| Hotline: 0983.970.780

Bất lực nhìn vợ bạo bệnh

Thứ Sáu 24/10/2014 , 08:20 (GMT+7)

Đã gần ba năm nay, nếu tính thời gian nằm viện trị bệnh ung thư của chị Hoài có khi còn nhiều hơn ở nhà. 

Chính điều này đã khiến cho gia đình anh chị vốn nghèo nay còn nghèo thêm, bởi các khoản nợ ngày thêm chồng chất...

Sự suy sụp cả thể xác lẫn tinh thần đã hiện rõ trên khuôn mặt gầy gò, khắc khổ của người đàn ông Nguyễn Khắc Tần (41 tuổi) ngụ tại thôn Tân Hà, xã Ea Tóh, Krông Năng (Đăk Lăk).

Suốt gần ba năm qua, khi vợ anh, chị Bùi Thị Hoài (41 tuổi) nằm viện cũng là chuỗi ngày dài, đêm thâu với tâm trạng khắc khoải âu lo của người chồng. Để trang trải mọi khoản từ chi phí cho vợ đi lại, điều trị tại bệnh viện, đồng thời lo cho ba đứa con ăn học, anh Tần phải cố gồng mình và nhiều lúc cảm thấy hụt hơi.

Tâm sự với chúng tôi, cố nuốt nước mắt vào trong, anh Tần ngậm ngùi cay đắng: “Lực bất tòng tâm rồi các anh ơi! Giờ gia đình em đã cạn kiệt hết cả rồi, không còn biết bám víu vào đâu được nữa. Ông bà, anh em bà con hai bên nội ngoại cũng đều nghèo. Bây giờ em chỉ mong ước làm sao vợ em sớm khỏi bệnh.

Bao đêm qua, trong giấc ngủ, em thường xuyên giật mình hoảng hốt với cảnh tượng một ngày nào đó vợ mình sẽ ra đi vĩnh viễn. Nhìn 3 đứa con thơ dại, em không dám nghĩ đến tương lai nếu thiếu bóng dáng của người mẹ, người vợ trong gia đình”.

Năm 1995, từ vùng quê Hương Khê (Hà Tĩnh), anh Nguyễn Khắc Tần vào Đăk Lăk lập nghiệp. Duyên phận xe tơ, anh gặp chị Bùi Thị Hoài (quê Nghi Xuân, Hà Tĩnh), năm 1999 hai người kết hôn. Sau hơn 15 năm chung sống, họ có ba người con, cháu trai lớn (14 tuổi) là học lớp 8, cháu trai thứ hai (9 tuổi) học lớp 3 và cháu gái út (5 tuổi).

Cuộc sống của gia đình chủ yếu trông chờ vào 3 sào cà phê cộng thêm việc anh chị nhận bốc vác hàng hóa cho các đại lý thu mua cà phê hay buôn bán vật liệu xây dựng trên địa bàn.

Tuy nghèo nhưng cả hai vợ chồng luôn chịu thương chịu khó, đồng lòng chung lưng đấu cật bởi nguồn động viên đối với anh chị chính là ba đứa con ngoan. Hằng ngày, sau buổi làm thuê, trở về trong căn nhà nhỏ tuy còn tuềnh toàng nhưng được chứng kiến sự vui đùa hồn nhiên của con trẻ, nỗi lo toan, mệt nhọc dường như tan biến.

Nhưng cuộc đời thật oái oăm, đã nghèo còn gặp họa, một ngày đầu tháng 4/2012, trong một lần đi khám bệnh tại BV đa khoa Thiện Hạnh (TP Buôn Ma Thuột) chị Hoài được bác sĩ cho hay: Chị đã bị ung thư vú giai đoạn II. Tin dữ ập xuống, ngôi nhà nhỏ nay bỗng yên ắng, lặng lẽ bởi họ biết, căn bệnh quái ác đó sẽ “tàn phá” cuộc sống  của gia đình anh chị.

Dẫu biết bệnh hiểm nghèo, anh chị vẫn nuôi một niềm tin mãnh liệt, do vậy, đều đặn theo lịch hẹn, anh chị lại khăn gói xuống BV Ung bướu TP Hồ Chí Minh để điều trị. Từ đó đến nay, suốt 3 năm trời, hai vợ chồng vẫn dìu dắt nhau chống chọi với bệnh tật.

Để có tiền thuốc thang cho vợ, tháng nào anh cũng phải chạy đôn, chạy đáo, kể cả việc bán mấy con gà chưa kịp lớn, hay bán cà phê trước thời vụ, rồi vay mượn anh em và vay ngân hàng…

Căn bệnh quái ác không chỉ “moi sạch” tài sản, tiền bạc của hai vợ chồng chắt bóp suốt bao năm mà còn vắt kiệt sức khỏe của anh chị. Những cuộc giải phẫu cắt khối u rồi đến các đợt xạ trị, hóa trị... liên tiếp được tiến hành nhưng căn bệnh của chị vẫn không có dấu hiệu khả quan.

Được biết, hiện tại sức khỏe của chị Hoài đang diễn biến bất thường. Nguyên nhân là trong quá trình điều trị không được thường xuyên liên tục, thậm chí nhiều lần bị ngắt quãng do kinh phí eo hẹp nên hơn 5 tháng nay quá trình đi lại của chị Hoài rất khó khăn. Ngoài sự giúp đỡ của chồng con, nhiều lúc chị phải dùng đến đôi nạng gỗ để di chuyển.

Theo bác sĩ điều trị, để duy trì sự sống cho chị Hoài, gia đình phải có một khoản chi phí khá lớn để thuốc thang, điều trị. Vậy nhưng, với hoàn cảnh hiện tại, khi mọi việc lớn nhỏ đều đè nặng lên vai người chồng gầy yếu, để tiếp tục duy trì điều trị bệnh cho chị Hoài nữa hay không vẫn đang là một trăn trở lớn.

Ông Nguyễn Quang Mĩ, Hội trưởng Hội Chữ thập đỏ xã Ea Tóh, cho biết: “Chúng tôi cũng đã từng vận động bà con trong các thôn, buôn của xã quyên góp hỗ trợ nhưng thực ra cũng chỉ là tinh thần mà thôi. Vì vậy, rất mong được sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm để vợ chồng anh Tần có thể vượt qua cơn bĩ cực này...”.

Mọi sự chung tay, góp sức của các nhà hảo tâm xin gửi về: Anh Nguyễn Khắc Tần, thôn Tân Hà, xã Ea Tóh, huyện Krông Năng (Đăk Lăk) hoặc gửi về văn phòng Báo NNVN tại ĐBSCL, số 49 Lý Tự Trọng, TP.Cần Thơ, ĐT: 07103.835431, chúng tôi sẽ chuyển giúp quý vị.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm