Cô Dạ Hương kính mến!
Có sự khác biệt rất lớn giữa thế hệ của cô, con của cô và rồi sẽ là cháu của cô, đúng không cô? Cháu suy ra từ mình, từ bạn bè, từ cha mẹ của cháu nên biên thư cho cô đây.
Cháu năm nay trung niên, lấy chồng đã 13 năm, đầy đủ hai con, đứa nhỏ cách đứa đầu 5 tuổi. Cô cũng đã đoán ba mẹ cháu ang áng thế hệ cô, đúng không cô? Thời ấy, như ba cháu, không biết tiền riêng là gì, làm bao nhiêu lương bao nhiêu vợ nắm hết và chi tiêu, cần gì thì nói với vợ một tiếng. Ai cũng vậy nên số thủ quỹ riêng rất ít, có thể thành người không tốt, cá biệt, ki bo, dị hụ.
Đến thế hệ bọn cháu, học xong đại học thì đất nước rần rần làm ăn. Lương trả qua tài khoản, sau này thì các loại thẻ không dùng tiền mặt mấy. Một công thức cho hầu như mọi đôi như bọn cháu là tiền anh và tiền em, bên anh và bên em. Sở dĩ có mấy từ nghe rất ác cảm là bên anh và bên em, để nói nghĩa vụ của chồng với nhà anh ấy vậy thì nghĩa vụ với bên em thì sao?
Ban đầu rất khó chịu cô à. Cháu bứt rứt mãi vì ba mẹ mình, ba mẹ chồng đâu có lâm vào cảnh tiền anh tiền em như vậy. Rồi bỗng dưng mẹ chồng chỉ đạo riêng cho chồng, vầy vầy vầy nè. Mẹ cháu cảm thấy, lại chỉ đạo riêng cho cháu, vầy vầy vầy nè.
Trời ơi, làm sao đây cô? Mãi 5 năm dài các cháu mới đối thoại xong cách đóng góp và chi tiêu cho mọi khoản từ hai vợ chồng. Tạm ổn, rồi phát sinh, cãi nhau, giận nhau, điều đình, rồi lại thỏa thuận được với nhau.
Phải công nhận rằng mệt thật cô à. Người ta có thỏa thuận trước kết hôn là vì vậy, để đâu ra đó, không phải bàn thảo nhiều. Nhưng mình từ hai tay không, đi làm, gom góp, vun đắp, đâu có thể so với họ được phải không cô? Cháu thấy thăm thẳm cái công thức dễ bất ổn này, vì hôn nhân dài, già đến, cứ tiền anh tiền em mãi sao? Vậy thì có cách nào khác, cực kỳ không cô?
---------------------
Cháu thân mến!
Cô có con, các con và cô quan sát, cô thấy, đúng là thế hệ của cháu phức tạp hơn thời của cô rất rất nhiều. Như các cháu bị đặt lên bệ, phóng một cái gần với bạn trẻ tây phương hơn gốc gác của mình.
Vì sao giống? Ở công việc, ở bận rộn thời gian, ở sự cạnh tranh, ở những tài khoản cá nhân, ở những nhu cầu rất riêng không cùng vợ hay chồng của mình, ở tự do với sở thích, khẩu vị, mua sắm, chi xài...kể không hết được.
Là mẹ, cô chỉ xem con mình nó hạnh phúc cỡ nào, vừa vừa, hay kha khá, hay cực kỳ. Chuyện tiền nong của con, cô biết chúng dĩ nhiên 2 tài khoản, nhưng hai đứa con của cô có hai hoàn cảnh đối ngược nhau.
Ví như một đứa chồng kiếm tiền giỏi, vợ ở nhà được rót cho chi xài thoải mái nhưng không thể biết chồng có bao nhiêu, nợ nhiều hay ít, cho cha mẹ và anh em của chồng nhiều hay ít, không sao biết rõ.
Ví như một đứa kia, con trai cô lương viên chức kém, vợ lương ngân hàng cao, thế là chồng lép, vợ trên thế, vợ chi tiêu khủng, vợ lo cho bên vợ ra sao, chồng không biết và cũng không nên ý kiến. Vậy đó, vừa giống vừa khác, thế hệ các cháu là vậy đó.
Nhưng có một công thức cô cần cho cháu biết : nói hết với chồng các khoản chi cụ thể, các khoản dự phòng và đề nghị minh bạch tài chính và đóng góp cùng nhau. Luôn phải dể dành từ phía vợ, bởi có những khoản không sao lường hết được. Nếu chồng kiếm nhiều tiền hơn mình, việc để vợ dành dụm gọi là “lọt sàng xuống nia”, không mất đi đâu cả.
Cô từng thấy những đôi chồng bỗng dưng tai nạn, quên hết, coi như mất trắng, hoặc làm ăn bể bạc, lún nợ, vợ phải đồng ý cầm cả cái nhà đang ở cho chồng trả nợ. Vậy đó, nói đến như thế để chồng liệu mà đưa cho vợ giữ, gọi là bọc lót.
Kinh nghiệm từ cô, tiền bỏ ống (chứ không tin hẳn tiền ở ngân hàng) để cho Tết nhất, tiền gọi là Sổ sức khỏe gửi tiết kiệm ở NH để cho ốm đau, nếu còn hai bên cha mẹ, phải có khoản ấy nữa từ một sổ tiết kiệm khác.
Vậy đó, luôn luôn biết để dành khi thất cơ lỡ vận hay ốm đau, sự cố... Phụ nữ không chắt bóp sẽ khổ cả đàn ông và luôn luôn, khi cạn tiền, khi sạch tiền, phụ nữ chúng ta là người day dứt nhất, đau khổ nhất.
Nhớ nhé!