| Hotline: 0983.970.780

Bấp bênh làng cau

Thứ Hai 15/06/2015 , 09:42 (GMT+7)

Bà con làng cau Cao Nhân (huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng) mừng vì cau năm nay được giá, nhưng chưa lúc nào hết thấp thỏm…

Mừng vì cau đắt

Đang vào cuối mùa cau chiêm. Cao Nhân nhộn nhịp xe chở cau tươi từ các nơi đổ về và chở cau khô đi các tỉnh lân cận, sang Trung Quốc. Trên gương mặt những người nông dân suốt đời gắn bó với cau ở Cao Nhân, đã thấy lại nụ cười sau mấy năm liền làm ăn thất bát.

09-29-15_hm_88

Làng cau Cao Nhân là một làng nghề có truyền thống lâu đời. Theo ông Bùi Ngọc Biên, Chủ tịch xã Cao Nhân, xã có hơn 2.800 hộ, nhà nào cũng trồng cau. Nơi đây vẫn còn giữ được vẻ đẹp thiên nhiên đặc trưng của một làng quê thuần Việt. Cau tụ hội thành rừng, phủ kín vườn nhà, đường làng, ngõ xóm... Nhà ít thì có hàng trăm, nhà nhiều có tới cả nghìn cây cau. Tổng diện tích trồng cau của toàn xã là 221ha.

Trong số những nhà trồng cau, còn có rất nhiều gia đình SXKD các mặt hàng chế biến từ cau. Theo thống kê, xã có hơn 300 hộ tham gia thu mua, chế biến cau. Mỗi hộ đầu tư phương tiện vận tải, nhà xưởng, kho bãi, hệ thống lò sấy cau… bình quân từ 1 - 3 tỷ đồng/hộ.

Từ nhiều thế hệ trước, nhân dân quanh vùng đã biết đến sản phẩm cau Cao Nhân với sự vượt trội về chất lượng và mẫu mã. Theo bà con nơi đây, kỹ thuật trồng cau Cao Nhân được đúc kết và truyền lại qua nhiều thế hệ đã góp phần làm mỗi cây cau đều cho nhiều quả, quả cau to, xanh bóng, đều và đẹp.

Nhằm duy trì và phát triển làng cau Cao Nhân, năm 2007, UBND TP Hải Phòng đã có quyết định công nhận Làng nghề trồng và chế biến cau Cao Nhân. Số diện tích trồng cau không ngừng được mở rộng, các hộ kinh doanh không ngừng tăng lên.

Hiện đang vào mùa thu mua cau tươi. Bà con ở làng nghề cau Cao Nhân cho biết, chưa năm nào cau được giá như năm nay. Một buồng cau cưới của đất Cao Nhân được bán với giá 1 - 1,5 triệu đồng. Từ năm ngoái sang năm nay, nhu cầu mua cau của Trung Quốc tăng cao, làng nghề nhộn nhịp trở lại sau mấy năm trầm lắng.

09-29-15_hm_99
Vẻ đẹp làng cau Cao Nhân

Cau thu mua mang về các xưởng chế biến để xử lý, phân loại. Tiếp đó, cau được luộc qua rồi đưa vào khu vực sấy. Sấy xong lại tiếp tục phân loại lần nữa rồi mới đóng gói để đưa đi tiêu thụ ở các tỉnh thành lân cận như Hà Nội, Hải Dương, Nghệ An... và chủ yếu xuất sang Trung Quốc. Hằng năm, Cao Nhân XK hàng trăm tấn cau khô ra thị trường.

Phấp phỏng nỗi lo

Ông Bùi Ngọc Biên cho biết, làng nghề cau Cao Nhân luôn canh cánh hai nỗi lo lớn.

Trước hết là đầu ra của mặt hàng cau thường không ổn định, phụ thuộc phần lớn vào nhu cầu của Trung Quốc. Các cá nhân của hai bên hợp đồng với nhau theo những mối quen biết riêng, mạnh ai nấy làm. Nhà nào tìm được nhiều “mối” bán hàng thì sẽ kiếm khá.

Tuy nhiên, nếu Trung Quốc bất ngờ không nhập nữa hoặc không có nhu cầu nữa thì nhiều hộ SXKD cau lao đao. Giai đoạn 2011 - 2013, khi nhu cầu tiêu thụ cau bên Trung Quốc giảm mạnh thì nhiều hộ ở Cao Nhân rơi vào tình cảnh khốn đốn, nợ nần vì đầu tư vào lò sấy cau không phải ít.

Địa phương đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo có sự tham gia của ngành nông nghiệp, tài nguyên - môi trường… và có công văn đề nghị các cơ quan, ban ngành chức năng giúp đỡ, đồng thời cũng tự kiểm tra, xem xét tình trạng cau nhưng chưa có kết quả.
Lãnh đạo xã khẳng định, nếu tình trạng này diễn ra thêm vài năm nữa thì nguy cơ mất làng nghề là hoàn toàn có thể xảy ra.

Có dạo, hàng đoàn xe chở cau khô từ Cao Nhân đi, nghẽn ở cửa khẩu Lạng Sơn vì không bán sang Trung Quốc được. Những người buôn cau phải thuê kho chứa, ăn chực nằm chờ nhiều ngày trời nhưng cũng không bán được, cau mốc hỏng, phải đổ bỏ toàn bộ. Họ trở về, đóng cửa các lò cau vì không có đầu ra.

Nay để hạn chế rủi ro, hầu hết chủ lò cau ở Cao nhân không ký hợp đồng trực tiếp với đối tác bên Trung Quốc mà chỉ làm trung gian thu mua và bán lại cho các chủ lò lớn ở tỉnh Quảng Ninh.

Lãnh đạo xã Cao Nhân bày tỏ mong muốn địa phương có doanh nghiệp chuyên về sơ chế cau XK, tập hợp được các hộ SXKD cau, ký hợp đồng đàng hoàng với đối tác nước ngoài, được đảm bảo về mặt pháp lý để bà con yên tâm làm nghề.

Mặt khác, xã mong muốn quảng bá thương hiệu sản phẩm cau Cao Nhân, mở rộng thị trường tiêu thụ tới các địa phương trong nước để bớt lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

Một nỗi lo khác đang bủa vây Cao Nhân mà lãnh đạo địa phương gọi là một “nguy cơ” đối với làng cau: Mấy năm gần đây, cây cau Cao Nhân mắc bệnh rất nhiều, cho đến nay vẫn chưa tìm ra nguyên nhân.

Dịch bệnh trên thân cau lan rộng khắp xã. Cây bị bệnh thối hết phần gốc rễ, không thể sinh trưởng, phát triển cũng không thể kết buồng, trổ hoa, ra quả. Tình trạng này gây hỏng cơ bản nhiều diện tích trồng cau của xã. Nhiều hộ không còn kiên nhẫn được với nghề cau, phải chuyển đổi sang nghề khác.

Xem thêm
Bổ sung 1 cặp hươu sao lên đảo Bạch Long Vỹ

HẢI PHÒNG Hơn 10 ngày sau khi phát hiện cá thể hươu sao trên đảo, huyện Bạch Long Vỹ được bổ sung thêm 1 cặp hươu khác, có cả đực và cái để phát triển đàn.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Đào Bắc Hà mất mùa, giá cao

LÀO CAI Hiện đào Pháp ở Bắc Hà đã vào chính vụ thu hoạch. Năm nay cây đào không được mùa nên giá cao hơn mọi năm.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.