| Hotline: 0983.970.780

Bệnh mùa tựu trường

Thứ Ba 24/08/2010 , 10:54 (GMT+7)

Thời tiết giao mùa nhiệt độ và độ ẩm thay đổi nhiều nên những người có sức đề kháng thấp rất dễ mắc bệnh. Oái oăm thay, đấy cũng là mùa tựu trường, bước vào năm học mới.

Cảnh quá tải thường xuyên tại khoa hô hấp Bệnh viện Nhi đồng 1 – TP HCM

Thời tiết giao mùa nhiệt độ và độ ẩm thay đổi nhiều nên những người có sức đề kháng thấp rất dễ mắc bệnh. Oái oăm thay, đấy cũng là mùa tựu trường, bước vào năm học mới. Các bệnh phổ biến là bệnh hô hấp, bệnh đường tiêu hóa. Ngoài ra, hàng loạt trẻ mắc phải một số bệnh dịch lây lan nhanh trong mùa này như sốt xuất huyết (SXH), tay chân miệng (TCM).

Dịch bệnh tăng cao

Cứ chuẩn bị bước vào tháng 9 là các bệnh dịch như SXH, TCM lại tăng cao do những biến đổi thời tiết bất thường của mùa mưa. Dù Trung tâm y tế dự phòng đã chuẩn bị các phương án phòng chống SXH, nhưng số ca mắc SXH tại TP.HCM tăng gấp đôi so với tháng trước, trung bình mỗi tuần có khoảng 200 ca mắc mới. Lý giải điều này, bác sĩ Nguyễn Đắc Thọ, phó giám đốc Trung tâm y tế dự phòng TP.HCM cảnh báo, hiện nay các loại dịch bệnh đang bùng phát, có nguy cơ gia tăng trên địa bàn khi mùa mưa tới. Số trẻ mắc bệnh SXH nhập viện tại các bệnh viện Nhi Đồng 1 và Nhi Đồng 2 luôn ở mức cao. Số trẻ SXH nằm điều trị tại BV Nhi đồng 2 dao động 40-50 trẻ/ngày, trong đó nhiều ca bệnh nặng. Còn tại khoa SXH Bệnh viện Nhi Đồng 1, số trẻ SXH nằm điều trị luôn ở mức hơn 100 trẻ/ngày. Theo bác sĩ Lê Bích Liên - phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM, có tới 60% bệnh nhi là từ các tỉnh chuyển lên.

TS.BS Lê Trường Giang, PGĐ Sở y tế TP.HCM nhấn mạnh: Sốt xuất huyết chỉ lây qua đường muỗi chích. Để phòng ngừa bệnh đạt hiệu quả cao chỉ có diệt bọ gậy, diệt muỗi trong và xung quanh nhà, nếu không có muỗi hay bọ gậy thì không có bệnh SXH. Ngoài ra, gia đình cần chú ý nguyên tắc cho trẻ ngủ mùng (màn) để tránh bị muỗi cắn.

Đặc biệt năm nay bệnh TCM vào mùa sớm hơn so với mọi năm. Cao điểm của bệnh là tháng 9 tuy nhiên năm nay số trẻ mắc bệnh TCM nhập viện đã tăng từ cuối tháng 7. Triệu chứng của bệnh TCM là sốt cao, nổi bóng nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, trong miệng. Hiện nay bệnh này chưa có vacxin phòng ngừa cũng như thuốc đặc trị. Giữ vệ sinh cho trẻ - từ ăn uống đến vệ sinh thân thể, môi trường xung quanh - là cách phòng ngừa hữu hiệu nhất. Khi thấy trẻ mắc bệnh nên cho nghỉ học để tránh lây cho các bạn khác. Trẻ đã mắc bệnh mà có những biểu hiện như khó ngủ, giật mình, quấy khóc, yếu tay, yếu chân, nôn ói... nhiều cần đưa đến bệnh viện ngay vì đây là những biểu hiện trở nặng.

Bệnh không lạ nhưng tỷ lệ nhiễm cao

Th.S, BS Lê Long Hải, Trưởng khoa Tai Mũi Họng Trung tâm Nhi khoa Nancy cho biết: Trước và sau nhập học, số trẻ đến khám bệnh tăng vọt không chỉ ở các bệnh viện chuyên khoa mà các phòng khám đa khoa, phòng mạch tư đều tăng đột biến. Hầu hết là những bệnh lây qua đường hô hấp như nhiễm siêu vi, viêm đường hô hấp, sởi, thủy đậu, ho gà, quai bị, rubella... Hầu hết các bệnh có một triệu chứng chung là… sốt. Nhiều người bảo nhau, vào viện mà tìm không ra nguyên nhân thì được nghe BS “phán” nhiễm siêu vi. BS Lê Long Hải cho biết: Nhiễm siêu vi có từ lâu và dân gian gọi nôm na là bệnh cúm. Triệu chứng bệnh sốt nhẹ, đôi khi sốt cao, ho, sổ mũi, hắt hơi. Thông thường người bệnh sẽ tự khỏi sau vài ngày. Tùy theo sức khỏe mỗi người mà bệnh biến chứng nặng nhẹ khác nhau. Các biến chứng thường gặp là viêm mũi, viêm xoang, viêm phổi.

Các bệnh đường hô hấp lây cực nhanh trong môi trường tập trung đông, đặc biệt với đối tượng trẻ nhỏ dưới 3 tuổi có sức đề kháng thấp. Điều dễ hiểu bởi bệnh lây nhiễm qua những giọt dịch tiết hô hấp chứa siêu vi bắn ra mỗi khi trẻ bệnh ho, hắt hơi, nói chuyện, khóc la. Siêu vi cũng từ đó bám vào các vật dụng, đồ chơi, lây trực tiếp hay qua tay khi trẻ dùng tay quệt mũi, dụi mắt, mút tay.

Hầu hết các bệnh này đã có vacxin phòng ngừa, do vậy trước khi cho trẻ nhập học, phụ huynh nên đưa trẻ đi chủng ngừa. Cũng theo BS Long Hải, biện pháp phòng bệnh hữu hiệu cho trẻ em nói riêng và cả người lớn nói chung là luôn giữ ấm chân khi thời tiết chuyển mùa. Cho trẻ mang tất ấm khi đi ngủ, mặc áo quần dài bằng chất liệu thấm mồ hôi như cô-tông. Ngoài ra để phòng các biến chứng viêm mũi, viêm xoang khi nhiễm bệnh hô hấp nên thường xuyên rửa mũi bằng nước muối sinh lý.

Chú ý bệnh dễ biến chứng

Bệnh phổ biến khi thời tiết thay đổi là viêm họng. Triệu chứng sốt, đau họng, nuốt khó, buồn nôn và nôn ói. Bệnh viêm họng do vi trùng Streptococcus bêta tan huyết nhóm A gây ra. Th.S, BS Phạm Ngọc Thạch, khoa Niệu ngoại BV Nhi đồng 2 nhấn mạnh vi trùng này cũng gây biến chứng viêm cầu thận cấp. Do vậy, sau một tuần bị viêm họng, nếu thấy tiểu ra máu, phù và cao huyết áp cần nghĩ đến bệnh viêm cầu thận cấp mà nhập viện để điều trị và theo dõi kịp thời. Quan trọng hơn nữa là khi trẻ sốt cao, đau họng nên đưa đi bác sĩ khám để điều trị kịp thời, tránh biến chứng.

Những người bị viêm mũi dị ứng sẽ luôn dễ nhiễm bệnh mỗi khi thời tiết chuyển mùa. Sổ mũi, hắt hơi, ngứa mũi do dị ứng với thời tiết lạnh là triệu chứng biểu hiện của bệnh. Hướng dẫn trẻ rửa mũi bằng nước muối sinh lý nhiều lần trong ngày, lau mũi bằng khăn giấy, giữ ấm cơ thể.

Ngoài ra còn có các bệnh như viêm phế quản, viêm thanh quản. Bệnh do siêu vi trùng VRS gây ra thường vào lúc trời trở lạnh. Đây là những bệnh nặng, cần được bác sĩ khám, theo dõi hằng ngày. Nếu trẻ khó thở thường phải nhập viện. Bệnh có thể có biến chứng viêm phổi nặng, xẹp phổi và ngưng thở nếu không được chăm sóc tích cực, kịp thời.

Một căn bệnh dễ trở nặng thường xảy ra ở những người có tiền sử gia đình là bệnh hen suyễn. Người bệnh cần được bác sĩ khám ngay và điều trị đặc hiệu cắt cơn khó thở. Sau đó phải được theo dõi, điều trị duy trì, điều trị phòng ngừa để bệnh ổn định.

Thời tiết lúc chuyển mùa thường lạnh về giữa đêm và sáng nhưng lại nóng vào buổi trưa. Biện pháp phòng bệnh chung là uống nhiều nước, ăn nhiều trái cây, rau củ để tăng cường sức đề kháng. Rửa mũi bằng nước muối sinh lý khi bị cảm cúm. Với trẻ em cần nhắc nhở rửa tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh và chơi đùa, nghịch bẩn, sau khi xì mũi... Khi trẻ bị ốm nên cho nghỉ học để được chăm sóc, theo dõi và tránh lây lan trong nhà trường. Tránh tiếp xúc với người bị ho cảm. Vệ sinh, lau dọn nhà cửa thường xuyên, giảm thiểu bụi bẩn gây dị ứng.

Xem thêm
Di căn gan chiếm 25% trường hợp ung thư đại trực tràng

TP.HCM Di căn gan là di căn xa thường gặp nhất, chiếm 25% các trường hợp ung thư đại trực tràng. Mỗi năm Việt Nam ghi nhận khoảng 16.000 ca ung thư đại trực tràng mới.

Điều trị suy tim sung huyết

Mục tiêu của điều trị suy tim sung huyết là để tim đập hiệu quả hơn giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng của cơ thể.

Đối tượng nào cần xét nghiệm tiền đái tháo đường?

Bộ Y tế khuyến cáo, phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ thì cần phải theo dõi lâu dài, thực hiện xét nghiệm ít nhất 03 năm/lần.

Kháu Vài Lèng bị giả mạo, Lương y Mạc Văn Minh kêu cứu

Kháu Vài Lèng, bài thuốc điều trị sinh lý nam giới của Lương y Mạc Văn Minh đang bị các đối tượng xấu làm giả, bán trục lợi, ảnh hưởng đến uy tín sản phẩm.

Bình luận mới nhất