Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, trong chùm ca bệnh bị ngộ độc sau ăn món cá chép muối chua thì có ba trường hợp nặng đã được chỉ định truyền Botulism Antitoxin Heptavalent (BAT), thuốc giải ngộ độc tố Clostridium Botulinum, 2 trường hợp còn lại tiếp tục theo dõi sát tình trạng để quyết định có sử dụng BAT hay không.
"Cả 3 trường hợp bệnh nhân nặng sau khi được truyền thuốc giải độc BAT đều có cải thiện bước đầu khá tốt. Hiện tại đã rút nội khí quản 1 trường hợp, 1 trường hợp tiên lượng có khả năng rút nội khí quản trong 1 đến 2 ngày tới. Chỉ còn 1 ca tiên lượng dè dặt", Bác sĩ Trần Thanh Linh, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy thông tin.
Trường hợp thứ nhất là bệnh nhân H.V.Đ (57 tuổi, ngụ Phước Kim, Phước Sơn, Quảng Nam). Ngày 18/3, bệnh nhân lơ mơ, tiếp xúc kém, liệt hoàn toàn, thở máy, không có nhịp tự thở, bệnh nhân được truyền BAT. 10 giờ ngày 19/3, bệnh nhân gọi hỏi biết, thực hiện được y lệnh chậm; sức cơ tứ chi 2/5, có nhịp tự thở yếu. Đến ngày 20/3, bệnh nhân lơ mơ, còn dùng an thần; mạch 70 lần/phút; nhiệt độ 39 độC; hHuyết áp 120/70 mmHg; SpO2 98%; cơ lực 2 bên cải thiện hơn, sức cơ 3/5; tiên lượng dè dặt.
Các bác sĩ đánh giá, bệnh nhân Đ là trường hợp bệnh nhân bị ngộ độc nặng nhất hiện tại, tình trạng bệnh có cải thiện sau 20 giờ truyền thuốc giải độc. Tình trạng sức cơ bệnh nhân có cải thiện, tuy nhiên còn phụ thuộc máy thở, hiện tại viêm phổi liên quan thở máy, đã chuyển đổi kháng sinh hướng viêm phổi bệnh viện.
Một trong những khó khăn trong việc điều trị là kháng sinh hướng điều trị nhiễm khuẩn đa kháng tại bệnh viện này hiện không đủ.
Trường hợp thứ hai là H.V.Đ (26 tuổi, ngụ Phước Kim, Phước Sơn, Quảng Nam). Ngày 18/3, bệnh nhân tỉnh đừ, tiếp xúc chậm, yếu tứ chi sức cơ 2/5. Suy hô hấp, thở máy, có nhịp tự thở rất yếu và được truyền BAT lúc 19 giờ 56 phút cùng ngày. Đến 10 giờ ngày 19/3, bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, thực hiện y lệnh chính xác, nhanh; sức cơ tứ chi 4/5. Có nhịp tự thở khá hơn.
Đến ngày 20/3, bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc được, thực hiện được y lệnh, đã ngưng an thần; Mạch 85 lần/phút; nhiệt độ 37 độ C; huyết áp: 130/80 mmHg; SpO2 99%; Nuốt được, mở miệng 4 cm; cơ lực 2 bên 4/5; tiên lượng khá.
Theo các chuyên gia Bệnh viện Chợ Rẫy, đây là trường hợp ngộ độc nặng có cải thiện tốt sau truyền thuốc giải độc, có khả năng khởi động cai máy thở. Tình trạng sức cơ có cải thiện, đang chuyển sang chế độ thở CPAP để bệnh nhân tự thở, kế hoạch cai máy trong 1-2 ngày tới.
Trường hợp thứ ba là H.T.T (37 tuổi, ngụ Phước Chánh, Phước Sơn, Quảng Nam). Ngày 18/3, bệnh nhân tỉnh đừ, tiếp xúc chậm, yếu tứ chi, sức cơ 1/5 - 2/5, suy hô hấp, thở máy, có nhịp tự thở rất yếu; rối loạn nhịp tim chậm, đang được đặt máy tạo nhịp. Bệnh nhân được truyền BAT lúc 20 giờ, kết thúc truyền lúc 21 giờ;
Đến 10 giờ ngày 19/3, bệnh nhân T. tỉnh, tiếp xúc tốt, thực hiện y lệnh chính xác, nhanh. Sức cơ tứ chi 4/5. Có nhịp tự thở khá hơn. Đã giảm ngưỡng kích máy tạo nhịp. Đến ngày 20/3, bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc được, thực hiện được y lệnh, đã ngưng an thần; mạch 70 lần/phút; nhiệt độ 37 độ C; huyết áp 140/80 mmHg; SpO2 100% và được rút ống nội khí quản, ngưng thở máy, thở oxy qua mask 5L/p.
Bác sĩ đánh giá, bệnh nhân T. hồi phục tốt, đã cai máy và rút ống nội khí quản sáng nay và sẽ tiếp tục được theo dõi sát hô hấp sau rút ống nội khí quản.
Trường hợp thứ 4 và thứ 5 là H.T.M (24 tuổi) và H.T.C (12 tuổi) cùng ngụ tại Phước Kim, Phước Sơn, Quảng Nam. Hai bệnh nhân này bị ngộ độc Botulinum mức độ nhẹ, không có chỉ định truyền BAT. Ngày 19/3, cả hai bệnh nhân tỉnh, thấy khoẻ hơn, sinh hiệu ổn, hiện sức cơ tứ chi 4/5-5/5, không khó thở, không nuốt khó. Đến 20/3, cả 2 bệnh nhân trên đều có tiến triển ổn định, hiện sức cơ bình thường, ngưng oxy, ăn qua miệng.