| Hotline: 0983.970.780

Bất ngờ ở xã từng thuộc diện 135

Thứ Năm 22/05/2014 , 10:17 (GMT+7)

Thông tin xã đặc biệt khó khăn Bồ Lý (huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc) cán đích NTM khiến nhiều người bất ngờ. 

Có người gọi đây là một kỳ tích nhưng cũng có người hoài nghi, bởi làm gì có chuyện “đốt cháy giai đoạn” nhanh đến thế được.

Tìm hiểu thực tế mới thấy đó là thành quả xứng đáng của một quá trình phấn đấu bền bỉ, lâu dài với sự chỉ đạo sáng tạo, đúng đắn và quyết liệt của chính quyền và nhân dân Bồ Lý.

Một thời ăn khoai dây

Nhớ lại một thời gian khó, Bí thư Đảng uỷ xã Trần Đình Phong kể: Năm 1998, Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn về thăm xã Bồ Lý. Ông chỉ đạo địa phương không trang trí hoa lá ở trụ sở UBND xã, không chụp ảnh... mà đi thẳng một mạch xuống thôn Đồng Cà (100% người dân tộc Sán Dìu), lách qua hàng rào nhà dân rồi đi vào bếp tìm hiểu cuộc sống của bà con.

Mọi thứ gần như trống rỗng, chiếc quang gánh treo trên móc sắt có một bó khoai lang dây đã luộc sẵn tròn như ngón tay (củ khoai lang bị còi, phát triển chiều dài - PV).

Sau khi lãnh đạo xã giới thiệu đây là thức ăn chống đói của người dân, Phó Thủ tướng đã hỏi Chủ tịch UBND huyện Lập Thạch Lê Quý Hùng (thời ấy, Bồ Lý thuộc huyện Lập Thạch): - Làm sao để dân hết đói? - Thưa, xây dựng hệ thống thuỷ lợi để dẫn nước tưới cho dân ạ (ông Hùng nói). Phó Thủ tướng lại hỏi: Nếu xây dựng hệ thống thuỷ lợi thì hết bao nhiêu tiền? - Khoảng 5 tỷ đồng ạ.

Một thời gian ngắn sau đó, Phó Thủ tướng đã chỉ đạo phải đầu tư xây dựng hệ thống tưới cho xã Bồ Lý. Công trình này được chia làm nhiều giai đoạn và kéo dài trong mấy năm liền. Kênh mương cứng hoá bê tông và lắp đặt trạm bơm đến đâu, vùng đó SX được 2 vụ lúa. Năm 2002, xã Bồ Lý đã ổn định được an ninh lương thực. Năm 2001, Bồ Lý thuộc diện xã đặc biệt khó khăn theo Chương trình 135 của Chính phủ. Từ nguồn vốn đầu tư của Chương trình 135, Đảng uỷ, chính quyền và nhân dân xã Bồ Lý từng bước cứng hoá đường giao thông tạo thuận tiện cho lưu thông đi lại.

Những con đường làng dốc, hẹp và trơn trượt từ năm 2000 trở về trước từng là nỗi sợ hãi của nhiều người. “Các cụ có câu “Yêu nhau nâng bậc nâng lương/Ghét nhau Bồ Lý, Yên Dương, Đạo Trù” để nói đến nỗi khổ sở của cán bộ về công tác tại 3 xã miền núi đặc biệt khó khăn của huyện Tam Đảo.

Năm 2006, Bồ Lý lại một lần nữa được tiếp thêm sức mạnh từ Nghị quyết 03 của Tỉnh ủy Vĩnh Phúc về “Phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2006 - 2010, định hướng đến 2020”. Tỉnh Vĩnh Phúc đã tăng cường thêm nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng và hỗ trợ nông dân SX. Lãnh đạo xã, thôn vận động nhân dân phát triển nhiều mô hình SXNN cả trồng trọt và chăn nuôi để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, nhiều mô hình SX kém bền vững và dễ thất bại.

Năm từ năm 2006, nhân dân trong xã đẩy mạnh chăn nuôi bò thịt thương phẩm. Khi chăn nuôi đã dần đi vào guồng thì rớt giá thê thảm, người dân đồng loạt bán bò. Cã chủ trương khuyến khích nhân dân nuôi lợn và gà thả vườn, một lần nữa giá cả thị trường lại không ủng hộ.

“Nâng cao thu nhập cho người dân bằng cách nào đây? Chẳng lẽ cứ mãi trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước?”, đó là câu hỏi luôn thường trực trong suy nghĩ của cán bộ xã Bồ Lý.

Bứt phá

Từ năm 2009, ý tưởng “Mỗi thôn một nông sản chủ lực” đã được thực hiện. Na dai Bồ Lý là thứ cây đặc sản truyền thống của địa phương đã được khuyến khích nhân rộng.

Ông Kim Văn Cường, thôn Ngọc Thụ, là một trong những người đi đầu trong việc mở rộng diện tích trồng na dai.

Hiện tại, ông đang sở hữu 400 gốc na, với giá bán giao động từ 40.000 - 50.000 đồng/kg, thu nhập mỗi năm ít nhất 70 triệu đồng. Từ mô hình SX của ông Cường, các hộ dân tận dụng những thửa ruộng vàn cao khó tưới nước để trồng na. Tính đến thời điểm này, tổng diện tích trồng na dai trên địa bàn xã là 66,7 ha, tập trung chủ yếu ở hai thôn: Ngọc Thụ, Trại Mái, Đồng Bụt.

Trong 3 năm thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM, nguồn vốn đầu tư cho xây dựng NTM của xã Bồ Lý hơn 81 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn nhân dân đóng góp hơn 600 triệu đồng.
Một trong những điểm nổi bật của phong trào xây dựng NTM thời gian qua đó là GTNT và cơ sở vật chất văn hóa. 
Thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn không ngừng gia tăng (từ 5,3 triệu đồng/người/năm 2010 lên 14,5 triệu đồng/người/năm 2013); Tỷ lệ hộ nghèo giảm (từ 38,21% năm 2010 xuống 9,56% vào cuối năm 2013). Hiện thôn nào cũng có tổ dịch vụ vò lúa, máy cày bừa để giải phóng sức lao động cho nhân dân.

Tại các thôn Yên Hoà, Cầu Trang, Bồ Ngoài, ba năm trở lại đây chính quyền đã và đang phối hợp chặt chẽ với các hộ dân để phát triển một vùng chuyên trồng dâu nuôi tằm và trồng cỏ voi nuôi bò sữa với diện tích 30 ha.

Theo ông Trần Đình Phong, hiện trên địa bàn xã có khoảng 60 - 70 con bò sữa. Trong đó, có những gia trại nuôi tới 16 bò sữa như ông Trần Văn Hoà (thôn Cầu Trang).

“Mỗi năm, một con bò cho từ 5.000 - 7.000 lít sữa. Cty CP sữa Cô Gái Hà Lan trực tiếp ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với từng hộ nông dân với giá 14.800 đồng/lít. Chi phí nuôi bò sữa thấp, chủ yếu là cỏ voi và một ít cám thô. Trừ tất cả vốn đầu tư, mỗi năm gia đình tôi lãi khoảng 40 triệu đồng/con. Tổng doanh thu của gia trại đạt trên 200 triệu/năm”, ông Hòa cho hay. 

Nhiều hộ dân đã đầu tư hàng trăm triệu đồng xây dựng chuồng nuôi gà mái đẻ quy mô 3.000 - 4.000 con và trại lợn quy mô trung bình 70 - 80 con/lứa như anh Nguyễn Văn Tuyến, Trần Văn Thuỷ, Tô Văn Mười….

Chúng tôi trở lại Đồng Cà, nơi 16 năm trước Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn chứng kiến cảnh đói ăn của người dân nơi đây. Thật kỳ lạ, nhà tranh vách nứa ngày nào giờ được thay thế toàn bộ bằng những ngôi nhà tường gạch hoặc nhà tầng kiên cố.

Trưởng thôn Đồng Cà Nguyễn Ngọc Lăng chia sẻ: Cả thôn có 6 ha trồng cà ghém, bà con thường gieo vào tháng 1 âm lịch và thu hoạch vào tháng 4.

Năng suất mỗi sào đạt khoảng 4 tạ, đầu vụ thương lái thu mua 25.000 đồng/kg nhưng cuối vụ hạ xuống 5.000 đồng, tính trung bình mỗi vụ nông dân lãi khoảng 5 triệu đồng/sào.

Sau khi thu hoạch xong cà ghém, bà con gieo cấy lúa mùa để tăng thu nhập. Tỷ lệ hộ nghèo của thôn chỉ còn 9,7%.

Ông Phong khẳng định, hệ thống trường học của Bồ Lý được đầu tư xây dựng hiện đại nhất huyện Tam Đảo. Các cấp trường mầm non, tiểu học, THCS đã đạt chuẩn quốc gia (đạt 100% tiêu chí về giáo dục), khuôn viên sạch đẹp và nhiều cây xanh. Từ năm 2005 trở về trước, trình độ dân trí của người dân còn rất thấp, nhưng từ khi có trường THPT được xây dựng ở đây, tỷ lệ học sinh thi đỗ đại học rất cao. Trạm y tế cũng đạt chuẩn quốc gia, 100% số hộ dân có BHYT.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.