| Hotline: 0983.970.780

Bệnh lùn sọc đen đe dọa nghiêm trọng sản xuất lúa xuân 2010

Thứ Ba 09/03/2010 , 10:39 (GMT+7)

Bệnh lùn sọc đen lần đầu tiên xuất hiện và gây hại tại Thái Bình từ vụ mùa 2009, là một loại bệnh mới có nguồn gốc phát sinh từ Trung Quốc với một chủng virus mới được các nhà khoa học Trung Quốc đặt tên là Lùn sọc đen phương nam.

Lùn sọc đen phương nam đã gây hại nặng ở các tỉnh Quảng Châu, Quảng Tây và đảo Hải Nam. Trung Quốc đã cảnh báo về nguy cơ và khả năng lan rộng, gây hại nghiêm trọng của loại bệnh nguy hiểm này từ năm 2004, và nhắc lại cảnh báo về tác động của nó sẽ trầm trọng hơn đối với các nước trồng lúa trong khu vực năm 2007 (Thông tin từ tài liệu của PGS. TS Ngô Vĩnh Viễn - Viện BVTV - Viện khoa học NN Việt Nam).

Mối nguy đã thành hiện thực

Mối nguy này đã trở thành hiện thực ở Việt Nam từ vụ mùa năm 2009. Nghệ An là tỉnh đầu tiên “dính” lùn sọc đen (LSĐ) với trên 7.000 ha nhiễm bệnh và hơn 5.000 ha mất trắng, sau đó là Nam Định với gần 20 ngàn ha nhiễm bệnh ở các huyện ven biển và mất trắng gần 7.000 ha. Tại Thái Bình, các huyện ven biển Tiền Hải, Thái Thuỵ và Kiến Xương cũng đã có gần chục ngàn ha bị nhiễm bệnh này và có tới trên 3.600 ha tại Tiền Hải mất trắng hoặc cho thu hoạch không đủ công gặt.

Sau đó bệnh LSĐ đã tồn tại trên lúa chét với những triệu chứng điển hình, rồi lan truyền ra nhiều diện tích trồng ngô đông ở hầu hết các huyện, TP trong tỉnh Thái Bình, tuy mức gây hại trên ngô không lớn nhưng nó lại là cầu nối để duy trì và lan truyền bệnh LSĐ cho vụ lúa xuân. Trên mạ xuân gieo sớm, cũng đã xuất hiện các triệu chứng điển hình của LSĐ, ổ bệnh đã được phát hiện tại An Bình, Vũ Công, Vũ Quý - Kiến Xương, một điểm nhỏ ở Vũ Thư, Quỳnh Phụ... Đến thời điểm này, nhiều biểu hiện về triệu chứng hình thái của bệnh đã xuất hiện và lan nhanh trên nhiều diện tích lúa xuân và ngô xuân. Trên ngô cùng với triệu chứng của bệnh Vòi voi, thì hiện tượng “nở bụi” và sùi lá xuất hiện với tỷ lệ cây mắc rất cao tại Tân Hoà, Vũ Đoài - Vũ Thư (giống ngô nếp VN-6, MX-4 và LVN-4).

Thái Bình đã cơ bản gieo cấy xong toàn bộ trên 83 ngàn ha lúa xuân trong tháng 2 dương lịch, tuy nhiên nông dân chưa rút chân khỏi ruộng thì dịch bệnh nguy hiểm đã tới. Đến ngày 2 tháng 3, những phát hiện ban đầu của khối CBKT của ngành và trạm BVTV huyện Tiền Hải cho thấy đã có 10 HTX/45 HTX có diện tích lúa cấy trước Tết âm lịch (đầu tháng 2 DL) có triệu chứng của bệnh LSĐ, các diện tích bị đều đang giai đoạn đẻ nhánh rộ. Các xã có diện tích lúa xuân với triệu chứng lùn cây, lá xoắn, rách mép lá, đẻ nhánh dị dạng gồm: Vũ Lăng, Tây Lương, Đông Long, Đông Hải, Đông Trà, Bắc Hải, Nam Hải, XN giống Đông Cơ, Bình Định-Kiến Xương... Có tới trên 300 ha bị mức nặng với trên 10% số khóm có triệu chứng điển hình, diện tích trong vùng bị nhiễm có tới hàng ngàn ha, ở tất cả các giống nhưng nặng hơn vẫn là giống chất lượng như BT-7, T-10. Tại TP Thái Bình, bệnh cũng đã thể hiện triệu chứng với khoảng vài chục ha tại Vũ Phúc.

