| Hotline: 0983.970.780

Bẫy thú giăng khắp VQG Pù Mát

Thứ Ba 25/10/2011 , 10:27 (GMT+7)

Thời gian gần đây, mỗi ngày ở VQG Pù Mát (Nghệ An) lực lượng kiểm lâm kiểm tra, thu giữ được hàng trăm chiếc bẫy thú rừng.

Bẫy kẹp mà bảo về rừng quốc gia Pù Mát thù giữ được

Thời gian gần đây, mỗi ngày ở VQG Pù Mát (Nghệ An) lực lượng kiểm lâm kiểm tra, thu giữ được hàng trăm chiếc bẫy thú rừng. Cách đặt bẫy của người dân ngày càng tinh vi hơn.

Bẫy giăng khắp nơi

VQG Pù Mát nằm ở phía Tây tỉnh Nghệ An, với tổng diện tích hơn 90 nghìn ha, trải rộng trên 3 huyện: Tương Dương, Anh Sơn và Con Cuông. Nơi đây đã từng được các nhà nghiên cứu đánh giá là một khu rừng đa dạng sinh học với hàng nghìn loại động thực vật quý hiếm như: sao la, thỏ sọc Bắc Bộ, vượn đen má trắng…Tuy nhiên, đến nay những loài động vật này đang có nguy cơ tuyệt chủng trước sự “càn quét” của người dân. Mỗi ngày có đến cả trăm chiếc bẫy phủ khắp trong rừng.

Lân la mãi chúng tôi mới có thể làm quen được anh Lương Văn Hùng (Yên Khê, Con Cuông). Hùng có thâm niên 10 năm trong nghề săn thú rừng ở VQG Pù Mát. Trong 10 năm qua, anh đã chế hàng chục loại bẫy khác nhau: “Sở dĩ phải dùng nhiều loại bẫy như vậy là vì trong rừng có nhiều loại động vật khác nhau, do đó không thể sử dụng chung một kiểu bẫy. Hơn nữa nếu dùng một loại bẫy thường xuyên thì những loại thú sẽ “nhờn thuốc”, rất khó tóm được chúng”.

Theo Hùng, hiện nay đi săn trong VQG Pù Mát có đến cả trăm nhóm. Mỗi nhóm thường đi từ 5 - 7 người, mỗi người mang theo hàng chục chiếc bẫy. Thông thường thú hay sống quanh một khu vực, nơi mà người dân hay đặt bẫy nhất là địa điểm khe Bu. Những loại bẫy được dùng phổ biến vẫn là: ná, lao, bãy kẹp, bẫy thòng lọng…

Theo Hùng, trước đây một tuần đi bẫy cũng mang về kha khá nhưng mấy năm trở lại đây người đi bẫy nhiều quá nên thú cũng hiếm.

Thủ đoạn tinh vi

Ngày nào bảo vệ rừng cũng tuần tra vẫn không thu hết được bẫy

Ông Đặng Đình Xuân, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm VQG Pù Mát, cho biết, thực trạng bẫy thú ở VQG hiện nay là có thật. Thống kê từ đầu năm đến nay, nhân viên bảo vệ rừng và lực lượng kiểm lâm đã thu giữ được cả ngàn cái bẫy. Nguy hiểm nhất vẫn là bẫy kẹp và thòng lọng. Dẫn chúng tôi vào khe Bu, nơi có nhiều người dân đặt bẫy, anh Nguyễn Công Thành, cán bộ bảo vệ thuộc khu vực khe Bu, căn dặn: “Vào đây các anh phải đi theo hàng lối, chỉ cần đi lệch một chút là có thể bị dính bẫy đấy".

Đi sau anh Thành mà chúng tôi lo ngay ngáy. Vừa đi anh Thành vừa dùng cây gậy đập xuống đất dò đường. Bỗng chúng tôi đi sau nghe tiếng “xoạch”, một lớp lá cây rừng khô ngụy trang ở cái bẫy tung lên, chiếc bẫy kẹp chặt cây gậy của anh Thành rồi treo ngược lên cành cây bằng một sợi dây thép nhỏ. “Ở đây đi rừng gặp bẫy là chuyện bình thường. Mỗi lần đi tuần, cây gậy còn quan trọng hơn cả súng nữa ấy chứ. Đó các anh xem, nếu không có cây gậy này thì mình cũng bị dính với cái bẫy này rồi".

"Vẫn biết hành vi của bọn chúng ngày càng tinh vi, nhưng do lực lượng bảo vệ còn mỏng nên rất khó cho việc phát hiện và bắt giữ. Mỗi khi chúng đặt bẫy xong thì đều tản đi nơi khác, lực lượng chúng tôi khi phát hiện đặt bẫy cũng chỉ biết thu giữ và phá hủy", anh Thành cho biết.

Theo anh Thành, đặt bẫy chủ yếu là người dân địa phương quanh khu vực VQG. Đã không ít lần chính quyền địa phương và cán bộ kiểm lâm tuyên truyền vận động bà con không săn bắt thú nữa, tuy nhiên vẫn còn một số người thường xuyên lén lút vào rừng đặt bẫy rất khó để phát hiện.

Việc bẫy và vận chuyển thú ra khỏi rừng cũng ngày càng tinh vi hơn. Sau khi đặt bẫy, họ thường sang bên Lào ẩn náu, hoặc đi đâu đó ra khỏi vị trí đặt bẫy khoảng vài ngày, sau đó lại quay về kiểm tra. Cứ như vậy, nếu có con thú nào dính bẫy, người ta làm thịt ngay trong rừng, sau đó bỏ vào thùng xốp vận chuyển ra khỏi rừng. Thường những người đánh bẫy đã liên lạc với đầu nậu từ trước, khi bẫy được đã có người đón ngay ở rìa rừng vận chuyển đi tiêu thụ ở các nhà hàng.

Cứ mỗi lần vào rừng tuần tra, lực lượng bảo vệ rừng đã thu giữ được rất nhiều bẫy. Có hôm số lượng bẫy thú nhiều quá, đến nỗi các lực lượng bảo vệ rừng không thể đem về được, đành phải đập bỏ ngay trong rừng. Cũng không ít lần trong quá trình đi tuần tra, bảo vệ đã phát hiện những con thú bị mắc bẫy mà chưa chết thì anh em sẽ sơ cứu vết thương rồi sau đó đưa về Trung tâm cứu hộ động vật tại Vườn để chăm sóc.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.