| Hotline: 0983.970.780

Bẫy nợ bủa vây làng quê

Thứ Ba 15/11/2011 , 09:53 (GMT+7)

Sau những vụ vỡ nợ gây chấn động vừa qua, phóng viên NNVN đã về những vùng nông thôn và nhận thấy những cơn sóng ngầm vẫn đang âm ỉ...

Sau những vụ vỡ nợ gây chấn động vừa qua, phóng viên NNVN đã về những vùng nông thôn và nhận thấy những cơn sóng ngầm vẫn đang âm ỉ. Bẫy nợ rất đa dạng và đang giăng khắp nơi chờ chực bất cứ ai sơ sảy.

Kỹ nghệ "đánh vào lòng tham"

Căn nhà vợ chồng Hùng – Cúc đóng im ỉm suốt ngày sau vụ vỡ nợ

Vụ vỡ nợ hàng trăm tỷ đồng của trùm "buôn tiền" Nguyễn Thị Cúc ở xã Văn Nhân (huyện Phú Xuyên) gióng lên hồi chuông cảnh báo về tín dụng đen ở các làng quê ngoại thành Hà Nội. Nguyên cớ vì đâu, ở một xã thuần nông như Văn Nhân mà tín dụng đen có thể hoành hành dữ dội đến thế?

Quá nhiều chiêu độc

Đời sống người dân xã Văn Nhân chủ yếu dựa vào nông nghiệp và nghề mộc. Cả xã có 1.640 hộ nhưng nguồn vốn vay Ngân hàng NN-PTNT để phát triển kinh tế chỉ 3,5 tỷ đồng, con số chỉ bằng 1/30 so với thống kê số tiền trong vụ vỡ nợ của vợ chồng Hùng - Cúc. Sau cơn lốc tín dụng đen, khắp các thôn của Văn Nhân đều náo động về chuyện buôn tiền, chuyện vỡ nợ, chuyện những nhà nông tán gia bại sản.

Thực ra, tín dụng đen ở thôn Văn Minh (xã Văn Nhân) đã xuất hiện từ nhiều năm trước, khi nhu cầu về tiền nóng của người dân ngày một cao trong khi thủ tục vay mượn ngân hàng rườm rà và tốn nhiều thời gian. Dân Văn Minh gọi tín dụng đen là buôn tiền, xem tín dụng đen là ngân hàng vô cùng tiện lợi. Đó là nơi người khó tìm đến lúc ngặt nghèo, kẻ dư dả một tý thì lấy làm phấn khởi vì tín dụng đen đem lại cho họ tiền lãi cao ngất ngưởng.

Hàng loạt các dịch vụ mọc lên nhờ ăn theo những đường dây buôn tiền: Mở đại lý thu gom, đòi nợ thuê, mang tiền đến tận nhà những người có nhu cầu vay nóng… Họ mặc định chuyện tín dụng đen đến mức ngày mới nổi lên trùm buôn tiền Nguyễn Thị Cúc, dân trong xã cũng xem đó là “nhu cầu tất yếu”.

Nhiều người bảo xưa nay tín dụng đen là thế giới ngầm nhưng từ ngày Nguyễn Thị Cúc nổi lên thì không còn ngầm nữa. Nhà nhà gom tiền cho các đại lý cấp 2, cấp 3 để thu tiền lãi. Thậm chí như lời Cúc khai trước cơ quan điều tra rằng: Có nhiều gia đình thế chấp vay ngân hàng đem tiền đến gửi cho tôi để lấy lãi suất cao hơn.

Chẳng biết vì chiêu bài của cặp vợ chồng này quá “độc” hay vì lãi suất cao ngất ngưởng mà danh sách người đổ tiền vào gia đình Hùng – Cúc cứ nối dài theo từng ngày. Khắp xã Văn Minh, các đại lý thu gom tiền mọc lên như nấm để ăn chênh lệch lãi suất. Từ những tay vô công rỗi nghề cho đến ông chủ xưởng mộc, giám đốc Cty, thậm chí một số cán bộ ngân hàng cũng lao vào làm “đệ tử” thu gom tiền cho Cúc.

Đúng là trong mắt người dân xã Văn Nhân từ trước đến nay vợ chồng Hùng – Cúc giàu thật. Ban đầu đó là một gia đình có hoàn cảnh và điều kiện kinh tế khá eo hẹp trong xã. Hùng từng làm nghề lái xe chở vật liệu xây dựng, còn Cúc chỉ chăm lo mấy sào ruộng vừa đủ sống qua ngày. Cách đây vài năm, anh trai ruột của Cúc đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài, không may bị chết do tai nạn, gia đình được đền bù số tiền là 500 triệu đồng. Sau đó, Cúc đứng ra vay gia đình chị dâu số tiền này với mục đích làm ăn.

Vỡ nợ tín dụng đen không chỉ chết kẻ có tiền. Nông thôn bây giờ trăm thứ chi tiêu, thiếu đủ đường nên dân nghèo biết lãi cao lắm lúc cũng phải giật tạm một vài triệu cho con ăn học. Sao không vay ngân hàng? Tôi đem câu hỏi ấy đi khắp làng Văn Minh, ở đâu người ta cũng trả lời: Vay ngân hàng thủ tục rườm rà lắm, lại còn phải “bôi trơn” cho người xác minh, chờ được tiền dài cả ruột.

Đó cũng là khởi đầu “kỹ nghệ buôn tiền” của bà trùm lớn nhất huyện Phú Xuyên. Để xây dựng vỏ bọc của một đại gia, Cúc làm hợp đồng xây dựng ngôi biệt thự ở thôn Văn Minh tầm 30 tỷ, mua xe ô tô 8 tỷ, phóng tay cho thôn 200 triệu đồng làm đường… Chưa hết, mỗi tháng tổ chức cho dân Văn Minh một bữa tiệc, mời ca sĩ về hát hò, nhảy múa. Các đại lý thu gom tiền chỉ phải trả lãi 2-3 ngàn/triệu/ngày nhưng đến tay Cúc lên thành 6-7 ngàn.

