| Hotline: 0983.970.780

Bệnh đạo ôn hoành hành

Thứ Ba 22/05/2012 , 10:55 (GMT+7)

Sử dụng giống nhiễm, sạ dày, bón thừa phân đạm cộng với thời tiết mưa nắng thất thường khiến hàng ngàn héc-ta lúa tại An Giang nhiễm đạo ôn...

* Kiến nghị loại bỏ phân bón hữu cơ dạng lỏng “AMI AMI”

Sử dụng giống nhiễm, sạ dày, bón thừa phân đạm cộng với thời tiết mưa nắng thất thường khiến hàng ngàn héc-ta lúa giai đoạn đẻ nhánh bị nhiễm bệnh đạo ôn, nhiều nơi phải trục bỏ để ngừa lây lan.

Lo sốt vó

Suốt tuần qua, nông dân ấp Hòa Lợi 2, xã Vĩnh Lợi, huyện Châu Thành phải chạy đôn, chạy đáo tìm mua thuốc BVTV để phòng trị lúa nhiễm bệnh đạo ôn. Tình hình càng trầm trọng khi ruộng lúa 3 héc-ta của ông Hồ Văn Đền bị nhiễm rất nặng. Lo lắng bệnh phát tán sang các thửa ruộng lân cận, ông Đến bóp bụng thuê máy cày vào trục bỏ 1 ha lúa 32 ngày tuổi do bị nhiễm trên 85% diện tích. Tuy nhiên, 2 héc-ta còn lại, mức độ nhiễm bệnh cũng khá nặng, trên 50%.


Ông Đền thuê máy cày trục bỏ 3ha lúa bị nhiễm đạo ôn trên 80% diện tích

Ông Trần Trọng Trí, Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Lợi lo lắng: "Nếu trục bỏ luôn 2 héc-ta lúa còn lại, xem như hộ ông Đền mất trắng, thiệt hại khoảng 50 triệu đồng. Còn giữ lại để tiếp tục phun xịt thuốc chữa trị, may ra còn vớt vát được 50% năng suất. Tuy nhiên, tôi rất lo bệnh lây lan cho các ruộng lúa lân cận. Hiện ngành nông nghiệp cùng chính quyền địa phương đang theo dõi sát, nếu bệnh giảm dần thì giữ lại, còn nặng thêm đành phải trục bỏ".

Thạc sĩ Nguyễn Hữu An, Chi cục trưởng Chi cục BVTV tỉnh cho biết, trong tuần giữa tháng 5/2012, đã có thêm 9.800 ha lúa bị nhiễm bệnh đạo ôn, nâng tổng diện tích bị nhiễm trên 15.000 héc-ta. Bệnh bộc phát mạnh trên trà lúa từ 20-30 ngày tuổi. Qua khảo sát, các vùng lúa có diện tích bị nhiễm bệnh cao là huyện Thoại Sơn và Châu Thành, kế đến là xã Ô Long Vỹ, huyện Châu Phú và xã Vĩnh Châu, thị xã Châu Đốc.

Bệnh phát sinh nhiều trên các ruộng trồng giống lúa OM 4218 và IR 50404, đây là 2 bộ giống đã được khuyến cáo nhiễm bệnh đạo ôn cao hơn các giống lúa khác. Nguyên nhân do thời tiết thất thường như mưa nắng xen kẽ đã tạo độ ẩm cao trong ruộng lúa, nhất là ở những ruộng sạ dày, bón thừa phân đạm, bị ngộ độc hữu cơ (do khâu làm đất không kỹ) và một số vùng đất còn bị nhiễm phèn như xã Ô Long Vỹ và Vĩnh Châu làm phát sinh bệnh đạo ôn.

"AMI AMI" tác dụng ngược

Vì sao vụ hè thu năm nay bệnh đạo ôn bộc phát mạnh và lây lan nhanh ở các vùng lúa huyện Thoại Sơn và Châu Thành? Thạc sĩ Nguyễn Hữu An cho biết, qua khảo sát các xã đang có diện tích lúa bị nhiễm bệnh đạo ôn nặng như ở Vĩnh Lợi, Vĩnh Thành, Vĩnh Nhuận, Hòa Bình Thạnh, Tân Phú của huyện Châu Thành; Các xã Phú Thuận, Tây Phú, thị trấn Phú Hòa… của huyện Thoại Sơn, nhiều nông dân sử dụng phân bón hữu cơ sinh học dạng dung dịch lỏng có tên gọi “AMI AMI” có hàm lượng đạm nguyên chất rất cao, bơm trực tiếp vào ruộng lúa, gây tác dụng ngược, do thừa đạm, cộng với thời tiết thích hợp làm tăng độ ẩm trong ruộng lúa, làm phát sinh nấm bệnh đạo ôn.

Ông An giải thích: Theo khuyến cáo của chương trình “1 phải, 5 giảm”, công thức bón phân đạm từ 60N-80N/ha cho cả vụ lúa nhưng phải chia làm 3 đợt bón. Tuy nhiên, công thức của sản phẩm “AMI AMI” bón lót từ 1.500-2.500 lít/héc-ta/vụ và bón thúc lần 1 từ 500-1.000 lít/héc-ta/vụ. Trong khi thành phần đạm nguyên chất (N) có trong dung dịch phân hữu cơ sinh học dạng lỏng “AMI AMI” từ 4-5% N. Như vậy, đợt bón lót từ 1.500-2.500 lít/héc-ta đã vượt hàm lượng N cho cả vụ theo khuyến cáo của chương trình “1 phải, 5 giảm”, chưa kể đợt bón thúc từ 500-1.000 lít/héc-ta, khiến cây lúa bị bội thực phân đạm làm phát sinh bệnh”.

Tuy nhiên, ngành nông nghiệp An Giang khuyến cáo bà con nông dân nên tăng cường phun xịt thuốc điều trị. Đây là giải pháp tốt nhất, vừa ngăn ngừa bệnh lây lan, phát tán, vừa giảm thiệt hại trong sản xuất. Trừ các trường hợp khả năng bất khả kháng mới trục bỏ lúa và xem như nông dân mất trắng 100%.
Ông Trần Trọng Trí cho biết, hầu hết các ruộng lúa của nông dân tại địa phương có sử dụng phân “AMI AMI” đều “dính” bệnh đạo ôn nặng. Hiện xã đang thống kê số hộ sử dụng phân “AMI AMI” bị nhiễm bệnh đạo ôn. Ông Lê Thanh Tòng, nông dân ấp Phú Thiện, thị trấn Phú Hòa (Thoại Sơn) cho biết, khu vực này có 60-70% nông dân sử dụng phân “AMI AMI” bón cho lúa đều bị nhiễm bệnh đạo ôn nặng.

Ông Tòng canh tác 2 ha lúa và sử dụng phân đơn nhưng ruộng lúa của hai hộ lân cận bơm dung dịch phân “AMI AMI” dạng lỏng vào ruộng làm rò rỉ qua đê, khiến ruộng lúa của ông cũng bị nhiễm đạo ôn. Thạc sĩ Nguyễn Hữu An cho biết, sẽ kiến nghị Cục Trồng trọt và Bộ NN-PTNT loại sản phẩm phân bón hữu cơ sinh học dạng lỏng “AMI AMI” ra khỏi danh mục phân bón cho cây lúa.

Theo ông An, các biện pháp phòng trị bệnh đạo ôn trên những thửa ruộng đang bị nhiễm, trước hết phải ngừng ngay việc bón phân đạm, phun thuốc phòng trừ nấm đạo ôn thật kỹ theo từng đợt khuyến cáo, hướng dẫn của của cán bộ kỹ thuật nông nghiệp. Tăng cường bón phân kali nhiều hơn cho lúa, không sử dụng bất kỳ loại thuốc kích thích nào, khi vết bệnh khô mới bón phân đạm trở lại nhưng bón liều lượng vừa phải theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật nông nghiệp. Những ruộng bị nhiễm nặng với mật độ trên 50% diện tích mới tính đến việc hủy (sử dụng máy cày trục bỏ lúa).

Xem thêm
Nuôi trâu, bò vỗ béo gặp khó khi giá xuống thấp

Trước tình trạng giá trâu, bò thịt giảm, các hộ nuôi vỗ béo trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh điều chỉnh giảm số lượng nuôi, có hộ thậm chí tạm dừng.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Lúa đông xuân được mùa lớn, giá cao chưa từng thấy, nông dân vui phơi phới

Nông dân Phú Yên đang thu hoạch lúa đông xuân trong niềm vui lớn khi lúa vừa được mùa, giá lại cao chưa từng thấy.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.