| Hotline: 0983.970.780

Bệnh viện trăm tỷ xuống cấp

Thứ Sáu 12/06/2015 , 06:15 (GMT+7)

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau được đầu tư xây dựng với kinh phí 239 tỷ đồng nhưng chỉ sau 6 năm đưa vào sử dụng, công trình đã có nhiều khoa, phòng xuống cấp trầm trọng.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau được đầu tư xây dựng với kinh phí 239 tỷ đồng, quy mô 500 giường bệnh, nhưng chỉ sau 6 năm đưa vào sử dụng, công trình đã có nhiều khoa, phòng xuống cấp trầm trọng, gây tâm lý bất an cho cả nhân viên y tế và người bệnh.

Bệnh viện được khởi công xây dựng vào năm 2000, dự kiến hoàn thành sau 3 năm, nhưng đến năm 2009 mới hoàn thành. Việc kéo dài thời gian thi công không chỉ làm đội số tiền đầu tư, mà còn làm nhiều hạng mục  công trình bị xuống cấp nhanh do phơi mưa nắng lâu ngày.

Công trình do Công ty CP Đầu tư xây dựng Cà Mau thi công, hiện đang bị xuống cấp ở hàng loạt hạng mục: Trần nhà có nhiều vết bong tróc, nguy cơ sập trần luôn đe dọa, nhiều cột bị nứt, cốt thép bị ăn mòn, hoen rỉ từ bên trong…

Trước thực trạng trên, UBND tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo ngành chức năng thành lập đoàn công tác kiểm tra thực tế. Theo báo cáo của đoàn kiểm tra, tại dãy nhà kỹ thuật nghiệp vụ có những biểu hiện xuống cấp về chất lượng nhanh hơn những hạng mục công trình khác.

 Phần bê tông cốt thép của sàn, cột đang bị phá vỡ do cốt thép bị rỉ sét từ bên trong làm qúa trình xuống cấp diễn ra nhanh hơn. Ngoài ra, tại tầng 1,2,3 của dãy nhà kỹ thuật nghiệp vụ có nhiều nơi hư hỏng, lớp vữa trát trần và bê tông bảo vệ ở nhiều vị trí rơi xuống…

Điều khá bất ngờ là bệnh viện được đưa vào sử dụng năm 2009, nhưng ngay từ cuối năm 2008 đã có nhiều hạng mục của công trình bị hư hỏng như lớp bê tông bảo vệ của các cấu kiện cột – đà hành lang, cầu thang bị bong vỡ. Tiếp đến năm 2011, bị bong lớp vữa sàn khu kỹ thuật (dưới phòng mổ) do cốt thép bị rỉ từ bên trong.

Ngay sau đó Công ty CP Đầu tư xây dựng Cà Mau đã tiến hành sửa chữa (do còn thời gian bảo hành), nhưng chất lượng cũng không duy trì được lâu.

09-50-58_3
Hiện tại bác sĩ và người bệnh phải chấp nhận ở nơi có gắn bản cảnh báo nguy hiểm

Ông Trần Lĩnh Trang, GĐ Ban quản lý dự án công trình xây dựng tỉnh Cà Mau cho biết: “Đơn vị đang tiến hành sữa chữa theo hồ sơ. Hiện khoa Chẩn đoán hình ảnh về cơ bản đã đảm bảo độ an toàn. Tuy nhiên, công trình vẫn chưa thể hoàn thành vì thời gian sửa chữa không liên tục. Nguyên nhân là do khi bác sĩ điều trị cho bệnh nhân thì công việc sửa chữa phải dừng lại”.

Để đảm bảo an toàn, tỉnh Cà Mau yêu cầu bệnh viện nhanh chóng di dời các phòng - khoa và các bộ phận kỹ thuật (có ít nhất 6 khoa bị ảnh hưởng do chất lượng công trình kém thời điểm năm 2014) đang hoạt động trong hạng mục công trình nhà kỹ thuật nghiệp vụ, nhằm bảo đảm an toàn.

Riêng khoa giải phẫu, do tính chất phức tạp trong công việc, phải bảo đảm vô trùng và có nhiều trang thiết bị kỹ thuật đi kèm nên có thể giữ lại hoạt động trong thời gian sửa chữa, nhưng phải khẩn trương làm hàng rào che chắn cách ly với khu vực sửa chữa.

Đồng thời, UBND tỉnh có chủ trương cho bệnh viện thuê lại mặt bằng cơ sở hạ tầng của khu dịch vụ để hoạt động. 

Trong thời gian chờ sửa chữa, các y bác sĩ và bệnh nhân tại khoa chẩn đoán hình ảnh phải chấp nhận làm việc ở khu vực gắn bảng “nguy hiểm cấm lại gần”. Một bác sĩ làm việc tại đây than: “Do đặc thù của khoa nên không thể di dời, chứ hàng ngày phải làm việc trong khu vực này, chúng tôi sợ lắm!”.

Theo các bác sĩ, hiện chỉ có phòng hành chính của khoa là được che chắn, còn lại các phòng khác thì không, nên nỗi lo càng tăng. Bên trong phòng chụp X-quang tuy được đóng kín, song thỉnh thoảng máy chụp ảnh vẫn bị nhiễu do tác động của máy móc phục vụ sửa chữa ở tầng trên.

Không riêng nhân viên y tế lo sợ, mà ngay cả bệnh nhân cũng bất an. Bà Nguyễn Thị M (xã Lợi An, huyện Trần Văn Thời) đang ngồi chờ chồng chụp X-quang nói: “Có người nhà bị bệnh tật nên đành chịu, chứ vào khu vực này tôi lo sợ trần nhà sập bất cứ lúc nào”.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất