| Hotline: 0983.970.780

Bệnh dịch tả vịt và tiêm phòng văcxin

Thứ Tư 27/04/2011 , 10:22 (GMT+7)

Bệnh dịch tả vịt là bệnh truyền nhiễm do herpesvirus gây ra trên vịt, ngỗng, ngan và một số loài thủy cầm hoang dã khác.

Bệnh dịch tả vịt (DTV) là bệnh truyền nhiễm do herpesvirus gây ra trên vịt, ngỗng, ngan và một số loài thủy cầm hoang dã khác.

Bệnh xuất hiện lần đầu trên thế giới vào năm 1923 ở Hà Lan. Ở Việt Nam, được phát hiện trên các đàn vịt nuôi ở Hà Nội vào năm 1969, từ đó xuất hiện rộng rãi ở nhiều tỉnh thuộc đồng bằng Bắc bộ và các tỉnh Nam bộ.

Bệnh DTV thường truyền lây do tiếp xúc trực tiếp giữa đàn vịt bệnh và vịt khỏe. Hoặc có thể do tiếp xúc gián tiếp qua môi trường có mầm bệnh như các nguồn nước, người chăn nuôi, dụng cụ chăn nuôi,... Virus DTV có trong máu, phủ tạng và các chất bài tiết như phân, nước mũi, nước mắt từ vịt bệnh hoặc từ các loài thủy cầm hoang dã di trú theo mùa có mang trùng virus DTV được bài thải ra và tồn tại trong các nguồn nước ao, hồ. Những đàn vịt cảm thụ khác đến sinh sống trên các nguồn nước này sẽ bị nhiễm bệnh. Ở ĐBSCL, bệnh DTV thường xảy ra quanh năm nhưng cao nhất từ tháng 3 đến tháng 7.

Triệu chứng: Thời gian ủ bệnh từ 3 – 7 ngày. Đầu tiên vịt bỏ ăn, uể oải, chảy nước mũi và nước mắt, niêm mạc mắt đỏ (người dân gọi là bệnh mắt đỏ), mí mắt sưng dày lên và dính liền lại, sợ ánh sáng, khó thở. Có con bị sưng phù đầu, sờ nắn thấy mềm nhũn (nên còn gọi là bệnh sưng đầu), đôi khi vùng hầu và cổ cũng bị phù.

 Vịt sốt cao 42 – 43,5o và kéo dài từ 2 – 3 ngày nên vịt khát nước và uống nhiều nuớc (do đó thường thấy xác vịt chết gần máng uống nước). Vịt tiêu chảy phân xanh dính ở hậu môn, nếu bệnh chuyển sang giai đoạn trầm trọng thì tiêu chảy phân đen do xuất huyết trong đường ruột. Trên đàn vịt đẻ, sản lượng trứng giảm trong khoảng từ 25 - 40%. Hầu hết vịt có biểu hiện của bệnh đều bị chết. Tỷ lệ vịt bệnh và chết dao động từ 5 - 100%.

Bệnh tích: Các bệnh tích điển hình của bệnh DTV là kết mạc xuất huyết, phù thũng dưới da đầu và cổ. Thực quản có xuất huyết tạo vệt dài và có màng giả một phần hay toàn bộ dọc theo nếp gấp của thực quản. Ruột có xuất huyết lấm tấm hay xuất huyết mảng, và thường có 4 vòng xuất huyết ở các tổ chức lympho của ruột. Trực tràng và hậu môn thường có xuất huyết, đôi khi có loét và có màng giả. Gan xuất huyết, có điểm hoại tử nhỏ.

Cần chẩn đoán phân biệt bệnh DTV với các bệnh tụ huyết trùng gia cầm, bệnh viêm gan do virus ở vịt, bệnh Newcastle và bệnh cúm gia cầm.

Miễn dịch: Khả năng bảo hộ vịt bao gồm miễn dịch dịch thể và miễn dịch tế bào. Tiêm vacxin DTH nhược độc sẽ tạo miễn dịch chủ động cho vịt. Ở vịt con, kháng thể thụ động truyền qua trứng giảm rất nhanh, do đó vịt con từ vịt mẹ có tiêm vacxin rất mẫn cảm với virus DTV.

Biện pháp phòng và chống bệnh:

- Phòng bệnh bằng vacxin: Do bệnh DTV không trị được bằng thuốc nên tiêm phòng vacxin DTV là biện pháp hữu hiệu nhất trong quy trình phòng chống bệnh này ở các đàn vịt. Vacxin DTV chết thì không có hiệu quả bằng vacxin sống, nhược độc thích ứng trên phôi gà. Vacxin DTV nhược độc này rất an toàn và có hiệu lực miễn dịch rất nhanh và mạnh. Vịt được tiêm vacxin DTV sẽ không bài thải virus ra môi trường và lây nhiễm cho vịt tiếp xúc.

Vừa qua, Công ty Thuốc thú y TW – NAVETCO đã hợp tác với Đại học Queensland (thuộc dự án ACIAR - Úc), nghiên cứu thành công vacxin DTV sản xuất trên môi trường tế bào xơ phôi gà một lớp. Vacxin này không những có hiệu lực phòng bệnh tốt, mà còn giảm bớt các nguy cơ lây truyền một số bệnh qua trứng vịt. Lịch tiêm phòng vacxin DTV như sau: Đối với vịt nuôi thịt nên tiêm 2 lần. Tiêm vacxin lần 1 trong khoảng từ 3 đến 5 ngày tuổi và lần tiêm 2 sau lần 1 từ 2 đến 3 tuần. Đối với vịt đẻ: tiêm lần 1 và 2 giống như tiêm vacxin cho vịt thịt và lần 3 vào lúc 5 tháng tuổi.

 Cần tiêm nhắc lại trước mỗi vụ đẻ. Vịt sẽ được bảo vệ ngay sau khi tiêm nhờ hiện tượng cản nhiễm của vacxin nhược độc. Tuy nhiên, vacxin không có hiệu quả bảo vệ đối với vịt đang ủ bệnh hoặc đàn vịt có các dấu hiệu của bệnh và có trên 50% vịt bị chết.

Xem thêm
Nghề đón 'lộc trời': [Bài 2] Đưa yến sào thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực

Yến sào được kỳ vọng là sản phẩm xuất khẩu mang lại nguồn thu lớn cho Bình Phước, sau hạt điều, cao su và sầu riêng.

Kiểm tra đột xuất cơ sở giết mổ, chợ đầu mối, trường học

TP. HCM Công tác kiểm tra sẽ được TP. HCM triển khai đồng bộ tại các cơ sở kinh doanh, giết mổ, chế biến, nhà hàng khách sạn, bếp ăn tập thể, chợ đầu mối.

Giảm hơn 70% lượng nước nhờ tưới phun tận gốc

Tại các tỉnh Tây Nguyên, rất nhiều diện tích cà phê áp dụng công nghệ tưới phun mưa tận gốc giúp giảm được hơn 70% lượng nước tưới và chi phí nhân công.