Đến ngày 6 tháng 3, sau khi Tỉnh tổ chức hội nghị đầu bờ lần 2 (ngày 3/3/2010) để cán bộ các cấp các ngành, các địa phương thấy được những triệu chứng gây hại của lùn sọc đen trên lúa, thì ngày 6 tháng 3 toàn tỉnh đã phát hiện LSĐ hiện diện ở nhiều xã, trên cả các giống dài ngày như VN-10, Xi23, 13/2 ở Đông Hưng, Hưng Hà, Thái Thụy. Trên giống dài ngày thì hiện tượng rõ rệt hơn vì lúa đã đẻ nhánh tối đa, nhiều ruộng đã lùn xuống từng đám loang lổ, lá xoắn và đẻ dị dạng. LSĐ thực sự trở thành mối đe dọa lớn đối với sản xuất lúa xuân 2010. Ở miền Bắc LSĐ đã xuất hiện và gây hại trên ngô đông, trên lúa của nhiều địa phương.

Một bệnh hết sức nguy hiểm

Khi mới xuất hiện, các thông tin cũng như sự hiểu biết của đại đa số chúng ta, kể cả khối cán bộ KT của ngành còn rất hạn chế, chính vậy các biện pháp triển khai ở vụ mùa, các địa phương và cả các cấp chỉ đạo cao hơn cũng chưa xác định được, chỉ đến khi bệnh lan nhanh và gây hại lớn, ngoài sự hình dung của mọi người thì LSĐ mới thực sự được các nhà quản lý quan tâm và các nhà khoa học trong nước tập trung nghiên cứu, việc nghiên cứu cũng đã sớm đưa ra kết luận khoa học do kế thừa các kết quả nghiên cứu của TQ, sự trợ giúp của các tổ chức quốc tế.

Bệnh hại mà trước đây chúng ta, các phương tiện thông tin đại chúng vẫn nói cả 3 thứ: Vàng lùn, lùn xoắn lá và LSĐ đã được xác định chắc chắn và khoa học là do virus Lùn sọc đen phương nam gây ra với môi giới truyền nguồn virus là rầy lưng trắng và rầy nâu nhỏ. Bệnh khi gây hại đã thể hiện những triệu chứng điển hình thì không có thuốc cứu để các nhánh đã nhiễm virus trở lại bình thường, cách duy nhất được khuyến cáo là hủy các cá thể này để tránh hậu họa do lan truyền. Bệnh do virus gây hại nói chung hiện chưa có thuốc đặc hiệu, và thường lan nhanh, gây hại lớn.

Dự báo và khả năng, nguy cơ gây hại: Với đặc thù của một vụ xuân ấm điển hình, thời tiết khí hậu biến đổi bất thường, thời vụ lúa lại không đồng nhất, điều kiện cần và đủ cho bệnh lây lan phát triển hội tụ đủ: Có nguồn bệnh tồn tại sẵn từ lúa mùa qua ngô đông qua mạ gieo sớm, lúa chét và hiện đang tồn tại trên lúa xuân giai đoạn đẻ nhánh, nền nhiệt cao, rầy qua đông tốt và vòng đời nhanh, lúa ở giai đoạn mẫn cảm. Vì vậy bệnh sẽ gây hại và phát tán trên diện rộng hại tất cả các trà lúa, giống lúa, bệnh sẽ tiếp tục được phát hiện ở các vùng vào thời gian tới. Nếu không có biện pháp quyết liệt thì nhiều diện tích vụ xuân 2010 sẽ mất trắng như ở vụ mùa tại Tiền Hải -Thái Bình, Nam Định và Nghệ An.

Thực tế và những diễn biến của bệnh đã được ngành NN tiên lượng và hiện nó đang trở thành mối lo ngại và sự đe dọa hiện hữu. Chúng ta và nông dân các địa phương phải hiểu được rằng, chúng ta hoàn toàn có thể chủ động phòng chống và phương châm phòng là chính, phát hiện sớm và diệt nguồn bệnh một cách triệt để. Cần bình tĩnh và từng bước thực hiện các biện pháp đã được các nhà khoa học đề xuất sau đây:

Trước hết, cần:

- Bình tĩnh xử lý, không hoang mang và càng không được chủ quan.

- Các cấp các ngành, cả hệ thống chính trị phải vào cuộc một cách quyết liệt và hiệu quả, không làm nửa vời.

- Việc xử lý để hạn chế, triệt tiêu nguồn bệnh phải dựa vào chính sức dân, nhân dân phải hiểu được mức độ nguy hiểm và kiểm tra trên mảnh ruộng gieo cấy của mình với sự giúp đỡ tư vấn của cán bộ kỹ thuật, cán bộ địa phương.

- Phải tập trung nguồn lực, vật lực để xử lý trên cơ sở không để nguồn bệnh tồn tại, không cho môi giới sống sót để truyền bệnh - Làm đồng bộ trong toàn vùng, làm ngay và làm sớm không để lan rộng, không để bệnh gây hại đến giai đoạn sau.

Về kỹ thuật:

LSĐ được xác định véc tơ lan truyền và gây bệnh gồm: Nguồn virus gây bệnh, có trên cây lúa, ngô, cỏ lồng vực, cỏ lác... đã tồn tại từ trước - nguồn virus này được truyền qua rầy di trú và chủ yếu từ đảo Hải Nam, Quảng Tây, Quảng Châu - TQ sang Việt Nam qua các cơn bão nhiệt đới, gió mùa...

Điều kiện cần và đủ để bệnh phát sinh lây lan và gây hại gồm: Nguồn bệnh, môi giới truyền bệnh và ký chủ (lúa) nhất là ký chủ không đầy đủ sức kháng cự.

Giải pháp kỹ thuật hạn chế và không cho bệnh gây hại nghiêm trọng là:

1. Cắt và tiêu diệt nguồn bệnh: Trên các cánh đồng, các chân ruộng đã có cây với các triệu chứng điển hình phải được chính nông dân – những chủ nhân gieo cấy của mảnh ruộng theo dõi, phát hiện và xử lý bằng cách nhổ bỏ cây bệnh và vùi xuống bùn, việc nhổ bỏ phải được làm thường xuyên trong vòng từ 7-10 ngày, 3-4 ngày kiểm tra một lần để đảm bảo không để sót cây bệnh, nhổ kịp thời ngay những cây phát sinh triệu chứng muộn hơn.

2. Tiêu diệt môi giới truyền bệnh: Phun phòng trừ rầy bằng các loại thuốc nội hấp theo khuyến cáo của BVTV.

3. Tăng cường sức khỏe cho cây lúa bằng các biện pháp chăm sóc, bón phân cân đối hợp lý, tưới nước đúng kỹ thuật, quần thể ruộng lúa khỏe mạnh sẽ chống đỡ tốt với bệnh hại. Phần này Sở NN&PTNT đã có hướng dẫn bằng văn bản cho từng trà, giống.

Giải pháp tổ chức chỉ đạo:

- Giải pháp về thông tin tuyên truyền: Phải huy động tổng lực các kênh thông tin: Đài PTTH tỉnh, huyện, đài truyền thanh xã phát liên tục với thời lượng tối đa về sự nguy hiểm đe dọa từ bệnh LSĐ, biện pháp xử lý và các biện pháp chăm sóc liên quan. Việc tuyên truyền phải đảm bảo để các địa phương xử lý bình tĩnh, nếu phát hiện sớm, xử lý ngay thì rất hiệu quả.

- Các đoàn thể và ban ngành, các địa phương vào cuộc để chỉ đạo, hướng dẫn nông dân thực hiện các giải pháp kỹ thuật đã được triển khai.

- Ngành NN&PTNT tăng cường cán bộ kỹ thuật xuống cơ sở, ưu tiên cho các vùng trọng điểm với nguy cơ cao của LSĐ, bám sát đồng ruộng, tuyên truyền hướng dẫn nông dân thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật; theo dõi chặt chẽ diễn biến của bệnh đặc biệt chu kỳ phát sinh của tập đoàn rầy, xử lý ngay khi phát hiện có rầy cũng như các đối tượng sâu bệnh hại khác.

- Đề nghị Bộ NN&PTNT thống nhất quy trình xử lý và triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống. Cơ chế chính sách hỗ trợ nông dân và có sự chỉ đạo đồng bộ để khi bệnh mới xuất hiện các địa phương cùng vào cuộc để ngăn chặn kịp thời loại bệnh mới hết sức nguy hại này.

Xem thêm
Hơn 200 đơn vị tham gia Triển lãm công nghệ, dịch vụ cho thú cưng

TP.HCM Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng tại Việt Nam - Petfair Vietnam và Livestock Vietnam 2024 được tổ chức tại SECC, quận 7, TP.HCM.

Hồi sinh giống lúa đặc sản nếp cái hoa vàng Kinh Môn

Hải Dương Giống lúa nếp cái hoa vàng Kinh Môn sau phục tráng cho năng suất và giá trị kinh tế cao hơn so với nếp cái hoa vàng thông thường.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất