| Hotline: 0983.970.780

Thứ Ba 22/01/2019 , 06:30 (GMT+7)

06:30 - 22/01/2019

Bệnh nhân khốn khổ vì 40% toa thuốc sai sót

Tại Hội nghị dược lâm sàng vừa diễn ra tại Hà Nội, các chuyên gia y tế đã cung cấp con số thống kê: qua khảo sát 5.300 toa thuốc của hai bệnh viện công lập, thì có 2.000 toa thuốc sai sót.

Nghĩa là gần 40% toa thuốc được bác sĩ kê cho bệnh nhân lại sai cách dùng, sai thời điểm dùng, hoặc sai nhóm thuốc. Toa thuốc không có khả năng chữa bệnh, quả là chuyện đáng giật mình. Bên cạnh trình độ hạn chế của đội ngũ bác sĩ, còn phải đề cập đến yếu tố… lợi ích. Bởi lẽ, qua khảo sát tại 10 tỉnh thành trên cả nước, ngành y tế còn phát hiện 66% toa thuốc có kê vitamin, thực phẩm chức năng hoặc các biệt dược đắt tiền không cần thiết!

Ảnh minh họa

Ai cũng biết, toa thuốc có ý nghĩa rất quan trọng đối với bệnh nhân. Thế nhưng, hiện nay vẫn chưa có một cơ chế nào để giám sát chất lượng toa thuốc. Bệnh nhân cứ cầm toa thuốc của bác sĩ để đi mua, mà không thể nào biết rủi ro đang rình rập từ sự thờ ơ hoặc sự toan tính ở chính những người khoác áo blouse trắng. Trước đây, bác sĩ kê toa thuốc bằng thứ chữ viết không ai đọc được, ngoài vài nhân viên bán thuốc nơi nhà thuốc có quan hệ thân thiết mà bác sĩ chỉ định đến đó mua. Vì sao như vậy? Vì mỗi toa thuốc đều được nhà thuốc tính huê hồng cho bác sĩ. Bây giờ, toa thuốc được vi tính, bệnh nhân có thể đọc được nhưng cũng không thể đo lường những thủ thuật khác của bác sĩ, nhằm liên kết với các hãng dược móc túi khách hàng. Vitamin không tác dụng điều trị bệnh, thực phẩm chức năng không hỗ trợ điều trị bệnh và các loại biệt được không trực tiếp điều trị bệnh, vẫn xuất hiện trên toa thuốc, thì nỗi ám ảnh về sự xuống dốc y đức cũng phơi bày!

Một toa thuốc đúng nghĩa, phải hiển thị đầy đủ tên tuổi, giới tính, địa chỉ của người bệnh, đồng thời cũng phải có tên tuổi, địa chỉ, chữ ký, ý kiến tư vấn cụ thể của bác sĩ. Thậm chí, số điện thoại của bác sĩ cũng là một yếu tố phải ghi vào toa thuốc, để dược sĩ có thể trao đổi khi nảy sinh thắc mắc về một số loại thuốc không rõ ràng theo phác đồ điều trị. Hiện tại, rất ít những toa thuốc đáp ứng những yêu cầu cơ bản trên, nên rất nhiều bệnh nhân dù tốn tiền vẫn không bình phục!

Năm 2019, ngành y tế triển khai kiểm soát mạng lưới nhà thuốc thông qua phần mềm công nghệ riêng. Nếu doanh thu từng ngày và số thuốc từng loại của mỗi nhà thuốc được theo dõi chặt chẽ, thì tại sao lại thả nổi toa thuốc của bác sĩ? Muốn toa thuốc vừa đúng vừa đủ để điều trị cho bệnh nhân, hãy áp dụng quy định nhà thuốc nhập liệu luôn toa thuốc của bác sĩ vào hệ thống máy tính. Khi toa thuốc được công khai thì bác sĩ không thể dùng tiểu xảo để bắt ép bệnh nhân phải mua và uống những loại thuốc không liên quan đến căn bệnh của họ. Mặt khác, thông qua toa thuốc, mỗi cơ sở y tế cũng đánh giá được từng bác sĩ có thái độ “lương y như từ mẫu” ra sao.