| Hotline: 0983.970.780

Bất cập đấu thầu phân hữu cơ vào vườn cao su

Thứ Hai 19/09/2016 , 09:35 (GMT+7)

Hàng năm, các Cty cao su mua lượng phân bón hữu cơ vi sinh khá lớn để bón cho vườn cây thông qua hình thức đấu thầu. Tuy nhiên, qua thực tế cho thấy có dấu hiệu bất cập.

Mất tính cạnh tranh

Các Cty cao su trực thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG), hàng năm khi lập kế hoạch bón phân cho diện tích vườn cây thì đề xuất số lượng cung cấp, chủng loại phân, trong đó có phân hữu cơ vi sinh (HCVS), từ đó thông qua lãnh đạo VRG có ý kiến phê duyệt trước khi mời thầu.

07-52-24_h1
Bao phân hữu cơ vi sinh Omix bỏ lại trong vườn sau khi bón lót

 

Sau đó, các Cty cao su tổ chức mời thầu và quyết định chọn nhà thầu bỏ giá thấp nhất trên cơ sở hồ sơ dự thầu đáp ứng nhu cầu mời thầu để tiến hành thực hiện hợp đồng mua bán. Nhằm để các Cty cao su mua phân hữu cơ và vô cơ của các doanh nghiệp đảm bảo số lượng và chất lượng, ngay từ tháng 3/2012, VRG đã có văn bản số 559 chỉ định 5 doanh nghiệp gồm Komix, Sông Gianh, Quế Lâm, Omix và Cosevco Quảng Bình được ưu tiên tham gia mua bán tất cả gói thầu (gọi là nhóm 1).

Đến tháng 4/2015, VRG có văn bản số 876 thay thế Cosevco Quảng Bình bằng Cty CP Công nông nghiệp Tiến Nông (Thanh Hóa). Sau nhóm 1, VRG xếp các doanh nghiệp khác như Hóa sinh Củ chi, Hùng Nhơn, Hudavil, Ecomix, Bốn Mùa, Hướng Dương, Eakmat, Phú Thịnh, Sao Mai... thuộc nhóm 2.

Trong 5 đơn vị thuộc nhóm 1 nói trên, ngoài Cty, TCty, Tập đoàn có thương hiệu nổi tiếng trên thị trường như Komix, Quế Lâm, Sông Gianh, Tiến Nông, thì phân hữu cơ Omix của ông Đỗ Khắc Tùng (thông gia với ông N.T.C nguyên TGĐ TCty Cao su Đồng Nai), chủ cơ sở phân bón hữu cơ Long Khánh ở ấp Núi đỏ, xã Bàu Sen, TX Long Khánh, tỉnh Đồng Nai, trên thị trường tự do (đại lý, nông dân) lại ít người biết tiếng.

07-52-24_h2
Vườn cao su tái canh trồng mới đào hố chuẩn bị bón lót phân HCVS Omix

 

Thế nên, dù là một cơ sở phân bón được UBND thị xã Long Khánh cấp phép kinh doanh, dấu vuông, nhưng do được VRG xếp vào loại doanh nghiệp “Thương hiệu hàng đầu” (nguyên văn) nên phân Omix nằm trong top-ten được mua bán phân HCVS trong tất cả các gói thầu với số lượng hàng chục ngàn tấn.

Trong khi các gói mời thầu phân bón HCVS của các Cty cao su đưa ra bao gồm quy chuẩn kỹ thuật, yêu cầu chất lượng đều như nhau, tất cả các doanh nghiệp sản xuất phân hữu cơ đều có khả năng đáp ứng, nhưng do phân biệt chia nhóm 1, nhóm 2, vô hình chung trong đấu thầu mất đi tính cạnh tranh, không phù hợp với Khoản 1, Điều 4 của Luật Cạnh tranh năm 2004 là: “Doanh nghiệp được tự do cạnh tranh trong khuôn khổ pháp luật. Nhà nước bảo hộ quyền cạnh tranh hợp pháp trong kinh doanh”.

Tuy nhiên, nhờ lọt vào nhóm 1 mà các năm qua, phân HCVS Omix có ưu thế đánh bại được các doanh nghiệp thương hiệu, liên tiếp trúng thầu lên đến hàng chục ngàn tấn với trị giá hàng chục tỷ đồng.

 

“Soái ca” Omix!

Cụ thể, chỉ riêng tại TCty Cao su Đồng Nai, theo điều tra của chúng tôi, năm 2013, mặc dù là loại hình kinh doanh cơ sở, nhưng phân Omix đã trúng thầu độc lập lên đến 14.000 tấn (lấy tròn) với giá 2.160 đồng/kg, doanh thu đạt mức “nằm mơ không thấy” là 30 tỷ đồng; năm 2014, sau khi “nâng cấp” lên Cty, tuy gặp thời điểm giá mủ cao su xuống thấp, VRG chỉ đạo giảm suất đầu tư nông nghiệp, trong đó có phân bón, nhưng Omix tiếp tục trúng thầu với số lượng 10.000 tấn với giá 1.995 đồng/kg, doanh thu cũng đạt 20 tỷ đồng.

