| Hotline: 0983.970.780

Bé con liệt cơ vì thói cứng đầu của mẹ

Thứ Tư 18/03/2015 , 09:33 (GMT+7)

Vì có người nhà làm ở bệnh viện nên khi cháu sinh, cháu đã không nghe chồng và má chồng, cháu nhất quyết sinh ở thị xã. Khi sinh, ối trào ngược, con cháu bị liệt cơ.

Cô Dạ Hương kính mến!

Cháu viết thư này cho cô trong tâm trạng rối bời. Chuyện là thế này cô ạ.

Vợ chồng cháu cưới nhau đã 5 năm. Chồng cháu là con một, nhưng ba má anh ở quê, vườn đất bát ngát cò bay, chúng cháu có nhà riêng ở thị xã. Ba má cháu là người thị xã nên khi cháu có bầu, cháu gần gũi với nhà mình hơn.

Vì có người nhà làm ở bệnh viện nên khi cháu sinh, cháu đã không nghe chồng và má chồng, cháu nhất quyết sinh ở thị xã. Cháu cũng không ngờ thời nay ở một bệnh viện lớn như vậy mà đỡ sinh thường họ cũng không làm được.

Cháu đau bụng âm ỉ  2 ngày trời. Giữa sinh mổ và sinh thường, má chồng cháu rất muốn sinh thường để sinh được nhiều lần, vì đứa cháu sắp sinh là con gái. Má của cháu cũng không cương quyết, vì bà thấy sinh mổ có hại hơn.

Bệnh viện chọc ối rồi cho cháu về nhà, bảo khi đau bụng nhiều hãy đến. Vậy là khi sinh, ối trào ngược, em bé bị liệt cơ đó cô.

Vợ chồng cháu quá ức, hận tay nghề y bác sĩ, hận mình có học mà để sự thể như vậy. Đáng ra chúng cháu phải lên thành phố, sinh đẻ bằng dịch vụ hẳn hoi, chúng cháu có nhiều tiền mà.

Em bé rất xinh xắn, bỗng trở thành đứa tàn tật, 2 tuổi mới biết bò, giờ chưa đứng được. Mọi việc đổ lên vai ba má chồng cháu vì ông bà có điều kiện và có thời gian.

Nhưng cháu cũng không sung sướng gì, cháu phải đi làm để có tiền chạy chữa cho con, hai ngày cuối tuần suốt mấy năm nay chỉ biết ôm con cho ba má chồng thư giãn.

Một cuộc tình tươi sáng, một đám cưới tưng bừng, một cuộc sống hứa hẹn màu hồng, bỗng chốc sụp đổ cô ơi. Không biết bao giờ chúng cháu mới dám sinh một bé nữa mà cứ như vầy thì đứa con này sẽ không có tương lai đâu cô.

Sắp tới, các cháu phải đưa bé lên thành phố để tập vật lý trị liệu. Cháu không nghỉ được mà má cháu và má chồng cũng khó ngồi lại giúp nhau sau sự cố bệnh viện hồi đó.

Hai bên đổ lỗi nhau và mọi thứ trút lên đầu cháu. May mà vợ chồng cháu vẫn yêu nhau, không thì chắc chuyện đã tan rồi cô.

Theo cô, cháu nên như thế nào trong thời gian tới, xin nghỉ không lương hay cứ để má chồng cáng đáng rồi bù cho bà cháu bằng thu nhập của mình?

Bề nào cũng bị trách mắng, cháu muốn giữ vững công việc, hơn là hy sinh rồi sau đó không tìm đâu ra một nơi được thông cảm như hiện nay. Rất mong cô chia sẻ.

--------------------

Cháu thân mến!

Có một tổng kết đáng buồn từ báo chí rằng, hiện các bệnh viện cấp tỉnh, y bác sĩ cũng không giỏi về đỡ đẻ, do khi học, họ không được dạy nhiều kinh nghiệm đỡ. Do đâu? Do nhiều năm, việc mổ đẻ đã bị lạm dụng, y bác sĩ thích mổ hơn vì nó đơn giản. Các bà mụ vườn ngày xưa đỡ đẻ giỏi vì họ giỏi kinh nghiệm thực tế đó thôi.

Đúng, sửa sai việc này phải từ sản phụ và gia đình, đừng để bị dẫn dụ vào việc “mổ nhé, mổ đi cho đỡ đau, mổ cho nhanh, cho an toàn”.

Hậu quả của việc mổ đẻ là vô cùng, mẹ chịu đau, con thiếu sữa mẹ và chỉ được đẻ mổ 2 lần trong đời.

Nhưng biến cố của cháu là do kiến thức của vợ chồng không vững. Đừng trách ai cả. Các bà mẹ dù là người của thế hệ mới, cũng không vững bằng các cháu.

Tại sao chọc ối rồi mà về nhà nằm chờ? Không ai vỡ ối mà nằm yên được, khi ấy phải can thiệp để đau thúc, đẻ ngay hoặc đồng ý cho mổ, di hại của trào ngược ối, như cháu thấy đó, là vô cùng thảm khốc.

Trong trường hợp cháu, để cho an toàn, nên lên thành phố chờ đẻ và đẻ thường hay đẻ mổ cũng đều được. Hãy tin vào tay nghề vững của những bệnh viện hàng đầu.

Chuyện như trò đùa của số phận. Bởi vậy mới là vô thường, mới là muôn mặt bi kịch của cuộc sống. Các cháu vẫn yêu nhau thì việc vượt qua chuyện này không khó.

Ba má chồng giàu, bà nội vẫn cáng đáng giúp thì các cháu cứ hậu phương kinh tế đi. Sẽ còn tốn kém dài lâu, nên cho ba má biết điều đó, vì vậy cháu cần củng cố chỗ làm để còn nuôi nấng đứa con biến cố này.

Vẫn phải nói nhỏ rằng, khi bé đã lớn và trị liệu đem lại khả quan thì các cháu nên sinh đứa nữa. Sinh lành lặn để vui cửa vui nhà, cho mình và cho ba má chồng.

Dùng một đứa con khác để chữa u buồn cho đứa con này, cũng là một phép màu dễ hiểu, đừng quá bi quan, thối thoát và loay hoay mãi trong bế tắc, buồn lo, cháu nhá.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.