| Hotline: 0983.970.780

Bệnh thán thư hại xoài

Thứ Sáu 02/05/2014 , 07:05 (GMT+7)

Bệnh do nấm bất toàn Colletotrichum gloeosporioides Penzig gây ra. Nấm chủ yếu gây hại chính trên các phần non của cây như chồi, lá, cành non...

Thán thư là bệnh quan trọng và gây hại phổ biến trên xoài, nhất là vườn ít được chăm sóc. Bệnh do nấm bất toàn Colletotrichum gloeosporioides Penzig gây ra, giai đoạn toàn khuẩn là Glomerella cingulata ( Stonem) Spauld & Schrenk.

Nấm chủ yếu gây hại chính trên các phần non của cây như chồi, lá, cành non vào giai đoạn ra lá, trên bông và trái vào giai đoạn ra bông, tạo trái. Do thích ẩm, lây lan nhanh nhờ nước nên nấm phát triển rất nhanh khi trời nóng ẩm nhất là sau khi mưa hoặc trời lạnh, sáng có nhiều sương. Các bộ phận của cây bị bệnh rơi xuống đất là nguồn lây nhiễm khi gặp điều kiện thích hợp.

nh-crbenzim-500fl-100ml105342153

Triệu chứng

Trên lá, nhất là lá non, khởi đầu xuất hiện các đốm nhỏ, sau lớn dần có dạng tròn hay góc cạnh, tâm xám nâu, rìa vàng nhạt. Trên lá già, vết bệnh khô và rách ngay giữa, nếu nhiễm nặng, khoảng 3 - 5 ngày sau khi nhiễm bệnh, các đốm bệnh liên kết lại thành từng mảng lớn làm lá nhăn, vặn xoắn, khô, rách và rụng.

Trên cành non bị bệnh, xuất hiện các đốm bệnh không đều, nếu nhiễm nặng, các đốm liên kết lại bao quanh cành non gây chết đọt.

Trên bông, nấm có thể lây nhiễm trên mầm, cuống và cả chùm bông làm bông khô đen, rụng.

Trái xoài có thể bị nhiễm bệnh từ khi bắt đầu tạo trái cho đến khi chín, nếu bệnh xảy ra ngay giai đoạn tạo trái có thể khiến trái rụng. Triệu chứng bệnh điển hình là trên da trái lúc đầu xuất hiện các đốm tròn, đen, lõm rồi lớn dần có vân đồng tâm. Hình dạng và kích thước đốm bệnh thay đổi.

Nếu mưa nhiều, bào tử theo nước tập trung ở chóp trái làm chóp bị thối hoăc có sọc đen từ chóp đến cuống, phần thịt trái bên dưới các đốm trở nên cứng, thối nhanh khi chín, trái bị bệnh mất giá đôi khi phải loại bỏ. Trên trái già, bào tử nấm xâm nhập qua sẹo cuống rồi ăn sâu vào phần thịt trái bên trong. Trong điều kiện ẩm, trên vết bệnh ta thấy có bào tử màu hồng.

Phòng trị

Vệ sinh vườn: Thu gom và đốt lá, cành khô, trái rụng trong vườn. Dọn sạch cỏ dại mọc dưới tán cây để vườn thông thoáng và giảm độ ẩm chung quanh và dưới tán cây vì ẩm độ cao sẽ tạo điều kiện để nấm bệnh, vi khuẩn phát triển.

Tỉa cành: Tỉa cành để vườn thông thoáng, ánh nắng có thể xâm nhập vào bên trong tán cây, ngoài ra tỉa cành còn giúp khống chế chiều cao cây, thuận lợi cho việc chăm sóc, thu hoạch.

Tránh xử lý ra bông vào mùa mưa vì bệnh thán thư thường xảy ra trong điều kiện ẩm độ cao.

Bao trái: 45 - 50 ngày sau xử lý ra hoa hay khi trái to cỡ quả trứng, nên bao trái để ngừa bệnh thán thư và các loại côn trùng gây hại khác.

Khi xoài đang ra bông hay trái bắt đầu phát triển, nếu trời mưa, đợi đến khi cây ráo nước, tiến hành phun thuốc trừ bệnh thán thư. Bệnh thán thư cần được phát hiện và phòng trừ sớm bằng các thuốc đặc trị gốc Carbendazim (Carbenzim 500FL, Saipora 350SC); Thiophanate methyl (Thio M 20WP). Chú ý nên phun sớm trước khi trổ bông 2 - 3 tuần, nếu cần, định kỳ 5 - 7 ngày phun một lần cho đến khi thu hoạch. Không nên phun thuốc trừ bệnh khi xử lý ra bông vì chất xử lý ra bông tạo môi trường thuận lợi cho nấm phát triển.

Cần luân phiên thuốc để hạn chế nấm kháng thuốc, nếu được pha thêm chất bám dính và chất loang trải để gia tăng hiệu quả trừ bệnh của thuốc. Để ngừa bệnh thán thư và giúp trái sạch, đẹp, sau khi thu hoạch có thể nhúng trái vào nước nóng 51 - 53 độ C trong 10 phút, sau đó lau khô, bao trái bằng giấy sạch, rồi tồn trữ trong sọt, hộp.

Xem thêm
Huấn luyện kỹ năng phòng, chống bệnh dại

CẦN THƠ Ngày 16/4, Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP. Cần Thơ phối hợp với Sở Y tế, Trường Nông nghiệp (Đại học Cần Thơ) tập huấn phòng, chống bệnh dại trên động vật.

Bình Định lên phương án né hạn cho vụ hè thu

Bình Định đang lên phương án chủ động ứng phó với tình hình hạn hán, tập trung vận động người dân tiết kiệm nước để đảm bảo thắng lợi vụ hè thu 2024.

Tưới tiết kiệm: Khó khăn trước mắt, lợi ích dài lâu

Đầu tư cho hệ thống tưới tiết kiệm có thể tốn kém trước mắt cho nhà nông, song sẽ mang lại nhiều lợi ích dài lâu.