| Hotline: 0983.970.780

Bát Mọt - Mưa lũ qua nhanh, tang thương, tái nghèo ở lại!

Thứ Ba 31/10/2017 , 14:30 (GMT+7)

Ngoài 2 người thân trong gia đình chị Thủy, trong đêm định mệnh ấy, Bát Mọt còn 1 người chết và 1 người mất tích đến nay vẫn chưa tìm thấy.

Cụ Lương Xuân Quỳnh (80 tuổi, thôn Cạn, xã Bát Mọt, huyện Thường Xuân - Thanh Hóa) cho biết: Gần 80 năm qua tôi chưa bao giờ chứng kiến trận lũ quét tàn khốc như thế này, đỉnh núi Pù Cạn từ xưa rất hiền hòa mà sao nay nổi giận khủng khiếp quá, chỉ một cơn áp thấp thôi đã đem lũ từ thượng nguồn về bản nhấn chìm bao tài sản, thật quá đau lòng.

Về Bát Mọt, khi mục sở thị mọi thứ chúng tôi mới thực sự thấu hiểu, thực sự nhói lòng. Những ngôi nhà, những người con đã bị lũ cuốn trôi và mãi mãi không trở về, cảm giác quặn lên bên ngực trái như chính quê mình bị lũ…
 

I. Men theo con suối vào xóm Suối Muống thì hình ảnh đầu tiên chúng tôi nhìn thấy chính là con đường bê tông dài 3km đã bị vùi lấp; những đất, đá ập xuống xóa sạch con đường, không thể phân biệt đâu là lối đi nữa. Và đây cũng là nơi có 7 ngôi nhà kề nhau đã bị sập hoàn toàn, chỉ còn chỏng chơ vài cái cột, cầu thang, ít gạch ngói, và sơ sài những vật dụng đã hư hỏng.

10-11-29_7trong_9_ngoi_nh
Nơi có 7/9 ngôi nhà ở xóm suối Muống bị sập và lũ cuốn trôi hoàn toàn

Cả gia đình bà Lang Thị Tuyên 57 tuổi, xóm suối Muống, thôn Chiềng đang nhặt nhạnh vài thanh củi, viên gạch giữa đống đổ nát. Thứ còn lại duy nhất của gia đình bà là cái bếp chứa củi để dành mùa mưa mà dùng cùng vài con chó, con lợn.

Thấy chúng tôi, bà Tuyên òa khóc: “Đêm đó, nước lũ dâng lên nhanh và mạnh, gia đình tôi chỉ biết nhìn dòng nước cuốn trôi căn nhà, đồ đạc vật dụng từ ti vi, máy xay sát, máy cày... cũng cuốn theo dòng lũ. Con trâu tôi thả trên rừng cũng không tìm thấy nữa. Năm ngoái gia đình tôi vừa thoát diện hộ nghèo, giờ lại tái nghèo rồi. Chồng tôi đang phải đi chữa trị bệnh tim, vì mưa lũ nên mấy ngày nay về để ứng phó. Nhưng chứng kiến cảnh này, ông ấy đã tái phát bệnh”.

Vẫn ở thôn Chiềng, trong tiếng nấc nghẹn ngào, trên khuôn mặt khô gầy, hốc hác - chị Lê Thị Thủy kể lại câu chuyện về cái đêm định mệnh đã lấy đi 2 người thân trong gia đình chị. “Chị ơi, chị mở cửa tầng hai ra đi”, đó cũng là câu nói cuối cùng của Hưng và mãi mãi chị Thủy không còn gặp lại người em ấy nữa.

10-11-29_gocthonchieng
Một góc thôn Chiềng trong ngày mưa lũ

Nước trên cao như dòng thác tiếp tục đổ xuống dữ dội đã làm sập sàn nhà, tiếp tục cuốn trôi 5 người, trong đó có tôi, 2 em ruột Lê Thị Hà, Lê Thị Hường; em rể Hoàng Văn Hưng và cháu gái Hoàng Thị Như Ý (con gái em Hưng và Hường)", chị Thủy nhớ lại.

10-11-29_nhchithuy
Ngôi nhà chị Thủy, anh Hiệp, xảy ra tai nạn kinh hoàng

Chị Thủy nấc lên: “Thực sự tôi không muốn nhớ lại giây phút kinh hoàng ấy lần nào nữa”. Thấy vậy, anh Hiệp (chồng chị Thủy) tiếp lời, hòa lẫn trong những giọt nước mắt ứa ra từ cặp mắt đỏ ngầu: “Nước lũ đã cuốn trôi em Hà và em Hưng. Em Hà 6 giờ sáng hôm sau thì vớt được xác, còn em Hưng thì trôi 3km xuống xóm dưới, nhưng cố bò lên bờ và được người dân cứu giúp.

Gia đình chúng tôi nhanh chóng đưa Hưng đi cấp cứu. Tại bệnh viện huyện Thường Xuân, mặc dù bác sĩ đã tận tình cứu chữa nhưng vì vết thương quá nặng, nội tạng bị dập nát nên em đã không thể qua khỏi. Việc đưa thi hài em Hà về quê chồng và em Hưng đi cấp cứu cũng vô cùng gian nan. Bởi khi đó các con đường đều bị cô lập, đoạn thì ngập nước, đoạn thì sạt lở. Chúng tôi phải thuê máy múc, xe tải đi trước dọn đường thì xe chở 2 em mới qua được”.

10-11-29_conduong
Con đường bị phá nát không còn thấy lối đi

Ông Lang Đức Thọ, Chủ tịch UBND xã Bát Mọt cho biết: Cơn lũ đã làm 4 người chết; 15 ngôi nhà bị sập, cuốn trôi; 43 ngôi nhà bị đất vùi lấp; 25 ngôi nhà bị ngập và hàng trăm ngôi nhà bị sụt lún, nứt toác. Trong đó, có 20 ngôi nhà phải di dời khẩn cấp. Hơn 57 ha diện tích lúa bị đất đá vùi và không có khả năng khôi phục, hàng nghìn con gia súc, gia cầm bị lũ cuốn trôi, nhiều tuyến đường giao thông, kênh mương bị hư hỏng nặng.
Khả năng 80% người dân trên địa bàn lâm vào cảnh thiếu đói, nhiều dân bản vừa thoát nghèo giờ lại tái nghèo.

Kể đến đây, chị Thúy bỗng hét lên xé lòng: “Ối các anh, các chị ơi! Không ngờ các em tôi sẽ đi hết đoạn đường trần cuối cùng của đời mình một cách khốn khó... như vậy đó!”.
 

II. Sau một hồi tự trấn tĩnh - mà chúng tôi là người nghe nhưng phải cố ghìm lòng hơn chị, chị Thủy lại kể tiếp: “Cháu Như Ý đã 3 lần suýt tuột khỏi tay tôi, khi 2 bác cháu vật lộn với dòng nước dữ, nếu lúc đó không may cháu tuột khỏi tay tôi thì sau này tôi không biết phải sống tiếp thế nào.

Còn bản thân tôi trong lúc giành giật sự sống cũng là cả một cơn ác mộng. Tôi bị xoáy trong dòng lũ, dây rừng quấn chặt chân phải. Anh em xuống lôi tôi ra mà không được. Mọi người định chặt bỏ chân đó đi, đến thế mà cũng không được, vì dòng nước xoáy mạnh nên không tài nào chặt được chân!

Trong lúc nguy nan ấy, mọi người hỏi tôi, chúng tôi sẽ lôi mạnh chị, nếu đứt đoạn nào thì chị chấp nhận đoạn ấy nhé. Không còn thời gian lựa chọn nên tôi đồng ý. Khi ấy, mọi người dồn sức giật mạnh giúp tôi đã thoát khỏi dòng nước lũ. Đau đớn nhưng còn nguyên vẹn...”. 

Ngoài 2 người thân trong gia đình chị Thủy, trong đêm định mệnh ấy, Bát Mọt còn 1 người chết và 1 người mất tích vẫn chưa tìm thấy.

Cụ Lương Xuân Quỳnh (80 tuổi, thôn Cạn, xã Bát Mọt) cho biết: "Gần 80 năm qua, tôi chưa bao giờ chứng kiến trận lũ quét tàn khốc như thế. Đỉnh núi Pù Cạn từ xưa rất hiền hòa mà sao nay nổi giận khủng khiếp quá".

Trước đây, mỗi năm không biết bao nhiêu chuyến hàng chở gạo cứu đói vào cho đồng bào xã Bát Mọt.

Đời sống người dân tự cung tự cấp, vì thế cái gì cũng thiếu thốn, chỉ có một thứ không thiếu là thuốc phiện.

Vì vậy mà đến nay, nhiều người vẫn biết đến Bát Mọt là xứ sở một thời của hoa anh túc.

10-11-29_3_b_tuyen_1
Nhà bà Tuyên chỉ còn lại duy nhất cái bếp chứa đồ và củi khô

Nhưng đó là câu chuyện nhiều năm về trước. Còn cách đây chỉ ít ngày thôi, Bát Mọt đã khoác lên mình một màu áo mới với những con đường trải rộng thênh thang, điện lưới vào đến tận các thôn bản xa xôi, những quả đồi được phủ màu xanh của cây cối, hoa màu; các công trình phúc lợi cơ bản đáp ứng nhu cầu dân sinh... Đa số người dân đã chủ động được lương thực, không còn trông chờ vào trợ cấp của Nhà nước. Nếu như năm 2010 tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn là trên 75% thì nay chỉ còn 25%. 

Nhưng cơn lũ quét kinh hoàng ngày 11/10 vừa qua đã khiến nhiều nơi trong xã trở về con số không. Toàn xã có 58 ngôi nhà bị sập, đất đá vùi lấp, hàng trăm ngôi nhà bị sạt lún, nhiều diện tích hoa màu bị cuốn trôi, thiệt hại lên tới hàng trăm tỷ đồng.

Thôn Chiềng khá giả nhất ở Bát Mọt. Nhưng trong trận lũ lần này, thôn Chiềng thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Tại xóm suối Muống, dọc một bên bờ suối có 9 hộ dân nằm kế tiếp nhau thì có đến 7 hộ bị lũ quét, lũ ống làm sập và cuốn trôi nhà cửa, tài sản. Trong 7 hộ này có 3 hộ cận nghèo, 3 hộ mới thoát nghèo thì giờ đây tất cả lại tái nghèo.

Bên dòng suối Muống, bà Lang Thị Dân (54 tuổi) đang nấu mấy nồi rượu để ngày mai, ngày mốt nhờ anh em, hàng xóm kiếm cho ít tre, luồng, nứa lá để dựng cái lán mà ở tạm qua ngày. Mắt cay xè vì khói và vì xót xa cho cuộc sống cùng cực, bà Dân thủ thỉ: “Cơn lũ kinh hoàng đến bất ngờ quá, nghe dự báo thời tiết lần này là áp thấp, nên chúng tôi cũng nghĩ là chắc to như cơn bão số 10 vừa qua là cùng. Vậy mà lũ đến nhanh và mạnh quá khiến chúng tôi không kịp trở tay. 

10-11-29_b_dn4
Bà Dân nấu rượu tại ngôi nhà đã sập bên bờ suối

Lúc đó đường thì tắc, cột điện gãy chắn ngang đường, tôi phải vượt bờ rào để chui qua nên thoát chết. Nhưng chỉ tích tắc, lũ đã cuốn phăng ngôi nhà và đồ đạc. Nhà con trai tôi là Lang Văn Thi nằm cạnh cũng bị san phẳng. Cả nhà tôi giờ đều phải ở tạm nhà người thân”.

Rời Bát Mọt về xuôi, cả đoàn gần như không ai nói với nhau câu gì. Những đỉnh núi khuất sau mây như những đỉnh đời nổi trôi dâu bể tang thương - ai một lần tận thấy, sẽ ám ảnh không thể nào quên. Dọc đường gặp đoàn từ thiện từ Bát Mọt trở về khi trời đã nhá nhem. Chúng tôi vẫy tay chào nhau và cũng kịp nhận ra nét trầm tư trên khuôn mặt họ, trong lòng nặng trĩu khi nghĩ về tương lai của những hộ dân tái nghèo miền biên viễn...

 

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

10 năm lực lượng kiểm ngư cùng ngư dân bám biển

Trong 10 năm qua, lực lượng kiểm ngư ngày đêm bám biển, điều động hơn 1.500 lượt tàu tuần tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá trên các vùng biển Việt Nam.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Lão nông U70 với tham vọng đưa bưởi Diễn xuất ngoại

Bằng tình yêu nông nghiệp cùng óc sáng tạo trong sản xuất, ông Lê Hữu Diện đã trở thành người tiên phong làm nông nghiệp hữu cơ tại huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội.

Bình luận mới nhất