Đã thế, khi cho người đến lấy tiền Cúc còn chu đáo kèm theo hộp quà để củng cố niềm tin với “khách hàng”. Thỉnh thoảng Cúc lại mang từ 50 - 70 cây vàng đến các cửa hàng vàng bạc trên địa bàn huyện bán với giá phải chăng. Không ít lần Cúc mang các tải tiền, vàng gửi vào gia đình đó hòng phô trương tiềm lực, tỏ thái độ "chê tiền" với số lượng nhỏ, dưới 100 triệu thì không nói chuyện.

 Cứ hàng tuần, cả gia đình lại lên phố ăn chơi bằng chiếc xe Audi A8 giá gần 8 tỉ. Vợ chồng Cúc còn đầu tư 1,6 tỷ mua một miếng đất cạnh nhà làm bãi đậu xe ôtô… Khi bị cơ quan điều tra thẩm vấn, Cúc khai: Chỉ trong vòng 7 tháng trước thời điểm tuyên bố vỡ nợ, riêng tiền lãi phải trả hàng tháng khoảng 10 tỷ đồng.

Đấy là chiêu của trùm lớn, còn các đại lý cấp 2, cấp 3 cũng đủ trò lôi kéo bằng cách ăn theo thương hiệu “chị Cúc”. Bắt đầu từ anh em trong nhà, trong họ, trong xóm rồi lân la đến nhà của từng người quen. Lãi suất cao cộng với lời ngon ngọt trở thành cám dỗ quá lớn chẳng mấy gia đình có thể vượt qua. Chỉ cần bảo gom tiền cho chị Cúc thì người đưa tiền chỉ có nước “tin tưởng tuyệt đối”.

Vậy mà bây giờ, ngôi biệt thự còn đấy, bãi đậu xe 1,6 tỷ còn đấy nhưng không khí xã Văn Nhân ảm đạm quá. Người trong xã kêu gào vì mất của đã đành, người các địa phương khác cũng kéo nhau về ngôi nhà 3 tầng của vợ chồng Hùng – Cúc ở thôn Văn Minh ăn chực nằm chờ đợi kết quả. Hơn một tháng sau vụ vỡ nợ nhưng nhiều nạn nhân của siêu lừa Nguyễn Thị Cúc vẫn không dám tin đấy lại là sự thật. 

"Công an nằm vùng cũng chịu"

Vỡ nợ là câu chuyện làm nóng ran làng quê
Trái ngược với tâm lý hoang mang của người dân, chính quyền xã Văn Nhân lại xem vỡ nợ tín dụng đen là chuyện bình thường. Từ trưởng thôn Văn Minh, Chanh Thôn đến cán bộ UBND xã đều tỏ ra bất lực.

Thậm chí ông Lê Hồng Tuyến, Chủ  tịch UBND xã Văn Nhân còn tỏ ra bất mãn: Tất cả do dân tự làm trong một vòng kín đáo, có báo cáo với xã đâu mà chúng tôi biết. Mà giả sử có quan tâm thì có nắm được đâu, vỡ lở ra rồi mới biết đấy chứ. Công an huyện nằm vùng cũng chịu nữa là. Biết là có hiện tượng buôn tiền, buôn vàng phạm pháp nhưng chúng tôi chịu.

Trong mắt những vị chức sắc của làng, của xã này thì nguyên nhân chính là vì “dân tham tiền mà lóa cả mắt”. Về chuyện “tham lóa mắt” này, nhiều người ở xã Văn Nhân truyền nhau câu chuyện của một đôi vợ chồng tên D và H ở thôn Nhân Vực. Nhà nghèo, chỉ dám thắp điện vào bữa cơm tối rồi đi ngủ nhưng khi cơn bão tín dụng đen đổ về họ cũng thế chấp nhà cửa vay ngân hàng đổ tiền vào. Đến lúc vỡ nợ, ông chồng suốt ngày đi uống rượu vặt rồi chửi đổng, còn bà vợ bỏ nhà đi làm thuê kiếm tiền trả lãi ngân hàng.

Tín dụng đen như một thế giới ngầm đang gây xáo trộn các làng quê, trong số cán bộ địa phương ở Văn Nhân mà tôi gặp thì ông Vũ Văn Quynh, trưởng thôn Chanh Thôn là người trăn trở nhất. Ông Quynh lo ngại rằng, đời sống bà con, giờ muốn làm gì khó  khăn. Chanh Thôn là làng nghề mộc truyền thống nhưng bây giờ xây dựng phát triển nghề cũng kém đi.

Trước đây dân còn có tiền, mua sắm nhiều nên làng nghề nhiều việc. Tín dụng đen quét một lần khiến tiền trong dân gần như hết sạch, gia đình mâu thuẫn, cờ bạc, rượu chè, nghiện hút vốn đã nhiều nay càng có cớ để tràn lan. Những bài học xương máu sờ sờ nhưng tín dụng đen vẫn còn âm ỉ. Ở Chanh Thôn vẫn còn hai “đại lý” gom tiền cho dù số người tham gia đã ít đi rất nhiều.

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Trận dông lốc kinh hoàng khiến hàng trăm hộ dân 'màn trời chiếu đất'

Bắc Kạn Rạng sáng ngày 18/4, dông lốc trên diện rộng làm hơn 580 ngôi nhà tại tỉnh Bắc Kạn hư hỏng, người dân và chính quyền địa phương đang nỗ lực khắc phục hậu quả.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm