| Hotline: 0983.970.780

Bất bình với cách áp giá đền bù thấp, thiếu minh bạch khi thu hồi đất

Thứ Năm 15/09/2016 , 08:50 (GMT+7)

Tin tưởng chính quyền, từ năm 1995, nhiều hộ dân ở xã Tân Hưng, TP Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên đã đầu tư nhiều tiền bạc, công sức biến khu đầm sình lầy thành vườn nhãn đặc sản. Tuy nhiên, khi áp giá đền bù, chính quyền TP Hưng Yên “đổ lỗi” cho dân tự ý...

Hồi sinh vùng đất "chết"

Dẫn chúng tôi đi thăm vườn nhãn có diện tích hơn 2.000m2 ở xã Tân Hưng, lão nông Bùi Văn Ước bồi hồi nhớ lại hơn 20 năm trước, ông không quản ngại gian khó để có được thành quả như hôm nay.

Theo ông Ước, thời điểm đó là năm 1995, được sự đồng ý của UBND huyện Phù Tiên, tỉnh Hải Hưng (cũ) và thực hiện Nghị quyết của Đảng bộ xã Tân Hưng về chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm tăng hiệu quả sử dụng đất, gia đình ông cùng các hộ Nguyễn Thành Đồng, Nguyễn Văn Việt, Bùi Đức Hải, Trần Long Phi, Nguyễn Văn Thỏa, Trần Thế Quân và Bùi Văn Liên đã bỏ làng để ra khu đầm lầy, ao sâu hơn 2,5m bốn bề hoang vu, giáp đê sông Hồng để làm kinh tế mới.

Để tạo niềm tin và cơ sở pháp lý cho các hộ dân mạnh dạn vay vốn ngân hàng đầu tư, UBND xã Tân Hưng đã tổ chức đấu thầu công khai tại UBND xã vào ngày 3/6/1995, giao đất cho dân sử dụng trong 50 năm. Kết quả, 8 hộ dân trên đã trúng thầu, hộ nhiều nhất là ông Nguyễn Thành Đồng có diện tích 4.475m2, hộ ít nhất cũng gần 2.000m2.

Biên bản giao khoán thầu của UBND xã Tân Hưng ghi rõ: “Được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, được nhà nước bảo vệ khi quyền lợi chính đáng bị người khác xâm hại. Được quyền thừa kế, thế chấp theo chính sách của nhà nước và phải nộp thuế theo quy định của pháp luật”.

Sau khi được UBND xã Tân Hưng đo đạc, giao đất tại thực địa, 8 hộ dân đã tập trung mọi nguồn lực, từ vay ngân hàng, người thân để vượt lập đầm lầy, ao sen thành vườn trồng cây nhãn đặc sản.


Sau hơn 20 năm cất công tạo lập, các hộ dân mới có được vườn nhãn đặc sản như hôm nay

 

Ông Bùi Văn Ước cho biết: “Sau khi trúng thầu, gia đình tôi đã trả tiền một lần cho cả thời gian thuê 50 năm. Vì thế, tôi mạnh dạn đầu tư nhiều tiền vượt lập đất từ ngoài và cao thêm 2,5m (ước tính khoảng 10.000m2 với giá 10.000 đồng/m2 tính theo giá tại thời điểm đó), nhằm phát triển kinh tế theo đúng chủ trương. Mảnh đất này được gia đình tôi sử dụng trồng nhãn và các cây ăn quả khác, thu nhập bình quân hàng năm khoảng 300 triệu đồng, năm nay được mùa nhãn, trừ chi phí, gia đình tôi lãi ròng hơn 400 triệu đồng. Thành quả này là công sức của hơn 20 năm tích tụ”.

Cũng như gia đình ông Ước, lão nông Nguyễn Thành Đồng không quản gian khó, tạo lập vườn tạp để thành vườn nhãn sum xuê trái. Là hộ trúng thầu diện tích lớn nhất, 4.475m2 ở khu đầm lầy. Ngày đó, ông Đồng định bỏ cuộc vì đồng vốn thì eo hẹp, quả nhãn dù là đặc sản bao đời nay của Hưng Yên nhưng năm 1995 giá trị hàng hóa chưa cao.

Nhờ sự động viên của người vợ trẻ, ông Đồng đã đánh liều khi vay hơn 300 triệu vốn ngân hàng để “ném” xuống khu đầm lầy có độ sâu 2,5m. Cần mẫn và chăm chỉ, cuối cùng đất không phụ công người, sau hơn 20 năm vượt lập, ông Đồng trở thành hộ có vườn nhãn tiền tỷ với hàng ngàn gốc nhãn có đường kính từ 30cm trở lên.

 

Chính quyền đổ lỗi cho dân?

Khi vườn nhãn trị giá tiền tỷ của các hộ dân cho trái ngọt thì dự án cầu Hưng Hà nối 2 tỉnh Hưng Yên - Thái Bình có phần đường dẫn chạy qua. Tuy nhiên, vì thiếu minh bạch, mập mờ về thông tin, mức giá đền bù thấp nên 8 hộ dân trên tỏ ra vô cùng bức xúc.


Các hộ dân bức xúc vì bị chính quyền thành phố Hưng Yên đổ lỗi cải tạo đất sai mục đích

 

Ông Nguyễn Thành Đồng không giấu nỗi thất vọng khi vườn nhãn của ông có nguy cơ bị đốn hạ nhưng mức đền bù không thỏa đáng. Ông cũng cho rằng, các cấp chính quyền địa phương chưa bố trí quỹ đất tái định cư để họ sớm ổn định cuộc sống khi phải giao mặt bằng cho dự án.

Ông Bùi Văn Ước cho biết, khi xây dựng cầu Hưng Hà, tất cả vườn nhãn, ngôi nhà 2 tầng, chuồng trại, cây cối hoa màu khác của gia đình ông sẽ bị giải tỏa. Thế nhưng, Ban giải phóng mặt bằng chỉ hỗ trợ 52.000 đồng/m2, cây cối trên đất chỉ 50%, nhiều cây đang cho thu hoạch như cau, nhãn, ổi… được cho vào diện trồng vượt mật độ nên không được bồi thường. Đối với nhà ở chỉ bồi thường 30% giá trị hiện có.

“Với việc áp mức giá đền bù này, gia đình tôi sẽ sống ra sao khi công ăn việc làm không có, nguồn thu nhập bị mất? Người dân chúng tôi luôn chấp hành chủ chương của nhà nước, nay chỉ mong các cấp chính quyền hỗ trợ bà con ổn định cuộc sống, quan tâm đến công sức người dân”, ông Ước nói.

Bất bình vì cách áp giá đền bù chưa thỏa đáng, thông tin thiếu minh bạch, các hộ dân nhiều lần gửi đơn kiến nghị đến UBND TP Hưng Yên. Tuy nhiên, khi các kiến nghị của người dân về giá đền bù chưa được trả lời thỏa đáng, UBND TP Hưng Yên lại “đánh trống” lảng sang vấn đến khác.

Cụ thể, tại Thông báo kết luận của ông Doãn Quốc Hoàn, Phó Chủ tịch UBND TP Hưng Yên về buổi đối thoại ngày 4/8/2016 với các hộ dân, UBND TP Hưng Yên cho rằng: “Diện tích đất các hộ gia đình nhận thầu là đất “đầm” (loại đất được sử dụng vào mục đích nuôi trồng thủy sản) và các hộ gia đình phải sử dụng đúng mục đích được giao. Mặt khác, đến thời điểm này, xác định diện tích các hộ gia đình nhận bàn giao thầu chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng. Việc các hộ dân vượt lập để trồng cây là tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất”.

Tuy nhiên, theo chứng cứ của các hộ dân, biên bản giao khoán từ năm 1995 đã ghi rõ: “Được sự đồng ý của UBND huyện Phù Tiên (Hải Hưng cũ), thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng ủy, HĐND, UBND xã Tân Hưng về việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm mục đích tăng hiệu quả sử dụng đất; thời gian sử dụng đất là 50 năm, được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; được hạch toán kinh tế độc lập theo cách riêng của mình; được nhà nước bảo vệ quyền lợi chính đáng khi bị người khác xâm phạm; được quyền thừa kế thế chấp theo chính sách của nhà nước và nộp thuế theo quy định của pháp luật...”.

Từ kết luận trên của UBND TP Hưng Yên, các hộ dân cho rằng, hậu quả là mức áp giá bồi thường bị sai lệch dẫn đến thiệt thòi về quyền lợi cho họ?

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.