07-52-24_h3
Cán bộ cơ quan chức năng kiểm tra, lấy mẫu các loại phân hữu cơ buôn bán trên thị trường tự do

 

Năm 2015, Omix lại trúng thầu số lượng 7.000 tấn với giá 1.860 đồng/kg; năm 2016, vừa kết thúc đợt bón phân đầu tháng 9, Omix vẫn tổng kết “hân hoan” cung cấp gần 2.000 tấn với giá 1.550 đồng/kg. Ngoài ra, các năm qua, Omix còn trúng thầu ở một số Cty cao su khác ở miền Đông Nam bộ như PR, DT, LN... với số lượng cũng hàng ngàn tấn do được xếp nhóm ưu tiên.

Đành rằng theo qui định Luật Đấu thầu, nhà thầu nào bỏ giá thấp nhất cùng hồ sơ dự thầu đáp ứng được yêu cầu của bên mời thầu là thắng cuộc. Tuy nhiên, trong trường hợp này, dư luận thắc mắc là vì sao phân Omix liên tục trúng đậm gần như tất cả các gói thầu qua 4 năm (2013 - 2016) với giá bỏ thấp “không thể hình dung” thì liệu có nhóm lợi ích gì ở đây không?!

07-52-24_h4
Các loại phân hữu cơ chào hàng mẫu cho các đại lý “duyệt” trước khi đem bán cho nông dân

 

Điều đáng nói là, cùng một mặt hàng HCVS 1,5% lân và 3% lân áp dụng theo tiêu chuẩn chất lượng, qui chuẩn kỹ thuật quốc gia, thế nhưng giá bỏ thầu phân Omix từ 2.160 đồng/kg năm 2013 giảm xuống còn 1.550 đồng/kg năm 2016, tức giảm đến 610 đồng/kg. Rõ ràng, đã có sự rất khác biệt về giá trị mua bán trên cùng một loại sản phẩm phân bón được sản xuất ra từ cùng một “mẹ”.

Theo ông Nguyễn Đức Tuyến (Trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón Quốc gia), phân HCVS có 1,5% hay 3% lân thì thành phần chính vẫn là hữu cơ và vi sinh vật có lợi như Trichoderma, Bacilus, Azotobacter..., nếu có đạm, lân, kali chỉ là thành phần phụ. Giá thành phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng nguyên liệu hữu cơ và chất lượng của vi sinh vật có lợi.

Đặc biệt, còn phụ thuộc vào qui trình kỹ thuật, công nghệ sản xuất của từng doanh nghiệp, chính vì vậy giá vênh nhau khá lớn. Với chi phí nguyên liệu than bùn từ trước đến nay không biến động nhiều, dao động khoảng 600 - 900 đ/kg cộng thêm chi phí các loại vi sinh vật, bao bì, nhân công, khấu hao... thì giá thành sản xuất phân HCVS phải từ 2.800 đồng/kg trở lên. Như vậy, với giá trúng thầu của phân HCVS Omix vào vườn cao su quốc doanh trong các năm qua rất đáng để VRG và ngành chức năng “để mắt” suy nghĩ.

07-52-24_h5
Vườn cây cao su kiến thiết cơ bản luôn có nhu cầu bón phân HCVS

 

20,5% mẫu phân bón hữu cơ không đạt chất lượng

Kết quả kiểm tra của Thanh tra Bộ NN-PTNT trong tháng 7 - 8/2016 cho thấy, sau khi lấy 78 mẫu phân hữu cơ tại các nhà máy, cơ sở SX của 10 tỉnh, phát hiện có 16 mẫu vi phạm qui định, vi phạm công bố về chất lượng, chiếm 20,5% so với tổng số mẫu kiểm tra.

Trong đó, 11 mẫu có chỉ tiêu không đạt mức sai số định lượng cho phép với mức công bố tiêu chuẩn áp dụng, với các chỉ tiêu chủ yếu là hàm lượng hữu cơ, axit Humic...

5 mẫu có chỉ tiêu không đạt định lượng bắt buộc so với mức công bố tiêu chuẩn áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng hoặc quy định trong danh mục phân bón.

 

Xem thêm
Thuốc trừ sâu, trừ nhện King Spider 93SC

King Spider 93 SC là hỗn  hợp của hoạt chất: Spirodiclofen 75 g/kg + Emamectin benzoate 18g/kg, là thuốc trừ sâu ăn lá và chích hút đặc biệt rất công hiệu trừ nhện các loại.

Bộ đôi Advance và Advance Pro: Định nghĩa mới về độ đạm chuẩn cho tôm

Advance và Advance Pro là bộ đôi thức ăn hàng ngày từ Grobest Việt Nam, giúp người nuôi đối phó với tình hình giá tôm giảm mạnh và chi phí nuôi tăng cao hiện nay.

Tập đoàn Hùng Nhơn có thêm thành viên thứ 16

Sau thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) với Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển công nghệ sinh học Visakan, Hùng Nhơn Group chính thức có thêm thành viên thứ 16.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm