
Đại diện Bayer Việt Nam và Trung tâm Khuyến nông Quốc gia ký kết hợp tác mở rộng trong việc phát triển các mô hình canh tác lúa, sầu riêng, cà phê hiệu quả, an toàn. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
Ứng dụng khoa học kỹ thuật hỗ trợ nông dân
Ngày 8/4, Công ty TNHH Bayer Việt Nam (Bayer) và Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (TTKNQG) ký kết biên bản ghi nhớ (MoU) nhằm mở rộng hợp tác trong việc phát triển các mô hình canh tác bền vững và thúc đẩy canh tác lúa, sầu riêng, cà phê hiệu quả, an toàn tại Việt Nam trong năm 2025.
Lễ ký kết đánh dấu một bước tiến quan trọng trong mối quan hệ hợp tác giữa Bayer và Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, tiếp nối những thành công đã đạt được trong giai đoạn 2023-2025. Mục tiêu chính của MOU lần này là hỗ trợ xây dựng 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp ở ĐBSCL. Đồng thời thúc đẩy các mô hình canh tác tiên tiến, quản lý dịch hại hiệu quả và đảm bảo an toàn cho các vùng trồng sầu riêng và cà phê trọng điểm, đặc biệt là ở khu vực Tây Nguyên.
Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết: Đây là một bước tiến quan trọng trong hợp tác công tư, ứng dụng khoa học kỹ thuật hỗ trợ bà con nông dân giải quyết các thách thức trong nông nghiệp thông qua hệ thống và mạng lưới khuyến nông cộng đồng. Các mô hình chúng tôi thực hiện trong thời gian qua đã thu được các kết quả tích cực để có thể tiếp tục nhân rộng và chuyển giao công nghệ. Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tin rằng, cùng với sự hợp tác với Bayer và các đối tác trong chuỗi giá trị, chúng ta sẽ thúc đẩy mạnh mẽ việc nâng cao năng lực nhà nông nhằm ứng dụng các giải pháp canh tác an toàn, hiệu quả, thân thiện với môi trường. Từ đó gắn liền với mục tiêu quốc gia trong phát triển nông nghiệp bền vững và chuyển đổi kinh tế xanh.

Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phát biểu tại buổi ký kết. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
Theo ông Lê Quốc Thanh, khi hai bên phối hợp triển khai tập trung vào các hoạt động chính.
Thứ nhất, nông trại cải tiến: Thành lập các nông trại kiểu mẫu trọng điểm tại ĐBSCL và Tây nguyên để trình diễn và nhân rộng các đổi mới trong thực hành canh tác cho cây lúa, sầu riêng và cà phê.
Thứ hai, cải thiện thực hành quản lý tại nông trại: Triển khai các chương trình quản lý tổng hợp, bao gồm ứng dụng công nghệ bảo vệ mùa màng tiên tiến cho nông dân trồng lúa, sầu riêng và cà phê. Hai bên cũng sẽ thảo luận về khả năng cải thiện hệ thống theo dõi và truy xuất nguồn gốc nông sản.
Thứ ba, phổ biến các thực hành canh tác bền vững: Xây dựng và phổ biến tài liệu giáo dục thông qua các kênh truyền thông đa dạng để nông dân dễ dàng tiếp cận và áp dụng các phương pháp canh tác sáng tạo và bền vững.
Thứ tư, các giải pháp nông học tùy chỉnh: Bayer sẽ hợp tác chặt chẽ với nông dân để tối ưu hóa hiệu quả bảo vệ mùa màng, từ đó nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng.
Đặc biệt, trong năm 2025, các hoạt động hợp tác cụ thể sẽ tập trung vào cây lúa. Mở rộng mô hình vệ tinh Bayer ForwardFarming (Nông nghiệp bền vững hướng đến tương lai) tại các tỉnh sản xuất lúa chính ở ĐBSCL. Tham gia xây dựng mô hình điểm thuộc Đề án 1 triệu ha, phối hợp tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ khuyến nông, HTX và nông dân về giải pháp bảo vệ thực vật và canh tác lúa bền vững. Tổ chức hội nghị, hội thảo và truyền thông về các hoạt động nâng cao năng lực sản xuất lúa.
Đối với sầu riêng và cà phê: Hợp tác lựa chọn và thiết lập các mô hình Better Life Farming (Nông nghiệp tiên phong - Nhà nông thịnh vượng) tại các vùng trồng trọng điểm ở Tây nguyên. Tổ chức các lớp tập huấn về quản lý dịch hại bền vững và giải pháp Bội thu cho sầu riêng và cà phê. Đồng thời phối hợp tổ chức hội thảo và truyền thông về hợp tác công tư trong canh tác bền vững, thúc đẩy việc kết hợp các công nghệ mới, ví dụ như triển khai công nghệ bón phân và phun thuốc bảo vệ thực vật chính xác qua hệ thống tưới và sử dụng dữ liệu thời tiết để tối ưu xử lý trên vườn.

Đại diện Công ty TNHH Bayer tại buổi lễ ký kết. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
Xây dựng một hệ sinh thái nông nghiệp bền vững
Phát biểu tại lễ ký kết hợp tác giữa Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và Công ty Bayer Việt Nam, ông KG Krishnamurthy, Giám đốc Nhánh Khoa học Cây trồng Bayer Việt Nam cho biết: “Lễ ký kết hôm nay là sự tiếp nối của mối quan hệ hợp tác lâu dài giữa hai bên, đặc biệt sau 3 năm thực hiện dự án ‘Bayer–Better Life Farming’ hướng tới phát triển nền nông nghiệp bền vững tại ĐBSCL. Thông qua dự án này, chúng tôi đã đào tạo và chuyển giao công nghệ cho hơn 5.000 nông dân, đạt được nhiều kết quả tích cực như giảm phát thải khí nhà kính, tiết kiệm vật tư đầu vào, đồng thời nâng cao năng suất và lợi nhuận cho bà con”.
Cũng dựa trên thành công đó, Bayer sẽ tiếp tục triển khai các kế hoạch cụ thể trong năm nay, không chỉ trên cây lúa mà còn mở rộng sang cây sầu riêng và cà phê. Thông qua các chương trình đào tạo và xây dựng mô hình canh tác, Bayer chú trọng đo lường hiệu quả bằng những chỉ số cụ thể từ hai chương trình trọng điểm: Bayer Farm trên cây lúa và Better Life Farming trên cây sầu riêng và cà phê.
“Chúng tôi cam kết tiếp tục đồng hành cùng nông dân Việt Nam trong quá trình chuyển đổi sang mô hình nông nghiệp bền vững, hiện đại và hiệu quả hơn”, ông KG Krishnamurthy nói.

Ông Mateus Barros, Giám đốc Nhánh khoa học cây trồng Bayer khu vực Đông Nam Á và Pakistan phát biểu tại buổi ký kết. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
Theo ông Mateus Barros, Giám đốc Nhánh khoa học cây trồng Bayer khu vực Đông Nam Á và Pakistan, nhấn mạnh rằng Bayer đang theo đuổi các mục tiêu cụ thể nhằm thúc đẩy nền nông nghiệp bền vững toàn cầu. Tại Việt Nam, công ty đã triển khai nhiều mô hình canh tác tiên tiến thông qua các chương trình hợp tác chiến lược giữa khu vực công và tư. Đây không chỉ là minh chứng cho cam kết lâu dài của Bayer, mà còn thể hiện rõ nỗ lực đồng hành cùng người nông dân trong hành trình xây dựng một ngành nông nghiệp hiện đại, thân thiện với môi trường. Những đóng góp này cũng là cách Bayer hiện thực hóa sứ mệnh “Người người khỏe mạnh, nhà nhà ấm no".
Dự án Bayer ForwardFarming, được khởi động vào năm 2023, đã thiết lập các mô hình canh tác lúa bền vững thành công nhằm tham gia đề án phát triển bền vững một triệu héc ta lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL. Mô hình đã chuyển giao công nghệ cho hơn 4.500 nông dân trồng lúa, đã chứng minh sự cải thiện đáng kể về năng suất, chất lượng, hiệu quả sử dụng tài nguyên và giảm thiểu tác động môi trường.
Những câu chuyện thành công khác đến từ các mô hình ForwardFarming tại huyện Châu Phú, tỉnh An Giang hay tại huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang và một số mô hình 50 ha thuộc Dự án Khuyến nông Trung ương có sự tham gia của Bayer trong vụ đông xuân 2024 – 2025 vừa qua cũng đã cho thấy những kết quả ấn tượng làm cơ sở để hỗ trợ thực thi Đề án 1 triệu ha tại vùng ĐBSCL.

Dự án Bayer ForwardFarming, đã chuyển giao công nghệ cho hơn 4.500 nông dân trồng lúa, đã chứng minh sự cải thiện đáng kể về năng suất, chất lượng, hiệu quả sử dụng tài nguyên và giảm thiểu tác động môi trường. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
Lễ ký kết biên bản ghi nhớ này không chỉ đánh dấu một cột mốc quan trọng trong quan hệ đối tác công, tư giữa Bayer và Trung tâm Khuyến nông Quốc gia mà còn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy chuyển đổi mở rộng thực hành các giải pháp canh tác nông nghiệp bền vững, hướng đến nền nông nghiệp tái sinh. Bằng cách kết hợp sức mạnh và nguồn lực của cả hai khối công và tư trong chuỗi giá trị, sự hợp tác này nhằm mục tiêu xây dựng năng lực cho nhà nông Việt Nam thông qua hệ thống khuyến nông cộng đồng và đóng góp vào các mục tiêu phát triển bền vững, chuyển đổi kinh tế của ngành nông nghiệp Việt Nam, đáp ứng với nhu cầu thực tế của nhà nông và thị trường.