| Hotline: 0983.970.780

Thứ Năm 12/02/2015 , 06:15 (GMT+7)

06:15 - 12/02/2015

Bật mí của Việt kiều

Nhiều tờ báo đưa tin: Nhân dịp về nước đón Tết Ất Mùi này, nhiều bà con Việt kiều ở một số nước đã lên tiếng chỉ rõ nguyên nhân vì sao trái cây Việt Nam ở một số nước đã bị khách hàng quay lưng.

Theo bà Đinh Kim Nguyệt, chủ một doanh nghiệp Việt kiều ở Canada, thì thực tế một số trái cây Việt Nam như xoài chẳng hạn, rất được người tiêu dùng ưa chuộng, nhưng không tìm ra để mua. Nhưng thanh long Việt đã có mặt ở Canada lại bị người tiêu dùng... coi thường.

Lý do là doanh nghiệp quen bán hàng như kiểu ở Việt Nam, bán đổ đồng. Sang Canada, họ cũng bán hàng như vậy, không bao bì, nhãn mác, không áp phích, không poster giới thiệu đây là trái cây gì, nhập ở đâu, chất lượng ra sao.

“Người tiêu dùng nước ngoài họ không thích mua hàng kiểu vậy, họ muốn biết thông tin, muốn hàng được chăm chút, bảo quản có bao bì, thương hiệu. Vì vậy, thanh long Việt đổ đống một thời gian là xấu mã, hư hỏng, bán có rẻ cũng không ai thèm mua. Chính vì vậy mà trái cây Việt Nam nhanh chóng bị đánh bật khỏi thị trường Canada bởi hàng Thái Lan” - lời bà Nguyệt.

Còn bà Vũ Thị Mai Liên, một doanh nhân Việt kiều ở Nga, thì cho biết, các loại trái thanh long, nhãn, vải, xoài… của Việt Nam được thị trường Nga rất ưa chuộng. Nhưng do vận chuyển bằng đường biển, lại bảo quản kém, nên sang đó chỉ bán được một thời gian ngắn là bị hỏng.

Như vậy, thương hiệu và việc bảo quản sau thu hoạch chính là hai “nút thắt”, khiến trái cây Việt bị người tiêu dùng ở nhiều thị trường quay lưng, dù tại những thị trường đó, trái cây luôn là mặt hàng được bán với giá rất đắt.

Về việc bảo quản sau thu hoạch, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát cho biết: "Việt Nam đang hợp tác chuyển giao công nghệ bảo quản nông sản từ Nhật. Họ có những công nghệ "đông lạnh tế bào" có thể bảo quản rau quả vài năm, khi rã đông vẫn tươi nguyên, giữ được giá trị dinh dưỡng. Tuy nhiên, cái khó là giá công nghệ rất đắt”.

Giá của công nghệ bảo quản nông sản của các nước phát triển, có nền khoa học tiên tiến, đương nhiên là đắt. Nhưng đó là thứ “đắt, xắt ra miếng”. Nếu có được công nghệ làm đông lạnh tế bào, có thể bảo quản rau quả đến vài năm, khi rã đông vẫn tươi nguyên, giữ được giá trị dinh dưỡng như đã nói ở trên, lại có thương hiệu nữa, thì người nông dân không lo gì phải bán đổ bán tháo sản phẩm, thậm chí đổ sản phẩm cho bò ăn sau thu hoạch.

Bởi rau quả của ta sẽ vào được các thị trường khó tính nhất. Lợi nhuận của nông dân sẽ tăng. Nông dân thoát nghèo còn doanh nghiệp cũng thu được lãi “khủng”.

 Có được công nghệ như trên, hàng trăm xe tải chở dưa hấu, thanh long… của ta sẽ thoát khỏi cảnh xếp hàng chờ ở các cửa khẩu để sang thị trường Trung Quốc, để rồi cuối cùng bị thương lái Trung Quốc ép giá một cách thê thảm, thậm chí không mua, đến nỗi chở về không được, mà đổ đi cũng không xong… Nền nông nghiệp của ta sẽ đỡ phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

Thế nên, dù công nghệ có đắt, cũng nên khuyến khích doanh nghiệp mua, và Nhà nước nên tạo điều kiện, nhất là điều kiện về vốn, để doanh nghiệp mua được công nghệ. Mà ngẫm ra, nếu đắt nhưng được lợi lâu dài, thì lại hóa rẻ.