| Hotline: 0983.970.780

Vụ ông Nguyễn Thanh Chấn bị ngồi tù oan 10 năm:

Bắt nguyên phó CA huyện Việt Yên và nguyên trưởng phòng Viện KSND Bắc Giang

Thứ Sáu 09/05/2014 , 20:02 (GMT+7)

Liên quan vụ ngồi tù oan 10 năm chấn động của ông Nguyễn Thanh Chấn, phó Công an huyện Việt Yên và một kiểm sát viên (chức vụ trưởng phòng) Viện KSND Bắc Giang đã bị khởi tố, bắt giam.

Ngày 9-5, cơ quan điều tra Viện KSND tối cao đã khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với ông Đặng Thế Vinh (nguyên trưởng phòng 10, Viện KSND tỉnh Bắc Giang) và ông Trần Nhật Luật (thượng tá, nguyên phó trưởng Công an huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang).

Cả hai bị can bị khởi tố, bắt giam để điều tra về hành vi cố tình "làm sai lệch hồ sơ vụ án” theo điều 300 BLHS. Hai bị can này bị khởi tố do liên quan đến việc điều tra, kiểm sát điều tra trong vụ án “Nguyễn Thanh Chấn giết người” gây oan sai cho ông Chấn phải chấp hành bản án 10 năm tù giam.

Trước đó, khoảng 22g ngày 15-8-2003, chị Nguyễn Thị Hoan (trú tại thôn Me) bị giết chết. Ngay sau khi xảy ra vụ việc, cơ quan điều tra vào cuộc điều tra vụ án mạng và đến 42 ngày sau đã kết luận ông Nguyễn Thanh Chấn vì cưỡng dâm không thành đã giết chết nạn nhân.

Theo kết quả điều tra thì nạn nhân Nguyễn Thị Hoan bị giết vào thời điểm từ 19g05-19g25 ngày 15-8-2003. Các cơ quan tố tụng cho rằng vào thời điểm trên, ông Nguyễn Thanh Chấn vào nhà của nạn nhân Nguyễn Thị Hoan với mục đích cưỡng dâm nạn nhân nhưng không được và đã giết chết nạn nhân rồi bỏ về nhà.

Mặc dù vụ án xảy ra ngày 15-8-2003 nhưng đến ngày 30-8-2003 ông Chấn mới bị gọi lên làm việc.

Trong nhiều lần làm việc ông Chấn vẫn khẳng định mình không liên quan đến vụ án. Đến ngày 28-9-2003, ông Chấn có bản tự thú thừa nhận hành vi cưỡng dâm và giết người của mình.

Tuy nhiên, tại hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, ông Chấn cho biết mình đã bị đánh đập, ép cung buộc phải nhận tội.

Trong 10 năm chấp hành bản án oan này, ông Nguyễn Thanh Chấn và gia đình đã có nhiều đơn kêu oan gửi đến các cấp, các ngành.

Cho đến tháng 10-2013, khi nghi phạm gây án thật sự đã ra đầu thú, bị bắt giữ thì vụ việc mới dần sáng tỏ. Cơ quan điều tra Viện KSND tối cao xác định nghi phạm là Lý Nguyễn Chung.

Theo đó, vào tối 15-8-2003, nghi phạm Lý Nguyễn Chung (trú tại thôn Me) có đến nhà nạn nhân Nguyễn Thị Hoan để mua hàng. Khi đến nhà chị Hoan, nghi phạm thấy chị Hoan có tiền nên đã nảy lòng tham cướp tài sản của nạn nhân.

Do bị chị Hoan chống cự nên Lý Nguyễn Trung đã dùng dao đâm chết nạn nhân. Sau đó, Lý Nguyễn Trung bỏ trốn vào một tỉnh tại Tây nguyên sinh sống cho đến trước khi ra đầu thú.

Ngay sau đó, Viện KSND tối cao kháng nghị hai bản án đối với ông Nguyễn Thanh Chấn đề nghị xét xử theo trình tự tái thẩm, đồng thời tạm đình chỉ thi hành bản án đối với ông Chấn để chờ được minh oan.

Tại cuộc họp báo về sự kiện này, ông Vũ Đăng Khoa, cục trưởng Cục Điều tra, Viện KSND tối cao, cho biết sẽ tiếp tục làm rõ phần xâm phạm hoạt động tư pháp liên quan đến vụ án của ông Nguyễn Thanh Chấn.

Theo ông Khoa, các nội dung liên quan đến vụ án “giết người, cướp tài sản” do nghi can Lý Nguyễn Chung gây ra, cơ quan điều tra của Viện KSND tối cao chuyển toàn bộ sang Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an để điều tra theo thẩm quyền.

Về phần Cục Điều tra, với chức trách theo quy định của pháp luật sẽ tiếp tục làm rõ phần xâm phạm hoạt động tư pháp và xử lý nếu có.

Ông Nguyễn Việt Hùng, chánh văn phòng Viện KSND tối cao, cũng khẳng định sau này ai làm sai sẽ xử lý theo luật, sai thì phải bồi thường, vi phạm hình sự thì phải xử lý nhưng thời điểm này chưa có bản án của TAND tối cao nên chưa đặt ra vấn đề bồi thường.

“Nếu như có sự oan sai thì chắc chắn sẽ được bồi thường theo quy định của Luật bồi thường nhà nước theo trình tự quy định”, ông Hùng nói.

Được biết, trong quá trình làm đơn kêu oan, ông Nguyễn Thanh Chấn đã tố cáo các điều tra viên ép cung, dùng nhục hình, mà ngay từ những ngày đầu bị bắt tạm giam cho đến khi chấp hành án tại trại giam Vĩnh Quang, ông Chấn đã nhiều lần gửi đơn đến các cấp.

Theo lá đơn gửi đến chánh án TAND tối cao được ông Chấn viết ngày 22-12-2006, ông Chấn đã nêu rõ bị đánh đập.

Cụ thể, lá đơn viết “... tôi đến bị cán bộ Nguyễn Hữu T. ép buộc bắt tôi phải nhận, tra hỏi và đánh tôi rất đau, đã lấy dép đánh vào hai tai của tôi và còn nói mày phải nhận, mày không nhân trưa nay cho mày uống thuốc lú... rồi cán bộ L. bắt tôi vẽ dao cả đêm, vì tôi không biết vẽ dao gì lại đe dọa là đập cho mày cái búa vào đầu”.

Trong lá đơn này, ông Chấn cũng trình bày việc bị đe dọa đánh đập, bị ép buộc không cho ngủ đêm từ ngày 20 đến 28-9-2003.

Ông Chấn trình bày “do sợ hãi hoảng loạn bị tra tấn đánh đập nên tôi đã phải nhận và làm những gì mà cán bộ công an bắt tôi phải làm theo nhưng thực tế không phải như vậy”...

Tại lá đơn gửi Văn phòng Chính phủ ngày 15-12-2005, ông Chấn cũng trình bày rõ ràng việc bị ép cung và bị những điều tra viên nào ép cung.

Ông Chấn viết “...các cán bộ Nguyễn Văn D., Ngô Đình D., Đào Văn B., Nguyễn Trung T., Trần Nhật L. thay nhau túc trực tôi suốt ngày đêm này sang đêm khác không cho tôi về và không cho ngủ, doạ nạt ép buộc tôi thế này thế nọ... như cán bộ Ngô Đình D. bắt tôi bảo để chuôi dao ở đâu...”.

Thậm chí ông Chấn còn trình bày rõ việc bị mớm cung như thế nào “cán bộ Ngô Đình D. đọc và bắt ép tôi viết đơn tự thú ngày 28-9-2003, thế là đến chiều chuyển tôi về trại kế, Bắc Giang”.

(tuoitre.vn)

Xem thêm
Tạm giữ 300 chiếc xe đạp không rõ nguồn gốc

THÁI NGUYÊN 300 chiếc xe đạp vi phạm có tổng trị giá 300 triệu đồng, trên vỏ hộp và hàng hoá không có thông tin về nơi sản xuất, xuất xứ.

Bắt tạm giam 3 nguyên Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo ở Quảng Nam

Các bị can đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, thỏa thuận và nhận hối lộ để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong đấu thầu thiết bị giáo dục.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm