| Hotline: 0983.970.780

Bến Tre: Xói lở bờ biển ngày càng trầm trọng

Thứ Sáu 29/11/2019 , 09:16 (GMT+7)

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bến Tre tình trạng xói lở bờ biển (xâm thực) diễn ra ngày càng nghiêm trọng.

13-54-53_1
Xâm thực bờ biển ngày càng trầm trọng tại khu vực Cồn Lợi.

Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh, Bến Tre có 112 điểm sạt lở, trong đó sạt lở bờ biển có 8 điểm tại các huyện ven biển như Bình Đại, Ba Tri và Thạnh Phú. Các điểm sạt lở nghiêm trọng như khu vực Cồn Lợi, xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú; Cồn Ngoài, xã Bảo Thuận, huyện Ba Tri; khu vực xã Thừa Đức, huyện Bình Đại. 

Nỗi đau 2 lần mất nhà

Khoảng gần 3 năm trở lại đây, Cồn Lợi nằm dọc theo khu vực ven biển cửa sông Hàm Luông thuộc ấp Thạnh Thới B, xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú, là khu vực đang xảy ra tình trạng xói mòn bờ biển, sạt lở nghiêm trọng.

Theo UBND xã Thạnh Hải, khu vực đang sạt lở nghiệm trọng, hiện đã sạt lở đất của 13 hộ dân với 11,25ha đất nông nghiệp, 02 căn nhà, 01 trụ sở kiểm soát biên phòng, bờ kè dài 100m gây ngập úng 10ha hoa màu. Hiện sạt lở đang tiếp tục đe dọa, ảnh hưởng đến khoảng 50 hộ dân đang cư trú, canh tác trên diện tích khoảng 120ha.

Bà Lê Thị Biên (61 tuổi), một hộ dân có 2 căn nhà bị sạt lở lấy mất, bà nghẹn ngào: “Trước đây, tôi có hơn 2ha đất làm vuông nuôi tôm. Hiện giờ đã lở mất hơn 1ha. Tôi đã cất 2 căn nhà hơn 700 triệu đồng cũng bị lở mất xuống biển. Bây giờ tôi phải dựng cái chòi ở tạm canh giữ phần đất còn lại. Hôm rồi, vuông tôm hơn 100 triệu đồng sắp đến ngày thu hoạch cũng bị lở trôi xuống biển, mất trắng. Con chim còn có tổ, con người phải có nhà, vậy mà...”.

Bà Biên cũng như nhiều hộ dân luôn nơm nớp lo sợ, mỗi đêm cứ nước lớn là bà con lại phải thức canh giữ đê hễ chỗ nào tràn, sạt thì còn gia cố lại.

Ông Nguyễn Văn Cường cùng ngụ tại ấp Thạnh Thới B có hơn 3 công đất bị sạt lở cho biết: “Mỗi lần đất lở, chúng tôi bỏ tiền ra mua bạt, xin bao xúc cát tấn mé giữ đê. Mỗi lần không dưới 10 triệu đồng. Chúng tôi đã làm 4 lần như vậy rồi. Khi không còn tiền, đành đi vay mượn. Nhưng bây giờ sức đã tàn, lực đã kiệt. Chúng tôi chỉ biết cầm cự ngày nào hay ngày ấy. Mong Nhà nước quan tâm giúp đỡ giữ lại nơi ăn chốn ở cuối cùng này”.

13-54-53_2
Người dân gia cố đê bao bảo vệ đê.

Tương tự, bà Lê Thị Biên, ông Nguyễn Văn Quyết, Giám đốc HTX Thủy sản Thạnh Lợi cho biết, biến đổi khí hậu theo hướng ngày càng bất lợi cho nghề nuôi nghêu. Sạt lở làm cát lấp bãi nghêu gây chết nghêu giống, thu hẹp diện tích bãi nuôi,…

Năm nay, HTX thiệt hại khoảng 40%, trôi mất gần 200 tấn nghêu. Vụ khai thác này, bà con coi như phá huề. Trụ sở của HTX cũng đã phải hai lần di dời vào sâu trong này do sạt lở quá nhanh. 

Nguồn lực không đủ

Đánh giá về sạt lở tại khu vực này, ông Nguyễn Văn Điền, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình Nông nghiệp-PTNT tỉnh Bến Tre cho biết: “Khả năng sẽ tiếp tục sạt lở, xâm thực sâu vào đất của người dân, ảnh hưởng lớn đến đời sống và sản xuất. Hiện tại, UBND tỉnh Bến Tre đã công bố tình huống khẩn cấp sạt lở bờ sông, bờ biển theo Quyết định số 2059/QĐ-UBND ngày 19/9/2019.

Tại Cồn Lợi, nếu sạt lở tiếp tục diễn biến nhanh như thời gian vừa qua, e rằng nếu mất khu vực này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến rừng đặc dụng xã Quới Điền. Do con đê này như tấm chắn cuối cùng bảo vệ khu rừng này. Kiến nghị Trung ương xem xét hỗ trợ kính phí đầu tư xây dựng giải pháp chống sạt lở, xâm thực khu vực nêu trên với kinh phí khoảng 75 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Quang Thương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Bến Tre cho biết: “Hiện nay, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, sạt lở bờ biển tại Bến Tre ngày càng nghiêm trọng. Trong đó, có nhiều điểm sạt lở cần phải xử lý cấp bách.

13-54-53_3
Công trình đê chắn sóng nhân tạo (thí điểm) bảo vệ rừng mắm tại xã Thạnh Phong (huyện Thạnh Phú).

Thời gian qua, bên cạnh các giải pháp phi công trình như vận động người dân cùng ứng phó với thiên tai, cắm biển báo sạt lở, trồng cây chắn sóng,... chúng tôi cũng đã thực hiện các giải pháp công trình. Tuy nhiên, nguồn lực thực hiện có hạn, chúng tôi cũng kiến nghị cấp trên hỗ trợ để Bến Tre khắc phục sạt lở, ứng phó với loại hình thiên tai nguy hiểm này”.

Xem thêm
4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất