| Hotline: 0983.970.780

Bế tắc

Thứ Ba 24/12/2013 , 10:25 (GMT+7)

Cháu đã thấy mọi cơ hội đã đóng lại với mình rồi. Gia đình đông anh chị em lại có mình cháu là trai. Bố cháu lại là trưởng tộc mai sau cháu sẽ gánh vác công việc gia đình và gia tộc. Mọi người kỳ vọng rồi thất vọng...

Cháu chào cô Dạ Hương!

Lẽ ra cháu viết cho cô từ rất lâu rồi nhưng cứ lần lữa mãi. Đọc những dòng sau đây có thể cô sẽ trách cháu, thậm chí chê bai cháu. Một lời trách của cô có khi lại làm cháu vơi đi phần nào nỗi buồn cũng như những sức ép, những gánh nặng tinh thần.

Hết PTTH, cháu thi đỗ đại học, trường KHXH&NV. Nhưng tốt nghiệp đến nay đã hơn 10 năm mà cháu vẫn chưa xin được công việc phù hợp. 33 tuổi lẽ ra phải ổn định, phải thành đạt, phải có chỗ đứng trong xã hội. Thế mà chuyện gian nan và lận đận quá cô ạ.

Thực tế sau khi ra trường cháu được gia đình xin vào một cơ quan tỉnh. Thú thật cháu không mặn mà lắm, không yêu thích công việc này. Gì mình cũng phải đam mê chứ làm theo kiểu gượng ép, miễn cưỡng thật không dễ chịu chút nào. Không biết cháu nghĩ vậy có quá cực đoan không. Hơn 1 năm thì cháu xin nghỉ, muốn tìm cho mình một hướng đi khác. Cháu lại sang HN để tìm một công việc mới. Sau gần 2 năm cháu vẫn chưa tìm được việc phù hợp. Cô đừng cười cháu nhá! Cháu cũng không vui vẻ gì.

Cháu nhận được giấy gọi nhập học văn bằng 2 cũng ở trường cũ ngành báo chí. Từ lâu cháu đã xác định theo đuổi ngành này. Chưa đi làm gì lại đi học, không có chi phí để ở HN, cháu sáng đi chiều về, đằng đẵng hơn 2 năm như vậy. Thời điểm đó cháu cảm thấy u uất nhiều. Tốt nghiệp văn bằng 2 rồi, cháu vẫn chưa làm gì. Thời điểm đó là cuối năm 2007. Cháu kém cỏi quá phải không cô?

Cũng đã thi tuyển vào một số cơ quan báo chí nhưng thí sinh đông mà chỉ tiêu tuyển dụng lại ít nên cháu không trúng tuyển. Đến cuối năm 2008, cháu lại được gia đình xin vào Đài truyền hình tỉnh. Lại không thiết tha lắm với công việc ở tỉnh. Cô sẽ thắc mắc vì sao không muốn. Cháu cũng khó trả lời. Chỉ đơn giản là cháu không muốn. Vậy thôi. Nhưng đành phải chấp nhận vào làm nơi mình không mong muốn. Hàng ngày cháu đi làm mà không muốn đi. Đến cơ quan mà chẳng muốn làm. Đó là những tháng ngày vô cùng chán nản. Cực lắm cô ạ. Hiệu quả công việc vì thế cũng không cao. Trong gia đình không ai biết rằng cháu không hề muốn công việc đó.

Làm được gần 1 năm, cháu lại xin nghỉ. Những người xung quanh đều nghĩ cháu không làm được nên chán rồi mới bỏ. Kỳ thực không phải vậy. Cháu không biết phải nói sao. Thế mới tội cho cháu. Lại sang HN để tìm việc. Chỉ mong được làm việc cho một công ty truyền thông hoặc một cơ quan báo chí nào phù hợp với khả năng và nguyện vọng của mình. Thi thoảng có chỗ gọi phỏng vấn nhưng đều không được nhận vào làm. Để qua ngày, cháu đi tiếp thị đồ uống, đi làm ở nhà hàng rồi siêu thị. Cháu thấy xót xa và tủi cực vô cùng. Cháu suy nghĩ rất nhiều, rất rất nhiều.

Ngay cả bây giờ cháu đã thấy mọi cơ hội đã đóng lại với mình rồi. Gia đình đông anh chị em lại có mình cháu là trai. Bố cháu lại là trưởng tộc mai sau cháu sẽ gánh vác công việc gia đình và gia tộc. Mọi người kỳ vọng rồi thất vọng. Cháu bị thúc giục lấy vợ. Lấy ai? Phải từ tình yêu chứ. Cô bảo cháu phải làm sao?

Cô giữ kín địa chỉ email giùm cháu 

Cháu thân mến!

Sự thực cô không trách cháu nhiều, mà còn đầy lòng thông cảm. Công sở bây giờ là nơi vui ít buồn nhiều, ở tỉnh thì có bệnh của tỉnh lẻ, ở HN thì gần mặt trời nên “tia cực tím” mạnh, rát mặt rát da. Nhưng nói vậy không có nghĩa là cháu không có sai lầm.

Phải có quan niệm vào đời thế này: Học để lấy bằng (thậm chí học nghề chứ không cần bằng đại học sớm), đi làm một việc gì đó rồi từ sự từng trải của mình mà chuyển đổi sau. Một cơ quan ở tỉnh, tập sự rồi chuyên viên gì đó, cô hiểu, sẽ là công chức “sáng cắp ô đi chiều cắp ô về”, nhưng để có một chỗ ăn lương, giải phóng mình khỏi tầm mắt ái ngại của bố mẹ đi đã. Và sẽ học lên, hoặc học ngang, học từ xa việc mình yêu thích.

Như học báo chí là cháu phải có tài viết báo, phải là cộng tác viên của tờ báo nào đó, vậy mới cần cái văn bằng 2 là báo chí. Hơn nữa, làm báo là tiếng Anh phải tốt, thế hệ trước tiêu chuẩn ấy ở hàng thứ, giờ nó song song với khả năng tiếng Việt. Xin việc ở HN (hay SG) càng cần phải như vậy.

Cháu có biết lượng sức mình không? Sức cháu mạnh ở điểm nào? Cô nhớ hồi cô mới vào làng báo (dĩ nhiên là làm báo trong kháng chiến), cô phải làm đủ thứ việc tạp vụ của một văn thư. Không sao, nghề sẽ dạy nghề. Lại viết văn lén lút, nhân khi công việc cơ quan thưa đi hoặc viết trong ngày cuối tuần (hồi ấy mỗi tuần nghỉ có 1 ngày). Viết cắm đầu cắm cổ, vì hôm sau con người công sở nó kêu gọi mình rồi. Thế mà vẫn thành đó cháu.

Hai văn bằng, 33 tuổi mà phải kiếm sống bằng tiếp thị, bưng bê thì chán thật. Sai lầm này kéo dài 10 năm làm cho cháu trở nên vô ích. Cháu thấy mình vô nghĩa trước khi mình vô ích, đúng không? Tam thập nhi lập, đúng là tuổi lập thân đã qua, nhưng cơ hội không bao giờ từ bỏ một người biết hy vọng cả. Cô hình dung được mẫu người khinh mạn, khó tính, cực đoan, dễ chán đời. Nhưng những người ấy thường có tài gì đó, văn thơ, nhạc họa… họ như một con hổ còn nằm phục một con mồi. Cháu thực sự có tiềm năng gì?

Bây giờ là việc chứ không phải là vợ. Ở quê có đất để làm trại không? Bắt đầu từ nông nghiệp chăng? Cô từng thấy những gã gàn với cái ao cá, với đàn gà đặc sản, hoặc với vườn xương rồng hàng ngàn loại mê mẩn con mắt luôn. Vậy đó, đừng ca thán, đừng nản lòng, trời không bắt tội ai cả, chỉ có người đó khinh trời mà thôi. Lấy vợ muộn thì nhiều cơ hội lấy được người trẻ, miễn trước tiên mình phải là người đàn ông năng động, lạc quan, nhiều sinh khí đi đã.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm