| Hotline: 0983.970.780

Bất lực với mẹ chồng giả dối

Thứ Hai 25/08/2014 , 10:20 (GMT+7)

Mẹ chồng em sống rất là giả, khi có mặt con trai thì nói hay lắm, nào là mẹ không phân biệt con dâu hay con gái, nào là mẹ làm hết việc nhà… Em thấy xấu hổ thay cho bà.

Chào chị Dạ Hương!

Em là người nghiện chuyên mục TVGĐ của chị, không số báo nào em bỏ sót. Tâm trạng em rối bời với bao suy nghĩ ngổn ngang, em sợ mình bị chứng trầm cảm sau sinh mất thôi. Chị là người em nghĩ đến đầu tiên.

Em chính là người phụ nữ có số phận không may từ lúc còn trong bào thai. Bố em “bỏ của chạy lấy người” khi mẹ em thông báo mang thai. Em lớn lên trong sự chăm bẵm của bên ngoại, đặc biệt là bà ngoại.

Trong sự khinh ghét của người đời, mẹ em đã vượt qua tất cả để nuôi em khôn lớn và em đã có một công việc ổn định trong cơ quan Nhà nước. Đi làm được 3 năm em lấy chồng và chồng em cũng làm trong một cơ quan Nhà nước cách nhau 40km, cuối tuần chúng em gặp nhau.

Em sinh đứa con đầu lòng ở nhà mẹ em, mọi vấn đề không có gì để nói và hiện nay em sinh đứa thứ 2 được gần 4 tháng tuổi (sinh ở nhà chồng). Mọi vấn đề nảy sinh từ đây, khiến em mệt mỏi và tình cảm vợ chồng ít nhiều ảnh hưởng.

Về sống trong gia đình chồng mới biết cảnh mẹ chồng nàng dâu nó khổ đến mức nào. Trước đây em cứ nghĩ mình sống tốt với họ, họ sẽ đối xử tốt với mình, nhưng mọi chuyện không đơn giản như vậy. Lúc em ở cữ là chuỗi ngày đau khổ nhất với em, em không dám chia sẻ với chồng bởi như vậy rất khó cho anh: Bên mẹ bên vợ bên nào cũng quý.

Âm thầm chịu đựng mong hết thời gian ở cữ, mọi chuyện lại bước sang một trang khác tồi tệ hơn. Chưa đầy tháng em đã phải tự giặt giũ, lo toan mọi việc cho hai đứa con.

Thôi thì con mình thì mình chăm chứ trông chờ vào ai. Trước đây em đưa tiền cho mẹ chồng đi chợ, nhưng bà mua toàn thức ăn sẵn em không thích, thế là em tự đi chợ. Nhưng bà thích ăn hàng để trừ bữa thế là lại mâu thuẫn.

Mẹ chồng em sống rất là giả, khi có mặt con trai thì nói hay lắm, nào là mẹ không phân biệt con dâu hay con gái, nào là mẹ làm hết việc nhà… Em thấy xấu hổ thay cho bà. Trong cuộc đời em có lẽ em chẳng bao giờ quên được thời gian em sống ở đây, quãng thời gian cơ cực và đầy nước mắt.

Còn nói về chồng em, thì cũng như bao đặc tính chung của người đàn ông Việt Nam thôi, chắc chị hiểu ý em. Mọi người trong cơ quan khen em đảm đang, chu toàn, nhiệt tình giúp đỡ ai có yêu cầu, giống như em sinh ra là để lo cho người khác vậy.

Nhưng sao gia đình chồng chẳng bao giờ ghi nhận tính cách đó của em, ngay cả chồng em. Nghĩ mà thấy chua xót cho phận mình, em cũng cần sự yêu thương chăm sóc như họ cần em chứ. Ai cũng bảo số em khổ, mà khổ thật đó chị à.

Đang tâm sự với chị mà nước mắt em cứ chảy, em dừng đây.

-----------------

Em thân mến!

Chị chia sẻ trước tiên với em về chuyện ra đời không bố. May mà mẹ em “lì đòn”, gan góc nuôi em, không đem cho đi hoặc làm chuyện gì đó khiến em bất hạnh thêm. May mà em có bà ngoại theo em là tuyệt vời và chị tin bà cũng trời biển, tuyệt vời.

Học hành và công việc, hôn nhân và sinh con, bốn việc quan trọng nhất đời người phụ nữ, coi như em đã làm được, làm rất tốt. Mọi thứ khác, theo chị, đều là những “phản ứng phụ”, không gì ghê gớm cả.

Ai bảo em có số khổ, theo chị, là người VN thì đều khổ tất, vì xã hội mình loạn lạc đao binh mà sau đó là hậu chiến bời bời trên cái nền kinh tế bao cấp, nhá nhem, không giống ai cả.

Có biết bao phụ nữ cảnh mẹ chồng nàng dâu dở khóc dở cười như em. Hình như, cái gốc Khổng giáo nặng, nên xã hội miền Bắc mẹ chồng bắt nét con dâu hơn. Nhưng cũng may rủi em ơi, có người lại rất hiểu biết, cận tình, thương con dâu như con gái.

Vì vậy, chữ may rủi ở đây còn “chết cứng” hơn chuyện đục trong với chồng. Vì sao? Vì với chồng mình còn đối thoại được, còn dùng “mỹ nhân kế” lay chuyển được, còn có con cái “cảm hóa” chồng được. Mẹ chồng thì miễn bàn, may nhờ rủi chịu em ơi.

Chị cũng từng phải một mình ở cữ với hai con nhỏ. Còn tệ hơn em ở chuyện giặt giũ, chợ búa. Cứ nghĩ còn hơn má mình, hồi ấy ba của chị, do lễ giáo phong kiến, còn không được bước vào cái chòi của vợ sinh con ở góc vườn. Mỗi thế hệ phụ nữ VN nhích lên được vài phân, vì sự tiến bộ ở xứ mình giống như nhà sư khất thực nhích đi bằng kiểu đi nối gót!

Hãy cố gắng tỉ tê chồng giúp. Phụ nữ càng giỏi giang, chu toàn, càng cô độc em ơi, vì mình giỏi thì người ta tận dụng chứ không ai chú ý bù đắp cả. Nhưng có một triết lý là, mình xả thân thì mình sẽ được, phúc đức chẳng hạn, có đức không sức mà ăn.

Chị nhớ mình được dạy, giúp đỡ người khác là gánh gạo đường xa, người mình giúp sẽ không trả cho mình mà người khác cơ. Rồi con cái mình ra đời, sẽ có người khác giúp, đó là triết lý đáp đền nối tiếp, nó kéo dài tình thân ái giữa những con người với nhau.

Vừa ở cữ ra, đừng hoang mang và tủi thân nhiều, có hại, sức khỏe, dung nhan, tình cảm vợ chồng… Nên thoát ra khi hai vợ chồng có ít tiền dành dụm, để mái nhà của mình, mình cực một mình, vẫn cứ sướng hơn là cực khổ dưới con mắt giả dối của mẹ chồng.

Đúng, em nói ra thì chồng sẽ đau buồn và thông thường, đứa con nào cũng chọn mẹ chứ không chọn vợ, vì mẹ chỉ có một mà vợ thì bất kỳ, ai cũng được. Em có con, hãy đối xử tốt với mẹ của chồng, để còn làm gương cho con nó ngoan, nó sẽ có hiếu với mình, vậy thôi.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm