| Hotline: 0983.970.780

Bế tắc

Thứ Năm 18/08/2011 , 11:17 (GMT+7)

Người yêu cháu là công nhân, anh hiền lành, chịu khó, nhưng lại vô tư quá, thành ra vô tâm. Tình cảm của chúng cháu đang bế tắc...

Cháu chào cô!

Cháu 21 tuổi, hiện đang là sinh viên năm 3 Học viện Chính trị- Hành chính, quê ở Lạng Sơn. Bố mẹ cháu là công chức bình thường. Năm lớp 11 cháu yêu anh. Nhà anh cách nhà cháu 1km, khi biết chuyện, mẹ anh không hài lòng, bảo cháu không biết làm gì. Nhưng đó là chuyện của mấy năm trước. Hiện giờ khi cháu đỗ đại học thì không thấy mẹ anh nói gì nữa.

Giờ anh đang đi sửa điện trong một nhà máy, công việc nói chung là tạm ổn, lương đủ nuôi sống bản thân, mỗi tháng cũng đưa về cho mẹ được 1 triệu. Anh năm nay 24 tuổi, hiền lành, chịu khó, nhưng lại vô tư quá, thành ra vô tâm. Chính điều đó đã dẫn đến sự cãi nhau giữa bọn cháu.

Ngày trước cháu không hay để ý, nhưng giờ cháu cứ hay trách anh. Công việc của anh làm theo ca, không phải lúc nào cũng nhắn tin cho cháu được, cháu biết nhưng những lúc rảnh anh cũng ít nhắn tin. Anh bảo anh không quen dùng điện thoại nhiều. Hỏi anh còn yêu không, thì lại nhận được câu trả lời là nửa muốn yêu, nửa không muốn. Hỏi tại sao không muốn thì anh bảo là công việc anh không kiếm ra nhiều tiền, sợ mai này cháu sẽ khổ, anh còn bảo nếu yêu thì phải hiểu anh ấy.

Nhưng cháu thấy ghét cái tính đó, cháu muốn chia tay để khỏi buồn nhưng cháu yêu anh nhiều lắm. Gần đây, anh bảo muốn cháu công khai chuyện của chúng cháu (hai bên gia đình đều biết từ lâu, nhưng hai đứa vẫn hẹn hò mà không muốn ai biết). Cháu nghĩ nếu không yêu cháu, sao anh lại muốn công khai? 

Cháu thấy yêu thì khổ, mà không yêu cũng khổ. Nhà anh ấy làm ruộng, chắc mẹ cháu cũng không muốn cháu yêu anh vì sợ cháu khổ. Anh nói nếu lấy được nhau, có khi hai đứa ở với bố mẹ vì anh không có đủ tiền mua đất xây nhà. Cháu không thích sống cùng bố mẹ chồng, cứ nghĩ đến cảnh làm dâu là cháu không muốn lấy chồng rồi. Cháu chỉ muốn hai vợ chồng ở riêng, ngày nghỉ thì ngủ nướng hoặc đi chơi đâu đó chứ không muốn ở nhà hộ bố mẹ chồng làm ruộng.

Anh còn người em trai năm nay học lớp 9, cháu bảo mai sau cho ông bà ở cùng em trai, mình góp tiền chăm sóc. Nhà cháu không làm ruộng, công việc của cháu ở nhà chỉ nấu cơm, giặt giũ và đi chợ đã có mẹ cháu lo rồi, cháu hay ốm và chỉ có 38kg thôi. Cháu chăm mình còn chẳng nổi, nghĩ gì đến bố mẹ chồng nữa. Ôi, cô tư vấn giúp cháu nhá.

Mong cô giữ kín email giúp cháu.

Cháu thân mến!

Liên tục trong các ngày của tuần này cô phải xử lý các lá thư giống nhau ở chỗ: Các cô gái có kinh tế khá hơn bên nhà người yêu và hay giận hờn về việc các anh chàng không quan tâm đúng mức. Riêng cháu, cháu là cử nhân học viện hành chính tương lai, còn cậu ấy là thợ điện. Cô băn khoăn nhiều ở sự chông chênh này.

Trước hết, cháu phải hiểu, đàn ông con trai mà lúc nào cũng cắm cúi nhắn tin nhoanh nhoách là sến, là ẻo lả, là mồm mép thay tay chân, là vô ích với thời gian. Cô thật sự ghét những gã lúc nào cũng “em ăn chưa, em ngủ chưa”, trong khi những việc để cho cuộc sống sau này thì xao lãng. Cậu ấy đã bảo tính anh không thích nhắn tin nhiều, là câu nói thật, chân thành, có một chút thông điệp. Cậu ấy lam lũ, nhặt nhạnh, cháu có bằng cấp sang mà lại phong lưu. Yêu thì được nhưng cưới thì cần cân nhắc.

Cháu là một tiểu thư được bảo bọc, cô cũng tin rằng cháu làm dâu kém, thậm chí sẽ rất bất mãn khi phải sống cảnh nghèo khó, ruộng nương của nhà chồng. Cô từng quan sát thấy nhiều cô vẫn ấm ức tới già và đay đả chồng suốt vì nhà mình cao hơn, no ấm hơn. Sắc thái của tình yêu biến mất, chỉ còn lại những cau có, cằn nhằn, hậm hực, sống sao nổi?

Thôi đi cháu ơi, cháu mới 21, tương lai trẻ trung, rạng ngời, cháu đừng gắn bó sớm một chỗ mà mình biết là thiệt thòi, vô tâm, rắc rối. Cả hai bà mẹ đều không mặn khi thấy các cháu muốn hôn nhân, họ từng trải, họ nhìn thấy trước rồi đó.

Nhất định sẽ buồn. Nhất định sẽ xa mặt cách lòng. Người ta lưỡng lự là có lý đấy.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm