| Hotline: 0983.970.780

Thứ Năm 11/12/2014 , 09:21 (GMT+7)

09:21 - 11/12/2014

Bắt buộc bảo dưỡng ô tô: Còn nhiều khúc mắc

Thông tư số 53/2014/TT-BGTVT của Bộ GT-VT mới ban hành, đã làm dấy lên rất nhiều thắc mắc và lo lắng cho chủ nhân của những phương tiện giao thông bốn bánh.

Theo đó, thì kể từ ngày 1/12/2014, xe ô tô dưới 10 chỗ ngồi bắt buộc phải bảo dưỡng sau chặng đường từ 5.000 đến 10.000 km hoặc sau 6 tháng hoạt động. Xe từ 10 chỗ ngồi trở lên, xe tải, xe chuyên dụng, xe sơ mi rơ moóc… bắt buộc phải bảo dưỡng sau chặng đường từ 4.000 đến 8.000 km hoặc sau từ 3 đến 6 tháng hoạt động.

Các loại xe sau khi bảo dưỡng phải có biên bản bàn giao xe, trong đó ghi rõ thời hạn và các điều kiện bảo hành chất lượng sau dịch vụ. Thời hạn bảo hành không được dưới 2 tháng hoặc 1.500 km xe chạy.

Các cơ sở bảo dưỡng sửa chữa phải có đủ trình độ, năng lực và trang thiết bị cần thiết để đảm bảo công tác bảo dưỡng sửa chữa. Hoạt động bảo dưỡng, sửa chữa phải đảm bảo các yếu tố kỹ thuật, chất lượng an toàn và bảo vệ môi trường.

Bảo dưỡng định kỳ ư? Rất hoan nghênh. Khi đụng tay vào vô lăng, người lái xe nào cũng hiểu rằng họ đang cầm không chỉ tính mạng mình, mà còn cả của những người tham gia giao thông khác trên đường nữa. Nên một cái xe tốt, đảm bảo đủ điều kiện kỹ thuật và an toàn khi vận hành, luôn luôn là mong ước của họ.

Nhưng vấn đề là ở chỗ, trên đất nước này có hàng vạn ga ra ô tô. Xưa nay, mỗi khi cần bảo dưỡng, sửa chữa, tiện chỗ nào thì chủ xe đánh xe vào đó. Không có bất kỳ một ga ra nào thực hiện việc khi nhận xe có biên bản đánh giá tình trạng xe, rồi khi ra lại có biên bản bàn giao xe với các điều kiện quy định như thông tư trên của Bộ GT-VT cả.

Bảo dưỡng, sửa chữa xong, thử xe, cả chủ xe lẫn người sửa chữa thấy ưng ý, trả tiền xong là đánh xe đi. Cùng lắm là chủ ga ra viết cho một cái hóa đơn đỏ ghi số tiền chủ xe phải trả. Vậy họ lấy đâu ra biên bản bàn giao xe, làm bằng chứng để trình với các cơ quan chức năng khi bị kiểm tra? Hóa đơn đỏ ấy có thể thay thế biên bản được không?

Hai là trong hàng vạn cơ sở bảo dưỡng, sửa chữa xe ô tô trên toàn quốc đó, thì một cơ sở phải đạt những tiêu chí nào để được Bộ GT-VT cấp giấy chứng nhận là “đủ năng lực, trang thiết bị cần thiết bảo đảm công tác bảo dưỡng sửa chữa”?

Và Bộ GT-VT đã tiến hành kiểm tra toàn bộ các ga ra đang hoạt động trên cả nước để cấp giấy chứng nhận đó chưa? Không lẽ mỗi lần đánh xe vào một ga ra nào đó để bảo dưỡng, sửa chữa, chủ xe lại bắt chủ ga ra trình giấy chứng nhận ra?

Trên thực tế, có rất nhiều ga ra chưa có đủ trang thiết bị cần thiết, nhưng chủ ga ra và những người thợ của họ lại có tay nghề rất cao. Chỉ bằng những dụng cụ thông thường, những người thợ hoàn toàn có thể khắc phục được sự thiếu thốn về trang thiết bị. Có ga ra thậm chí còn không có cả mặt bằng.

Báo chí đã từng nêu rất nhiều trường hợp thợ Việt Nam đã sửa chữa những chiếc xe triệu đô ngay trên vỉa hè hoặc lòng đường Hà Nội, và họ đã làm rất ngon lành. Một công việc mà nếu như ở nước khác, thì chủ xe phải chuyển cái xe của mình đến chính nơi sản xuất mới khắc phục được.

Gặp trường hợp đó, chủ xe lấy cái gì làm bằng chứng để chứng minh với các cơ quan chức năng rằng cái xe của mình vừa được bảo dưỡng, sửa chữa?

Những bất cập trên trong thông tư số 53/2014/TT-BGTVT, nếu không được giải quyết thỏa đáng và triệt để, thì tới đây, rất nhiều chủ của những phương tiện giao thông bốn bánh chắc chắn sẽ bị thanh tra và cảnh sát giao thông gây phiền hà. Và tiêu cực càng có điều kiện nảy nở!

Bình luận mới nhất