| Hotline: 0983.970.780

Bệnh chổi rồng tấn công chôm chôm

Thứ Ba 29/07/2014 , 08:14 (GMT+7)

Nhà vườn trồng chôm chôm ở Vĩnh Long đang đứng ngồi không yên trước việc lây lan nhanh của bệnh chổi rồng từ cây nhãn sang cây chôm chôm.

Hiện tại, toàn tỉnh đã có khoảng 200 ha chôm chôm bị nhiễm bệnh chổi rồng từ mức 5 - 60%. Đây là con số đáng báo động và nếu không có giải pháp phòng trừ thì chôm chôm sẽ bị đốn làm củi như 1.000 ha nhãn trước đây.

Bà Nguyễn Thị Ánh, ấp Bình Thuận 2, xã Hòa Ninh (Long Hồ) có 8.000 m2 trồng nhãn tiêu da bò. Năm 2011 toàn bộ mảnh vườn bị nhện lông nhung tấn công gây bệnh chổi rồng. Thấy không thể trị được nên gia đình đã đốn hạ 3.000 m2 nhãn chuyển sang trồng chôm chôm Java. Sau 3 năm trồng, cây ra hoa chưa kịp đậu trái thì bị bệnh chổi rồng giống như cây nhãn.

“Với tình hình dịch bệnh lây lan kiểu này thì nhà vườn lấy gì có thu nhập để trang trải cuộc sống hằng ngày?", bà Ánh nói.

Ông Trần Anh Tuấn cũng ở ấp Bình Thuận 2 có 2.000 m2 vườn trồng 60 cây chôm chôm được 5 năm tuổi đã cho trái được 2 vụ, đang bị bệnh chổi rồng khá nặng. Ông Tuấn kéo bông chôm chôm xuống và nói với chúng tôi: “Mấy tháng trời tưới nước, bón phân, áp dụng xử lý cho cây ra hoa nghịch vụ bán được giá nhưng khi ra bông kiểu này thì coi như trắng tay.

Mấy chục gốc chôm chôm trong vườn đều bị nhiễm bệnh như vậy, có cây tỷ lệ nhiễm bệnh 100%. Cây chôm chôm 1 năm chỉ cho duy nhất 1 vụ trái nhưng ra hoa rồi dính chổi rồng coi như năm nay gia đình trắng tay. Cuộc sống chắc chắn sẽ gặp khó khăn vì đã mất nguồn thu nhập chính”.

"Khó khăn lớn hiện nay là diện tích nhãn nhiễm bệnh chổi rồng còn quá lớn nên có khả năng lây lang sang chôm chôm trong thời gian tới. Chính vì vậy cần phải thực hiện các giải pháp phòng trừ đồng thời trên cả 2 cây. Tiến hành thu thập thông tin và lấy mẫu để xét nghiệm tìm nguyên nhân cũng như cách phòng trị", Thạc sĩ Nguyễn Văn Liêm.

Nhìn sang những vườn chôm chôm lân cận cũng bị nhiễm chổi rồng, ông Tuấn nói: "Chẳng lẽ nhà vườn chúng tôi một lần nữa lại phải đốn bỏ chôm chôm làm củi giống như đốn hạ cây nhãn, bởi vẫn bó tay với bệnh chổi rồng. Tôi rất mong nhà khoa học sớm vào cuộc nghiên cứu để hướng dẫn bà con phòng trừ bệnh quái ác này".

Ông Nguyễn Quang Nhẫn, ấp An Hòa, xã An Bình (Long Hồ) cũng than: "Gia đình có 1,5 ha nhãn tiêu da bò thu nhập rất ổn định. Nhưng 4 năm trở lại đây thì trắng tay vì bệnh chổi rồng. Tôi đã đốn bỏ để chuyển sang trồng chôm chôm. Sau 3 năm trồng, chôm chôm vừa cho ra hoa vụ đầu tiên đã bị nhiễm bệnh chổi rồng giống như bệnh trên cây nhãn. Cây nhiễm ít thì 5 - 10%, có những cây nhiễm đến 50 - 60%.

Dịch bệnh chổi rồng đang làm cho nhà vườn nghèo dần. Nhà vườn chúng tôi đang phải chơi trò "trồng chặt" vì cây nhiễm bệnh. Bệnh chổi rồng trên nhãn chưa chữa được, nhà khoa học còn phải bó tay, bây giờ chuyển sang cây chôm chôm làm sao trị được đây?".

Ông Đoàn Ngọc Niệm, cán bộ nông nghiệp xã Hòa Ninh (Long Hồ) cho biết: "Toàn xã có 550 ha chôm chôm các loại nhưng đã có trên 126 ha bị nhiễm bệnh chổi rồng. Nhiều vườn bị bệnh chổi rồng tấn công trên 67% số cây. Chúng tôi đã báo cáo tình trạng chôm chôm nhiễm bệnh đến cơ quan chức năng cấp tỉnh".

Xã An Bình có trên 200 ha chôm chôm, nhưng 72,5 ha bị nhiễm bệnh chổi rồng, tỷ lệ nhiễm khoảng 20 - 50%. Chôm chôm bị nhiễm bệnh chổi rồng cũng giống như cây nhãn da bò. Vừa ra bông đậu thành trái là bị nhện lông nhung tấn công. Khi đó trái không lớn mà chựng lại rồi rụng...

Thạc sĩ Nguyễn Văn Liêm, Phó GĐ Sở NN-PTNT Vĩnh Long nói: "Trước tình hình bệnh chổi rồng trên cây chôm chôm đang gia tăng, Sở đã chỉ đạo Chi cục BVTV tiến hành các giải pháp phòng trị ngay từ bây giờ, cố gắng ngăn không để lây lan trên diện rộng như cây nhãn".

Xem thêm
Cục Thú y ban hành hướng dẫn phòng, chống bệnh cúm gia cầm

Cục Thú y khuyến cáo, khi phát hiện gia cầm chết hàng loạt không được giấu dịch, cần thông báo ngay cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan thú y.

Siết quản lý sâu đầu đen hại dừa

UBND tỉnh Bến Tre vừa có công văn yêu cầu các ngành, địa phương tăng cường các biện pháp quản lý sâu đầu đen hại dừa trước dấu hiệu gia tăng.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất