| Hotline: 0983.970.780

Bất bình thường trong một cuốn “sổ đỏ”

Thứ Sáu 18/06/2010 , 15:13 (GMT+7)

Ngoài Toà án ra, không một cơ quan hành chính nào có thẩm quyền tuyên bố một di chúc là vô hiệu...

Thửa đất và ngôi nhà do cụ Trung để lại
Theo gia đình ông Đỗ Đình Phú (xóm C, xã Thành Lợi, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định) và những tài liệu chúng tôi có, thì cụ Đỗ Đình Trung sinh được 5 trai 1 gái, trong đó có thân sinh ông Phú và thân sinh ông Đỗ Đình Tuất. Năm 1957, cụ Trung lập di chúc.

Sau khi phân chia đất đai, tài sản cho con cháu, còn thửa đất có diện tích 1 sào 6 thước Bắc bộ (nay là thửa 154 tờ bản đồ số 3 bản đồ địa chính xã Thành Lợi) cụ Trung và người con dâu thứ 3 (bà Trần Thị Liên, mẹ ông Tuất) và các cháu đang ở, thì cụ giao cho bà Bùi Thị Hợi, con dâu cả quản lý, sử dụng nhưng “cũng là nơi đi về của con cháu trong những ngày giỗ Tết tổ tiên”.

Nghĩa là, đất ấy cụ để lại làm đất chung của gia tộc. Di chúc được bí thư nông hội xã ký tên, đóng dấu xác nhận. Năm 1960, cụ Trung mất. Năm 1991, những hậu duệ của cụ Đỗ Đình Trung đã họp, làm biên bản có nội dung “Gia tộc quyết định đất này là nơi thiêng liêng thờ cúng tổ tiên. Các thành viên trong gia tộc không ai được tự ý làm hư hỏng, nhượng bán…mọi con cháu trong gia tộc ai có nhu cầu ở đều được chấp nhận, nhưng phải có trách nhiệm giữ gìn, quản lý tài sản, nhà đất, bảo đảm nơi thờ cúng trang nghiêm”.

Mọi người trong gia tộc đều thống nhất với nội dung trên và ký tên vào biên bản. Biên bản này cũng được lãnh đạo UBND xã ký tên, đóng dấu xác nhận. Năm 1991, bà Lê Thị Thát, con dâu bà Bùi Thị Hợi, chuyển hộ khẩu về ở tại thửa đất trên để chăm sóc mẹ chồng, được UBND huyện giao đất canh tác lâu dài, và vẫn ở từ đó đến nay. Năm 1993, bà Trần Thị Liên lên TP Nam Định ở với con trai là Đỗ Đình Tuất, năm 1995 bà Liên mất. Thế nhưng không hiểu sao năm 2004, UBND huyện Vụ Bản đã cấp Giấy chứng nhận QSDĐ cho ông Tuất, dù gia tộc phản đối.

Theo ông Đỗ Đình Tuất, thì thửa đất đó là do mẹ ông “thừa kế lại cho các con”. Năm 1983, mẹ ông đã kê khai và có đơn xin đăng ký quyền sử dụng đất đối với thửa đất trên. Ông Tuất lên TP Nam Định công tác từ năm 1962, bà Bùi Thị Hợi cũng như sau này bà Lê Thị Thát chỉ là người ở nhờ. UBND huyện Vụ Bản cấp sổ đỏ thửa đất trên cho ông là hợp pháp.

Việc UBND huyện Vụ Bản cấp Giấy chứng nhận QSDĐ cho ông Tuất năm 2004 mà không xem xét đến di chúc của cụ Trung, không xem xét nguồn gốc và quá trình sử dụng thửa đất ấy là không đúng với Luật Đất đai năm 2003, Luật Dân sự năm 1995 và trái với sự thoả thuận của chính ông Tuất trong biên bản năm 1991 do gia tộc họ Đỗ lập.

Theo chúng tôi, di chúc là sự thể hiện ý chí của một cá nhân về việc chuyển tài sản cho người khác sau khi chết, được pháp luật bảo hộ. Thửa đất trên là tài sản của cụ Trung. Trong di chúc, cụ giao thửa đất trên cho bà Hợi giữ làm đất của gia tộc, và thực tế bà Hợi đã ở từ đó với tư cách là người được bố chồng giao cho quản lý thửa đất trên đến năm 2000 là năm bà mất chứ không phải ở nhờ. Cụ Trung không cho bà Liên thửa đất ấy, vì vậy bà không thể “thừa kế” cái không phải của mình lại cho các con. Việc bà Liên đăng ký quyền sử dụng thửa đất ấy cho mình là trái với di chúc của bố chồng…

Sau khi làm việc với PV báo NNVN, Chủ tịch UBND huyện Vụ Bản đã giao cho Phòng TN- MT huyện xem xét, trả lời về quy trình làm sổ đỏ cho ông Tuất. Trưởng phòng Phạm Văn Quyết hứa “sẽ trả lời sau” , nhưng ông Nguyễn Bá Trường, cán bộ chuyên môn của Phòng TN- MT lại quả quyết với chúng tôi rằng “di chúc của cụ Đỗ Đình Trung là vô hiệu, ông Tuất là người có nhiều công nhất trong việc tôn tạo, duy trì những tài sản trên thửa đất trên”.

Lời khẳng định của ông Thường khiến chúng tôi rất ngạc nhiên. Ngoài Toà án ra, không một cơ quan hành chính nào có thẩm quyền tuyên bố một di chúc là vô hiệu. Đối với di chúc của cụ Trung, chưa có một cấp toà nào tuyên như vậy, nên nó vẫn còn nguyên giá trị. Ông Tuất, nếu quả là người bỏ nhiều công sức để tôn tạo, duy trì những tài sản trên thửa đất trên, thì sẽ được gia tộc ghi nhận, chứ không phải vì bỏ nhiều công mà được hưởng quyền sử dụng toàn bộ thửa đất.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.