| Hotline: 0983.970.780

Bắt đào nở hoa trên đất Nam Bộ

Chủ Nhật 15/01/2012 , 08:43 (GMT+7)

Người có được thành công hàng đầu trong số đó là Phạm Viết Đệ, một nông dân ở ấp Núi Đỏ, xã Bàu Sen (Long Khánh, Đồng Nai).

Một góc vườn đào của Phạm Viết Đệ
Từ nhiều năm nay, một số người mê đào đã dày công tìm cách trồng và cho đào nở hoa ngay trên đất Nam Bộ. Người có được thành công hàng đầu trong số đó là Phạm Viết Đệ, một nông dân ở ấp Núi Đỏ, xã Bàu Sen (Long Khánh, Đồng Nai).

 Kẻ mê đào

Trong vườn nhà Phạm Viết Đệ có nhiều loại cây hoa cảnh. Nhưng chỉ khi nói tới đào thì gương mặt ông mới rạng rỡ hẳn lên. Bởi những loại hoa cảnh khác, với ông chỉ là một thú chơi thông thường. Còn đào, lại là môt niềm đam mê đặc biệt.

Phạm Viết Đệ bảo ông đã mê đào từ 40 năm trước, khi còn học ở Trường Don Bosco Đà Lạt. Ngoài giờ học, học viên phải làm các công việc như lau cửa sổ, bàn ghế… rất là nhàm chán. Trong khuôn viên của trường có một vườn hoa rất đẹp, với nhiều loại hoa cảnh rực rỡ sắc màu. Trong đó, cái màu hồng của những bông hoa đào Đà Lạt đã hút hồn chàng trai trẻ ấy. Mê đào quá, Phạm Viết Đệ quyết định xin được ra làm vườn sau giờ học. Từ đó, ông bắt đầu gần gũi với những cây đào, bắt đầu tìm hiểu về loài hoa số 1 trong tiết trời mùa xuân xứ lạnh.

Niềm say mê hoa đào đeo đẳng Phạm Viết Đệ mãi về sau này, nhất là khi ngoài giống đào Đà Lạt, ông còn được nghe kể, được thấy tận mắt những loại hoa đào khác mà vẻ đẹp chẳng kém, thậm chí còn hơn cả đào Đà Lạt. Phạm Viết Đệ mê đào đến nỗi cách đây khoảng gần 20 năm, khi ngồi trong một quán cà phê, tình cờ nghe thấy một ông ngồi ở bàn khác, chuyên chạy xe khách Bắc – Nam, khoe với bạn cùng bàn rằng ông ta vừa mua được một cây đào Nhật Tân rất đẹp ở Hà Nội, đang chuẩn bị mang vào Biên Hòa, ông bèn lân la đến làm quen và xin được đến nhà ông nọ để chiêm ngưỡng cây đào ấy khi đào đã về đến nơi.

Do không biết rõ khi nào đào sẽ tới Biên Hòa và lại chưa sẵn điện thoại như bây giờ, nên ngày nào ông cũng phóng xe vượt chặng đường vài chục cây số, từ Long Khánh về Biên Hòa, chỉ để xem đào Nhật Tân về đến nơi chưa. Đến khi được tận mắt thấy những bông hoa trên cây đào Nhật Tân, ông lại thêm một lần mê mẩn, ngày nào cũng xuống ngắm hoa cho thỏa lòng. Nhưng do bị đột ngột đưa từ nơi đang lạnh (Hà Nội) vào nơi đang nắng nóng (Biên Hòa), nên những bông hoa đào ấy chỉ sau vài ngày đã tái màu rồi héo rụng, khiến ông cứ thấy tiếc ngẩn ngơ.

Cũng vì mê đào, mà dù sinh sống ở nơi vườn tược hẻo lánh, nhưng từ nhiều năm trước, Phạm Viết Đệ đã sớm nối mạng Internet để tìm kiếm các thông tin, hình ảnh về hoa đào, từ đào Đà Lạt, tới mai anh đào, đào Nhật Tân, rồi bích đào, hồng đào… Không dừng lại ở đó, ông nông dân này còn mày mò tự học cách lập blog, cách tải hình ảnh, thông tin, video lên mạng để lập riêng một blog về hoa đào với nhiều bài vở, hình ảnh, video rất sinh động, khiến cho đám trẻ học về công nghệ thông tin cũng phải tỏ ý thán phục.

Đỉnh điểm về cái sự mê đào của Phạm Viết Đệ là ông quyết tâm trồng và cho đào ra hoa bằng được ngay trên đất Nam Bộ. Một ý tưởng mà 20 năm trước, dễ bị người đời cho là điên rồ, vì từ xưa tới giờ, nào đã thấy ai trồng được đào và cho đào nở trong cái tiết trời xuân đầy khô nóng của đất Phương Nam? Chẳng dư dả, giàu có gì, nhưng ông đã bán đi 2 nền nhà, trị giá vài trăm triệu đồng, chỉ để thực hiện ước mơ có vẻ viển vông ấy.

Bắt đào nở

Năm 1990, khi mua được mảnh đất vườn hơn 1 ha ở ấp Núi Đỏ, ngoài việc trồng tiêu và các loại cây khác để mưu sinh, Phạm Viết Đệ đã tính ngay tới việc trồng đào. Ông lặn lội lên Đà Lạt, xin được 3 cây đào con (loại đào trồng lấy trái của Đà Lạt), đem về trồng trong vườn nhà. Trồng 1 thời gian, còn sống được 1 cây. Mấy năm sau, khi cây đào đó đã sinh trưởng vững vàng, ông tìm kiếm được mấy cành đào Nhật Tân, đem về ghép lên gốc đào Đà Lạt. Loay hoay mất một thời gian, ông đã tìm ra được bí quyết ghép thành công để có được những cây đào Nhật Tân sinh trưởng tốt ngay trên vườn của mình. Nhưng ông chẳng thể nào bắt những cây đào đó ra hoa được, dù đã thử đủ mọi cách.

Bí quá, ông đành lặn lội lên Đà Lạt, đến học hỏi kinh nghiệm cho đào ra hoa của cố nghệ nhân Mười Lời. Trước niềm mê đào của Phạm Viết Đệ, lão nghệ nhân đã truyền lại những kinh nghiệm rút tỉa được từ việc cho đào ra hoa ở Đà Lạt. Nhưng khi trở về nhà, đem tất cả những kinh nghiệm đó áp dụng trên những cây đào của mình, Phạm Viết Đệ vẫn thất bại. Không nản, ông lại “tầm sư học đạo” từ mấy người giỏi nghề trồng đào ở ngoài Bắc. Những cây đào vẫn chẳng chịu ra hoa.

Sau nhiều ngày suy ngẫm lý giải nguyên nhân thất bại, Phạm Viết Đệ mới nhận ra rằng những kiến thức, kinh nghiệm đã học là không sai, nhưng áp dụng y nguyên như vậy trên những cây đào của mình là không phù hợp, vì đào của ông trồng ở xứ nóng quanh năm, còn đào của cụ Mười Lời hay mấy nghệ nhân miền Bắc đều cho ra hoa vào mùa lạnh. Biết được nguyên nhân chính nằm ở sự khác biệt về khí hậu, ông lại tiếp tục áp dụng những kiến thức đã học, nhưng làm một cách linh hoạt, có gia giảm, thêm bớt…

Và rồi, những cây đào đã không phụ ông. Năm 1998, tỷ lệ ra hoa đạt tới 70%. Hoa đào có màu sắc đẹp không thua kém gì đào trồng ngoài Hà Nội hay trên Đà Lạt. Hoa lại để được lâu hơn so với những cành đào mang từ ngoài Bắc vào hay từ trên Đà Lạt xuống vì được nảy đâm nụ, nở hoa ngay trong khí hậu mùa khô Nam Bộ.

Đến nay, Phạm Viết Đệ đã có trong tay trên ngàn cây đào, trong đó có 26 cây đào cổ thụ, có cây trên 40 tuổi, đường kính gốc lớn tới hơn 30cm và 350 cây đào từ 5-7 năm tuổi. Số còn lại là đào nhỏ do ông đã tự nhân giống ra và tết năm nay cũng sẽ đưa ra thị trường. Chúng gồm 5 giống đào: bích đào, hồng đào, đào đá, đào Vân Nam và 1 giống đào ông sưu tầm từ Hà Giang mà chưa biết đặt tên là gì. Tất cả những cây đào trong vườn nhà đều đã được ông thuần dưỡng cho thích hợp với khí hậu Nam Bộ và nhân giống thành công.

Nhưng ông nông dân mê đào này vẫn chưa thể vui vì hoa đào của ông nở sau Tết tới 10 ngày lận. Mà với dân chơi đào, hoa chỉ cần nở không đúng vào ngày mùng 1 Tết, đã coi như là thất bại rồi. Năm sau, ông cho xuống lá đào sớm hơn 10 ngày so với năm trước. Cứ tưởng như vậy, hoa đào sẽ nở đúng vào ngày mùng 1 Tết. Nhưng thật oái oăm, những cây đào lại bung nở hoa muộn hơn năm trước tới 5 ngày, tức là chậm tới 15 ngày so với yêu cầu nở vào ngày Tết. Vụ nở hoa trễ tràng đó làm Phạm Viết Đệ “dở khóc dở cười” bởi đã trót đánh tiếng mời anh em, bạn bè đến nhà ngày Tết để thưởng thức hoa đào.

Dù sao, thất bại đó đã cho ông một bài học quý giá là muốn cho đào ra hoa đúng vào ngày Tết, không thể cứ cứng nhắc chọn một ngày nào đó trước Tết để xuống lá, mà việc xuống lá phải tùy theo thời tiết cụ thể và tùy vào trạng thái của từng cây đào. Tức là trong một vườn đào, mỗi cây đào sẽ có thời gian xuống lá riêng biệt, không cây nào giống cây nào. Đó chính là bí quyết để đến nay ông đã thành công trong việc cho đào nở hoa đúng vào ngày Tết, đạt tỷ lệ tới 70%. Và cũng vì bí quyết đó mà khi có những người ở xa gọi điện tới đề nghị cho họ biết ngày nào nên xuống lá đào, ông không dám nhận.

Ông tâm sự: “Không phải là tôi giấu nghề. Mà vì trong vườn đào nhà tôi, tôi còn phải theo dõi rất kỹ tình trạng của từng cây và thời tiết cũng như dựa theo chế độ đã chăm sóc, bón phân cuối cùng rồi mới chọn thời điểm nào cần phải xuống lá vào ngày nào trước Tết, nên tôi không dám chỉ cho người ta khi không biết được tình trạng cụ thể cây đào của họ, vì cây đó được trồng ở những nơi ít nhiều có sự khác biệt về khí hậu so với vườn nhà mình”.

Xem thêm
Chăn nuôi hướng đến hiệu quả bền vững tại Sóc Trăng

Gói giải pháp chăn nuôi toàn diện từ con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật của nhà phân phối Bích Phúc giúp nhiều nông hộ đạt lợi nhuận tốt.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.

Bình luận mới nhất