| Hotline: 0983.970.780

Bệnh lạ tấn công lúa mùa sớm ở Bắc Giang

Thứ Tư 04/08/2010 , 08:00 (GMT+7)

Bệnh lạ khiến cả chính quyền và người dân rất hoang mang.

Khoảng 60 ha lúa mùa sớm tại huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang đang bị nhiễm loại bệnh lạ khiến chính quyền và người dân ở đây rất hoang mang.

Kiểm tra tình hình phát triển của lúa.
Trao đổi với NNVN chiều 3/8, ông Nguyễn Văn Chính, Phó Chủ tịch UBND huyện Hiệp Hòa cho biết: Cách đây khoảng một tuần, một số xã đã báo cáo lên huyện hiện tượng nhiều diện tích lúa mùa sớm bị vàng lá, lụi dần rồi chết. Diện tích bị nặng nhất tập trung tại xã Hòa Sơn và Thái Sơn, khoảng 60 ha.

Tại thôn Thái Thọ, xã Thái Sơn, một trong những vùng tập trung chủ yếu của bệnh lạ trên lúa, ông trưởng thôn Hoàng Văn Minh đang rất lo lắng. Theo ông Minh thì trên tổng số diện tích canh tác vụ mùa của thôn, khoảng 55ha, đã có đến 40ha nhiễm bệnh này. Hiện bà con nông dân trong thôn đã sử dụng nhiều loại thuốc BVTV, nhưng chưa có hiệu quả. “Ban đầu, lúa chỉ bị vàng đầu lá. Chừng một ngày sau, đốm vàng lan dần xuống cả lá và xuống tận gốc. Không những thửa ruộng nhiễm bệnh nhanh, mà nó còn lây lan với một tốc độ chóng mặt sang các ruộng bên cạnh”, ông Minh cho biết.

Còn nhớ, vụ mùa năm 2009, xã Thái Sơn cũng bị nhiễm căn bệnh trên lúa tương tự thế này, nhưng nhẹ hơn và chỉ xảy ra vàng trên lá. Sau này, căn bệnh được cơ quan chức năng và các chuyên gia gọi là bệnh vàng lùn. Tuy nhiên, năm nay, diễn biến của bệnh còn nghiêm trọng hơn và tốc độ lây lan nhanh hơn. Theo ông La Văn Trọng, cán bộ khuyến nông xã Thái Sơn thì hiện căn bệnh trên đang được cán bộ kỹ thuật của ngành nông nghiệp Bắc Giang gọi là bệnh “vàng lụi”, tức là cây lúa bị vàng từ lá, lan nhanh xuống gốc rồi lụi đi. Ngay sau khi phát hiện ra bệnh, UBND huyện đã chỉ đạo các xã nắm chắc tình hình. Một mặt liên tục theo dõi diễn biến của bệnh, mặt khác “kêu cứu” sự hỗ trợ kỹ thuật từ các cơ quan chức năng tỉnh, trung ương...

Ông Chính cho biết, với sự lây lan bệnh rất nhanh như hiện nay, nếu không kịp thời có biện pháp khống chế, thì căn bệnh “vàng lụi” rất có thể sẽ khiến cho không chỉ 60ha nhiễm bệnh trên mất trắng, mà thậm chí có thể hàng nghìn ha lúa mùa sớm và muộn của huyện bị ảnh hưởng nặng nề về năng suất và chất lượng gạo thành phẩm.

Được biết, vụ mùa năm nay, toàn huyện Hiệp Hòa gieo cấy 8.000 ha lúa, trong đó chủ yếu tập trung vào trà lúa mùa sớm. Theo ông Chính, căn bệnh vàng lá lúa xuất hiện từ năm 2004, nhưng ban đầu không ảnh hưởng nhiều đến năng suất lúa nên nông dân không chú trọng phòng trừ. Tuy nhiên, từ năm 2008 đến nay, bệnh ngày một nặng và có nhiều diễn biến rất phức tạp. Vụ mùa năm ngoái, nông dân Hiệp Hòa đã mất trắng khoảng gần 10ha trong tổng số 600ha do nhiễm bệnh, số còn lại năng suất giảm từ 50 – 80% so với vụ màu 2008. “Chúng tôi đã mời chuyên gia của Bộ NN-PTNT về kiểm tra và xét nghiệm. Tuy nhiên, khoảng nửa tháng nữa mới có kết quả chính thức. Trong thời gian chờ đợi, UBND huyện cũng khuyến cáo các xã sử dụng chế phẩm Exin 4.5 HP, kết hợp với phân bón Komix Super Zinc-K, chế phẩm này đã được khẳng định hiệu quả trên bệnh lùn sọc đen tại Thái Bình và Bắc Giang vụ xuân năm ngoái”, ông Chính cho hay.

Ngoài căn bệnh vàng lụi, ở thôn Quế Sơn, xã Thái Sơn, hiện cũng đang xuất hiện tiếp một loại bệnh lần đầu tiên được phát hiện trên lúa ở đồng đất này, đó là bệnh “đốm sọc vi khuẩn”. Trà lúa mùa sớm đang phát triển bình thường, bỗng dưng lá đen lại, tốc độ lây lan cũng nhanh không kém bệnh “vàng lụi”. Tuy nhiên, căn bệnh này cũng đã bước đầu được khống chế. Hiện những diện tích lúa nhiễm bệnh “đốm sọc vi khuẩn” đã phát triển, đẻ nhánh bình thường.

Xem thêm
Chăn nuôi hướng đến hiệu quả bền vững tại Sóc Trăng

Gói giải pháp chăn nuôi toàn diện từ con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật của nhà phân phối Bích Phúc giúp nhiều nông hộ đạt lợi nhuận tốt.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.

Bình luận mới nhất