm nhưng chỉ một trận là trắng tay.

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Việt Nam hỗ trợ đưa nông nghiệp trở thành trụ cột kinh tế ở Venezuela

Bộ Nông nghiệp Venezuela đánh giá cao kết quả tốt vượt mong đợi về hợp tác nông nghiệp song phương, ngay cả trong điều kiện Venezuela vô cùng khó khăn.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Bắc Kạn lại hứng chịu mưa lớn kèm gió lốc gây nhiều thiệt hại

Khi người dân đang tập trung khắc phục hậu quả dông lốc thì đêm qua, rạng sáng nay (20/4) tiếp tục xảy ra mưa lớn kèm gió lốc gây thiệt hại ở nhiều nơi.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm