| Hotline: 0983.970.780

Bát nháo chợ gia cầm sống

Thứ Hai 15/07/2013 , 09:41 (GMT+7)

Ai dám chắc trong số gia cầm đang được bày bán giữa phố phường kia là không có con nào đang nhiễm bệnh, không tiềm ẩn những nguy cơ khó lường?

Ai dám chắc trong số gia cầm đang được bày bán giữa phố phường kia là không có con nào đang nhiễm bệnh, không tiềm ẩn những nguy cơ khó lường?

Tràn ra đường

Mùng 6 âm lịch (13/7) là phiên chợ An Thái thuộc xã Nhơn Phúc (TX An Nhơn - Bình Định). Dù chỉ là phiên chợ nhỏ ở 1 làng quê nhưng hoạt động mua bán gia cầm khá rầm rộ, nên chúng tôi chọn phiên chợ này làm điểm đến đầu tiên trong chuyến khảo sát các chợ gia cầm sống.

Sáng tinh mơ, chúng tôi tà tà xe máy dọc tỉnh lộ 636 để lên chợ An Thái. Thật ngạc nhiên, không cần phải đến chợ mới thấy hoạt động mua bán gia cầm. Vừa qua khỏi địa phận xã Nhơn Khánh, chúng tôi đã thấy nhiều điểm mua bán gia cầm ngay dọc đường.

Hỏi ra thì biết, một số thương lái chuyên mua bán gia cầm tại các chợ phiên, trên đường chở hàng lên chợ An Thái bán, dừng lại dọc đường “lập chợ” để thu mua thêm gà, vịt của người dân bán lẻ. Nhiều điểm chợ được “lập” ngay trước nhà dân.

Vừa rẽ vào chợ An Thái, chúng tôi dễ dàng tìm ra hàng gà, vịt do tiếng kêu oang oác của chúng. Hoạt động mua bán gia cầm ở đây mới thật sự sôi nổi. Gà, vịt được bày dọc lối đi hẹp dẫn vào chợ. Xe máy của thương lái tấp nập chở những giỏ hàng to vội vã vào chợ để tranh chỗ bày gà, vịt. Người mua, kẻ bán chen chúc cùng lũ gà, vịt trong góc chợ hẹp.


Gia cầm được bày bán ngay trên đường phố gần chợ Đầm Quy Nhơn

Tôi hỏi 1 chị lái gà: “Chị có nghe thông tin bên Trung Quốc nhiều người chết do nhiễm vi rút cúm gia cầm H7N9, mà loại vi rút này được phát hiện tại các chợ gia cầm sống không?”. Chị nhoẻn miệng cười: “Buôn bán tối mắt tối mũi lấy đâu thời gian mà nghe tin tức”. Ai cũng lo buôn bán, không có thời gian chuyện trò, chúng tôi đành đứng “ngắm chợ”.

Suốt 2 tiếng đồng hồ có mặt tại khu vực mua bán gia cầm ở chợ An Thái, chúng tôi không hề thấy có sự giám sát nào của ngành chức năng. Khi tìm gặp anh Nguyễn Hùng Anh, cán bộ thú y xã Nhơn Phúc, chúng tôi được anh cho biết: “Toàn xã có 1 cán bộ thú y xã và 4 thú y thôn. Nhiệm vụ của chúng tôi là kiểm soát 4 lò mổ heo trên địa bàn chứ làm sao kiểm soát hoạt động mua bán gia cầm cho xuể”.

Sáng 14/7, chúng tôi quay về Quy Nhơn, nơi mỗi ngày có hàng ngàn con gà, vịt được vận chuyển từ các vùng phụ cận vào thành phố tiêu thụ. Dạo quanh các chợ đầu mối, chúng tôi được thấy hoạt động mua bán gia cầm ở đây còn bát nháo hơn.

Chợ Đầm (phường Đống Đa) là 1 trong các chợ đầu mối lớn của TP Quy Nhơn. Nơi đây lượng gia cầm tiêu thụ hàng ngày rất lớn. 5 giờ sáng, chúng tôi có mặt tại chợ, thật kinh ngạc khi thấy gia cầm sống được bày bán ngay trên trục đường Hoàng Hoa Thám. Mới sáng sớm mà đã có hàng chục tiểu thương xếp hàng những giỏ gà, vịt đầy ắp bày dọc đường.

Chị Nguyễn Thị Liễu (45 tuổi), 1 thương lái gia cầm tại chơ Đầm nói: “Chúng tôi thu gom gà vịt khắp nơi rồi mang về đây bán. Mình không cần đi mua, chỉ cần gọi điện là bạn hàng cung cấp theo yêu cầu của mình”.

Những điều “mắt thấy” kể trên chứng tỏ việc mua bán gia cầm sống trên địa bàn Bình Định đang diễn ra rất “trôi nổi”. Điều đáng quan ngại nhất là theo các nhà chuyên môn, vi rút H7N9 rất khó phát hiện, chỉ khiến gia cầm mắc bệnh nhẹ, hoặc không có biểu hiện bệnh, không làm gia cầm chết nhưng khi lây qua người thì dễ gây tử vong.

Ai dám chắc trong số gia cầm đang được bày bán giữa phố phường kia là không có con nào đang nhiễm bệnh, không tiềm ẩn những nguy cơ khó lường?

Giết mổ gia cầm ngay hè phố

Ở khu vực chợ Đầm Quy Nhơn, ngoài hoạt động mua bán gia cầm diễn ra ngay trên đường phố, còn có 1 hoạt động “rợn người” khác là giết mổ gia cầm ngay trên đường phố hoặc giữa khu dân cư.

Qua quan sát, chúng tôi nhận thấy các điểm giết mổ gia cầm ở đây được tổ chức làm nhỏ lẻ. Theo mách bảo của người dân trong khu vực, chúng tôi tìm đến 2 lò giết mổ gia cầm nằm trên trục đường Hoàng Hoa Thám (TP Quy Nhơn).

Đây là điểm mỗi ngày giết mổ hơn 1.000 con gà, vịt. Gọi là “lò mổ” nhưng bày ra trước mắt chúng tôi là cảnh nhếch nhác đến… rùng mình. Gà, vịt được giết mổ nằm lăn lóc, tràn lan trên nền xi măng. Lông gà, lông vịt dù đã được cho vào bao nhưng vẫn vương vãi khắp nơi. Khủng khiếp nhất là nước thải được đổ chảy lênh láng trên đường.

Đặt ví dụ, trong số hàng ngàn con gà, vịt được mổ ở đây có con nhiễm bệnh, chắc hẳn nguy cơ lây bệnh ra cộng đồng sẽ rất cao. Ấy vậy mà hầu hết nhân công làm việc trong lò mổ đều không có trang bị bảo hộ.

“Nhổ lông gà, vịt mà đeo găng tay khó làm lắm, tụi tui để tay trần nhúng nước làm cho nhanh. Gà, vịt sống người ta mang đến thuê mình nhổ lông. Nếu mang bao tay để nhổ lông thì làm sao mỗi ngày làm được hàng trăm con gà, vịt”, chị Hà, người phụ nữ chuyên nhổ lông gà thuê tại chợ Đầm, bộc bạch.

Ông Phan Trọng Hổ, GĐ Sỏ NN-PTNT Bình Định, cho biết: “Chúng tôi đang tăng cường kiểm soát lưu hành vi rút CGC tại các chợ gia cầm sống. Nếu phát hiện gia cầm dương tính thì sẽ truy xuất nguồn gốc và tổ chức giám sát địa phương xuất xứ của gia cầm mắc bệnh, sau đó áp dụng tiêu độc sát trùng và tiêm phòng khẩn cấp cho đàn gia cầm tại địa phương đó.

Qua công tác giám sát, trong thời gian vừa qua chúng tôi phát hiện được mấy trường hợp dương tính nhưng nhờ có biện pháp ngăn chặn kịp thời nên không bùng phát thành dịch”.

“Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Quốc, Chi cục phó Chi cục Thú y Bình Định, ngành chức năng chỉ có thể kiểm soát các chợ gia cầm đầu mối chứ không đủ lực lượng đi kiểm soát các chợ nhỏ. Còn theo anh Nguyễn Hùng Anh, cán bộ thú y xã Nhơn Phúc thì để cán bộ thú y cơ sở thực hiện công tác kiểm soát gia cầm tại các chợ trên địa bàn cần phải có kinh phí hỗ trợ, chứ với mức hỗ trợ hơn 400.000đ/người/tháng anh em không đủ tiền đổ xăng đi làm”.

Xem thêm
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung bị khiển trách

Ngày 19/4, ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội bị Bộ Chính trị quyết định kỷ luật bằng hình thức Khiển trách.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hai giám đốc sở chỉ đạo cứu lúa trên cánh đồng Mường Lò

Giám đốc hai Sở: NN-PTNT và Công thương tỉnh Yên Bái trực tiếp chỉ đạo chống hạn cho diện tích lúa tại cánh đồng Mường Lò (thị xã Nghĩa Lộ).

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm