| Hotline: 0983.970.780

Bẹ chuối đổi đô la

Thứ Năm 09/09/2010 , 10:40 (GMT+7)

Hoá ra cái thứ tưởng chỉ để cho heo ăn, hay phơi khô làm chất đốt ấy mà cũng đi Tây được.

Khi nghe anh bạn kể về làng nghề đan bẹ chuối tôi hết sức tò mò. Hoá ra cái thứ tưởng chỉ để cho heo ăn, hay phơi khô làm chất đốt ấy mà cũng đi Tây được. 

Từ quốc lộ 1A chạy trên con đường bê tông phẳng phiu chúng tôi tìm về thôn Thổ Ngõa (xã Quảng Long, Quảng Xương, Thanh Hóa) nơi đang tổ chức lớp học và chế biến hộc, giỏ hoa từ bẹ chuối do Trung tâm học tập cộng đồng tổ chức, để xuất sang thị trường châu Âu và các nước. Nhà văn hóa thôn Thổ Ngõa gần một năm nay luôn tấp nập, mọi người đến học nghề, trao đổi sản phẩm, mang sản phẩm đến chờ nhập hàng lấy tiền. Một không khí vui tươi hăng say lao động trên làng quê nghèo này là những gì chúng tôi cảm nhận được đầu tiên khi đến nơi đây.

Vừa thoăn thoắt tay vắt sổ cho xong chiếc hộc bà Nguyễn Thị Miện (thôn Thổ Ngõa), 64 tuổi, học viên nhiều tuổi nhất của lớp học đan bẹ chuối, bỏm bẻm nhai trầu cười vui vẻ cho biết: “Tôi tham gia lớp học này được một tuần, hôm nay là ngày học cũng là ngày tôi cho ra sản phẩm đầu tiên do chính tay mình làm, vui lắm”. Trong lớp học và đan bẹ chuối của trung tâm không ít học viên tuổi trên dưới 60, và có cả những học viên tàn tật đang từng ngày kiếm tiền trên đôi tay khéo léo của mình.

Chị  Nguyễn Thị Tâm, người trực tiếp được đào tạo và hiện đang dạy nghề lại bà con cho biết: Để làm các hộc, giỏ hoa bằng bẹ chuối phải trải qua nghiều công đoạn khác nhau, đầu tiên phải căng khung bằng các sợi đay, vào đáy, và dùng các kỹ thuật vê. Bẹ chuối bà con đang làm được cơ sở Trường Phúc cung cấp, là loại bẹ thuộc giống chuối tây, mầu trắng, khi sấy khô đảm bảo dẻo dai, không mốc. Sợi đan các hộc được cuốn khéo léo theo tỷ lệ 0,6kg bẹ + 0,25kg ruột trắng (trong thân cây chuối) với hộc to và 0,6kg bẹ + 0,2kg ruột với hộc nhỏ. Quả thật nếu không trực tiếp chứng kiến các công đoạn sản xuất thì ít ai nghĩ những chiếc hộp xinh xắn này lại được làm từ bẹ chuối. 

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Bá Tân, Chủ tịch UBND xã Quảng Long cho biết: Xã có trên 10 nghìn dân, chủ yếu làm nông nghiệp. Trong điều kiện thời gian rỗi của lao động nông thôn thì việc mở các lớp đào tạo nghề đan bẹ chuối đã mở ra hướng đi mới cho dân. Theo ông Lê Minh Được, PGĐ Trung tâm học tập cộng đồng Quảng Long thì từ năm 2009 đến nay, thông qua cơ sở Trường Phúc, Trung tâm đã tổ chức cho hơn 200 lao động địa phương học nghề đan bẹ chuối. Đan bẹ chuối là việc làm lúc nông nhàn, công việc nhẹ nhàng, lao động trong nhà, thu hút nhiều chị em phụ nữ, người có tuổi tham gia. Trung bình mỗi lao động một ngày làm được 3 sản phẩm với giá 25.000 đồng/sản phẩm, thu nhập đạt từ 1,5 triệu đồng/tháng trở lên.

 Được biết từ đầu năm 2009, cơ sở Trường Phúc đã phối hợp với chính quyền địa phương của Thanh Hóa mở nhiều lớp học nghề và hướng dẫn kỹ thuật đan bẹ chuối cho người dân của nhiều huyện. Tính đến nay ngoài huyện Quảng Xương, cơ sở Trường Phúc còn mở nhiều lớp dạy nghề đan bẹ chuối tại các huyện Nông Cống, Thiệu Hóa, Như Thanh... Tại mỗi huyện trung bình có từ 2 đến 3 xã có lớp dạy với hàng trăm lao động. 

Xem thêm
Nghệ An: Tôm chết hàng loạt, nghi do bệnh mới

Tôm chết nhiều trên diện tích khoảng 25ha, trong đó phần đa xuống giống chưa được bao lâu. Đây là hồi chuông báo động đối với nghề hoàng kim một thời ở Nghệ An.

Điều động 1 kíp tàu tuần tra, phòng chống khai thác IUU

Từ ngày 22/4, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu điều động 1 kíp tàu tuần tra, kiểm soát kết hợp tuyên truyền phòng, chống khai thác IUU trên vùng biển do đơn vị quản lý.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.

Bình luận mới nhất