| Hotline: 0983.970.780

Bệ phóng cho vựa trái cây có múi Thạch Thành

Thứ Ba 05/11/2019 , 08:40 (GMT+7)

Ông Lê Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Thành Vân (Thạch Thành, Thanh Hóa) cho biết, ông từng nghe các cụ cao niên trong xã kể lại, trước đây vùng đất này từng là “thủ phủ” cây ăn quả có múi. Nhưng bẵng đi một thời gian, những giống cây trồng khác xuất hiện, diện tích cây có múi giảm rồi gần như biến mất.

* Một doanh nghiệp đầu tư gần trăm tỷ trồng cam GlobalGAP
 

Cuộc cách mạng về tư duy sản xuất

“Đây là vùng đất đỏ bazan, màu mỡ. Ông cha kể lại, thời Pháp thuộc, ở Thành Vân hình thành những vườn cam với chất lượng thơm ngon nổi tiếng. Có thời, các nông trường quốc doanh ở vùng đất này đã trồng cam xuất khẩu sang Đông Âu. Nhưng sau đó, những vườn cam dần biến mất và được thay thế bằng cây luồng rồi chuyển sang mía nguyên liệu. Và khi cây mía không còn đem lại hiệu quả kinh tế cao thì thực tế người dân ở đây cũng không tìm ra được giống cây trồng nào thực sự hiệu quả để thay thế”, ông Dũng cho biết.

10-48-44_1
Những vườn cam, bưởi trĩu quả đã thay thế cây mía tại xã Thành Vân.

Thế nhưng, từ năm 2016 thì gần như mọi chuyện đã thay đổi. Sau Nghị Quyết 16 của HĐND tỉnh Thanh Hóa, UBND huyện Thạch Thành ban hành đề án tái cơ cấu nông nghiệp trên địa bàn huyện. Về cơ bản, đề án này tập trung vào việc chuyển đổi cây trồng hợp lý thích ứng với biến đổi khí hậu, phù hợp với đặc tính vùng đất và tình hình tiêu thụ nông sản. Bắt tay vào thực hiện đề án tái cơ cấu, UBND huyện Thạch Thành phối hợp với Học viện Nông nghiệp Việt Nam rà soát, điều tra chất đất để trồng cây ăn quả, đặc biệt là cây ăn quả có múi. Kết quả, toàn huyện có tới 900 ha phù hợp với các loại cây ăn quả có múi như cam, bưởi, cam đường...

Một số diện tích đất đồi lâu nay trồng mía kém hiệu quả được địa phương chuyển sang trồng rừng sản xuất. Đất lúa thiếu nước, kém hiệu quả chuyển sang trồng mía. Đặc biệt, Thạch Thành xây dựng vùng trồng cây ăn quả, chủ lực là bưởi, cam tại các xã Thành Vân, Vân Du, Thành Tâm.

Bà Đỗ Thị Phiến, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Thạch Thành cho hay, để thay đổi tư duy của nông dân không phải chuyện một sớm một chiều. Thực tế, để chuyển đổi sang trồng cam, bưởi công nghệ cao không phải hộ dân nào cũng đủ điều kiện. “Họ quá quen với phương thức canh tác cũ, với giống cây trồng quen thuộc. Vì vậy, để chuyển đổi cây trồng gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều hộ cũng xác định không gắn bó với nông nghiệp nên có tư tưởng bỏ bẵng đồng đất. Bên cạnh đó, cũng phải nhìn nhận rằng, nếu phát triển cây ăn quả công nghệ cao thì không phải hộ dân nào cũng đủ tiềm lực”, bà Phiến nói.

10-48-44_2
Nông dân ứng dụng công nghệ cao trong trồng cây ăn quả có múi.

Từ thực tế này, UBND huyện Thạch Thành xác định phải lôi cuốn được doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh vào cuộc. Từ chỗ doanh nghiệp tham gia trồng cây ăn quả có múi với quy mô lớn dần dần sẽ xây dựng các vùng sản xuất cây ăn quả công nghệ cao, hướng tới sản phẩm được chứng nhận VietGAP, GlobalGAP.

Theo thống kê, tính đến nay, toàn huyện Thạch Thành đã quy hoạch và trồng được 460ha cây ăn quả có múi. Hộ ít nhất trồng 2ha, doanh nghiệp lớn trồng 50ha, ứng dụng công nghệ cao, tưới thông minh, tiết kiệm.

“Cây ăn quả có múi ở Thạch Thành đang có đầu ra ổn định. Sang năm 2020 chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng diện tích và tập trung xây dựng thương hiệu, sản phẩm đạt chứng nhận VietGAP, GlobalGAP”, bà Đỗ Thị Phiến cho hay.
 

Đầu tư gần 100 tỷ trồng cam GlobalGAP

Cuối năm 2015, Công ty TNHH XD&TM Thủy Ngọc (Hà Trung, Thanh Hóa) tích tụ được 50ha đất tại khu vực quy hoạch cây cam - bưởi công nghệ cao ở xã Thành Vân. Công ty bắt tay ngay vào xây dựng nông trại Chung Thủy, trồng cam, bưởi, cam đường công nghệ cao hướng tới sản xuất đạt chứng chỉ GlobalGAP.

Ông Nguyễn Văn Chung, Giám đốc Công ty TNHH XD&TM Thủy Ngọc cho hay, trong vườn ông chỉ trồng cam Xã Đoài lòng vàng và bưởi da xanh, cam đường. Năm 2019, nông trại Chung Thủy đã cho thu hoạch vụ đầu tiên với sản lượng ước tính 300 tấn cam. Khi các loại cây trồng đã vào thời kỳ kinh doanh chính thức, trang trại Chung Thủy dự kiến sẽ thu về 200 tấn cam đường, 2 nghìn tấn bưởi và 1,6 nghìn tấn cam.

10-48-44_3
Nuôi giun quế lấy phân giúp nông trại Chung Thủy tiết kiệm 50% chi phí phân bón.

Ngồi trên xe bán tải dạo một vòng quanh trang trại, ông Chung không khỏi tự hào: “Công ty đã đầu tư vào đây gần 100 tỷ đồng, nuôi 30 nhân công với mức lương 6 - 7 triệu đồng/người/tháng và trên dưới 30 lao động thời vụ. Chúng tôi đặt uy tín, chất lượng sản phẩm lên hàng đầu. Đến nay, sản phẩm của chúng tôi đã đạt chứng chỉ GlobalGAP và đang tìm đường để đưa cây ăn quả có múi của nông trại vươn ra thị trường quốc tế chứ không chỉ còn phục vụ nhu cầu trong nước nữa”.

Ông Lê Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Thành Vân cho hay, toàn xã hiện có 260ha cây ăn quả có múi trong đó có 70% đã áp dụng sản xuất công nghệ cao. Ngoài 3 doanh nghiệp vào đầu tư với quy mô từ 20 - 50ha còn có 20 trang trại nhỏ kết hợp trồng cây có múi, chăn nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao. Các trang trại nhỏ lẻ này hiện đang có xu hướng liên kết sản xuất, tạo ra sản phẩm đạt chứng chỉ an toàn, nguồn cung ổn định để cung ứng ra thị trường.

Chúng tôi thăm các lô cam, bưởi bắt đầu mùa thu hoạch đầu tiên. Toàn bộ 2 nghìn gốc cam đường, 10 nghìn gốc bưởi da xanh, 8 nghìn gốc cam Xã Đoài lòng vàng đều được nông trại thiết kế hệ thống tưới nhỏ giọt, tưới thông minh; cây nào cây nấy trĩu quả đã bắt đầu chín rộ. Nguồn phân hữu cơ được nông trại lấy từ sản phẩm của 5.000m2 nhà nuôi giun quế. Giun quế được nông trại ngâm với các chế phẩm sinh học để bón cho cây trồng.

“Với 5.000m2 nuôi giun quế, mỗi năm tôi thu 3 nghìn tấn phân giun và khoảng 20 tấn giun quế. Phân giun được bón trực tiếp; giun thương phẩm sẽ ủ với chế phẩm sinh học, thu dịch giun bón cho cây trồng.

Từ việc nuôi giun quế lấy phân, mỗi năm tôi tiết kiệm được 50% chi phí mua phân bón cho các loại cây trồng. Có thể nói, không có nguồn phân hữu cơ nào tốt hơn phân giun quế và cũng không có sản phẩm cây ăn quả nào ngon, ngọt, chất lượng hơn khi bón định kỳ bằng dịch giun quế”, ông Chung chia sẻ.

Ông Lê Ngọc Trường, quản lý nông trại Chung Thủy cho biết thêm, toàn bộ cỏ trong vườn đều được tận dụng làm phân hữu cơ chứ không phun thuốc diệt cỏ: “Với chúng tôi, bó cỏ là giỏ phân. Cỏ sẽ được máy cắt, vun vào gốc cây tạo thành nguồn phân hữu cơ, vừa giữ ẩm cho cây trồng vừa bảo vệ môi trường. 

Ở đây, mỗi công nhân tỉa cành đều mang trên mình một lọ cồn. Khi tỉa cành di chuyển từ cây này sang cây khác sẽ dùng cồn tiệt trùng dụng cụ”.

Nằm sát ngay nông trại Chung Thủy là trang trại rộng hơn 20ha cam, bưởi, ổi… công nghệ cao của ông Trịnh Văn Quế. Toàn bộ trang trại này cũng được bón bằng phân giun quế và dung dịch ngâm giun quế với các chế phẩm sinh học.

10-48-44_4
Cây có múi mang lại niềm hi vọng đổi đời của người nông dân Thạch Thành.

Ông Quế quê huyện Yên Định. Năm 2013, ông sang Thạch Thành để tích tụ đất trồng cây quả công nghệ cao. Toàn bộ diện tích cây trồng của ông được lắp đặt tưới nhỏ giọt. Các công đoạn làm cỏ, phay đất đều được cơ giới hóa. Cỏ chỉ được cắt vào mùa mưa tạo ra độ mùn cho đất; mùa hè cỏ tạo ra thảm thực vật giữ nước cho vườn cây trái. Đến nay, trang trại của ông Quế đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, sản phẩm bán ra thị trường có truy xuất nguồn gốc qua tem nhãn.

Cần thông thoáng đất đai và siết chặt quản lý giống

Cây ăn quả có múi đang phát triển nhanh theo hướng bền vững tại huyện Thạch Thành.

Tuy vậy, theo bà Đỗ Thị Phiến, Trưởng phòng NN-PTNT Thạch Thành, các doanh nghiệp vẫn còn gặp khó khăn trong sản xuất:

“Doanh nghiệp đã thuê được đất với người dân nhưng hiện nay thủ tục thuê đất vẫn chưa được tỉnh chấp nhận.

Ngoài ra, chúng tôi còn gặp khó về giống. Dù các doanh nghiệp, hộ dân đã tìm đến những địa chỉ tin cậy để mua giống nhưng vẫn có nhiều vườn nhiễm bệnh Greening.

Vì vậy, chúng tôi mong Bộ NN-PTNT tiếp tục siết chặt công tác quản lý giống cây ăn quả có múi”.

Xem thêm
Hội chợ xúc tiến thương mại khu vực kinh tế tập thể, hợp tác 2024

Hội chợ diễn ra từ 18-22/4 tại phố Trần Nhân Tông và công viên Thống Nhất, Hà Nội với sự tham gia của 120 HTX từ 44 tỉnh thành và 30 doanh nghiệp.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm