Trước đó, khi đang chơi một mình trong nhà thì bé K. khóc thét lên khi ngón tay bị kẹt vào ổ khóa xoay của cửa nhà. Gia đình đã tìm mọi cách để tháo ổ khóa và đưa bé đi cấp cứu.
Bác sĩ Nguyễn Trung Nhân, Khoa bỏng - chỉnh hình cùng ekip trực Bệnh viện Nhi đồng 2 chuyển bé lên phòng mổ, tách rời từng bộ phận của ổ khóa để “giải cứu”.
Sau khi được bác sĩ khâu vết thương và chăm sóc ổn định, bé đã được xuất viện.
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nhân, giai đoạn trẻ từ 1-3 tuổi thường hay tò mò, thích khám phá đồ vật và mọi thứ xung quanh. Ngoài việc cho đồ vật vào miệng hoặc chuyền vật trên tay, trẻ còn quan sát các hành động của người lớn và bắt chước theo. Có những trẻ hiếu động hơn, chạy nhảy, nghịch các thiết bị dẫn đến tai nạn đáng tiếc.
“Những vật dụng tưởng chừng ngoài khả năng tai nạn như ổ khóa này trong một số tình huống cũng có nhiều nguy cơ gây tổn thương”, bác sĩ Nhân nói.
Để đảm bảo sức khỏe nhưng vẫn giúp con học hỏi xung quanh, phụ huynh hãy tạo cho con môi trường khám phá an toàn, bằng cách sắp xếp lại nhà cửa, đặt những vật có khả năng gây nguy hiểm ngoài tầm với của con. Cùng con quy ước “vòng tròn cấm”, cho con tô màu, phụ huynh cắt và dán vào những nơi không nên chơi. Kiểm tra tránh trơn trượt hay rò rỉ hệ thống điện trong nhà.
Đồng thời, phụ huynh cũng cần lưu ý thêm về ranh giới của tăng động và hiếu động. Nếu trẻ nghịch ngợm mọi lúc mọi nơi, không thể ngồi yên và tập trung vào việc gì đó, không dừng lại khi được nhắc nhở; thì nhiều khả năng đây không còn là hiếu động đơn thuần, mà là các biểu hiện của rối loạn hoạt động và chú ý.
Lúc này, trẻ cần được kịp thời đánh giá, tư vấn chiến lược hỗ trợ trẻ thông qua luyện tập hành vi, thay đổi cách giáo dục, kết hợp điều trị thuốc nếu cần.
Phụ huynh cũng có thể liên hệ khoa tâm lý để cho trẻ được thăm khám và tư vấn những vấn đề liên quan đến rối loạn phát triển, rối loạn hành vi, cảm xúc của con.