| Hotline: 0983.970.780

Bênh vực những người “thấp cổ bé họng”

Thứ Năm 21/06/2012 , 22:30 (GMT+7)

Thời nào cũng vậy, nông dân luôn là những người “thấp cổ bé họng”. Chúng tôi, những nhà báo NNVN luôn đứng về phía họ, bênh vực những người “thấp cổ bé họng”…

Thời nào cũng vậy, nông dân luôn là những người “thấp cổ bé họng”, một loạt vụ thu hồi đất thời gian qua đã chứng minh điều đó. Người nông dân đã sử dụng hết quyền năng của mình để giữ đất cho cuộc sống của mình. Chúng tôi, những nhà báo NNVN luôn đứng về phía họ, bênh vực những người “thấp cổ bé họng”…

Mường Lay còn lay động lòng tôi

Tháng 4/2009 tôi lên thị xã Mường Lay (Điện Biên), chứng kiến cuộc di dân khổng lồ cho việc tích nước thuỷ điện Sơn La. Nắng đầu mùa càng thêm gay gắt, một bên người dân đang hối hả dỡ nhà cửa chuyển đến nơi ở mới mà ở đó họ chưa biết mình sẽ sống ra sao, một bên là công trường đang xây dựng thị xã mới và cầu Hang Tôm bụi đỏ mù trời.


Người dân TX. Mường Lay dỡ nhà di chuyển tới nơi ở mới

Hình ảnh bà Trần Thị Toan, tổ 10, phường Na Lay nước mắt lưng tròng chỉ ngôi nhà đang dỡ bảo tôi: Gia đình tôi mua thanh lý căn hộ 51m2 của Chi nhánh điện từ năm 1994, khi đó chỉ là ngôi nhà nhỏ, gia đình tôi đã mua ngôi nhà lớn này sửa sang lại rồi dựng ở đây để có chỗ ở. Thế nhưng khi áp giá đền bù thì họ nói nhà thanh lý chỉ được thanh toán 40% giá trị, gia đình tôi không chịu, vì nhà thanh lý chỉ là một phần của ngôi nhà tôi đang ở. Gia đình tôi được đền bù 174,027 triệu nhà cửa, vật kiến trúc, khi lên Kho bạc lĩnh tiền thì họ trừ gần 21 triệu. Hỏi, thì họ trả lời: Đó là tiền thuế đất, mà không giải thích cụ thể vì sao lại trừ…

Biết tôi là nhà báo, anh Trần Văn Thi ở tổ 4, phường Sông Đà lái xe ôm đang đứng đợi khách đã mời tôi về nhà anh để tận mắt thấy đất đai, nhà cửa khi người ta áp giá đền bù, anh bức xúc: Có nhiều chuyện bất bình trong việc đền bù lắm, nếu các anh ở đây vài ngày thì tha hồ được nghe dân phản ánh. Tôi chỉ xin được nói việc đền bù đối với gia đình tôi, cái ao xây của gia đình tôi 83m3, nếu thuê máy xúc ít cũng hết 5-10 triệu chứ chưa nói chuyện xây. Vậy mà đền bù chỉ được 240.000 đồng, trong khi đó hộ khác được đền bù 15-20 triệu là sao? Hay như đồi rừng của gia đình tôi, diện tích trên 6.000m2, do bố tôi mua lại của người khác có đầy đủ giấy tờ và xác nhận của chính quyền địa phương.

Trước đây gia đình tôi trồng ngô, sắn, đậu lạc… mấy năm nay vì con tôi còn nhỏ nên tôi để rừng tái sinh. Tuy chưa thành rừng, nhưng trên đó còn nhiều cây to. Vậy mà khi đền bù, họ chỉ đền bù cho hơn một ngàn mét vuông có cây, còn hơn bốn ngàn mét họ bảo không có cây nên không đền bù. Tôi không chịu, vì đất nhà tôi có đầy đủ giấy tờ hợp pháp, có cây cối trên đất, sao họ bảo là không?


Anh Trần Văn Thi giở đống giấy tờ chứng minh mảnh đất cha anh đã thừa kế lại

Đó chỉ là hai trong nhiều hộ gia đình ở TX Mường Lay mà tôi đề cập trong bài viết “Cần xem lại việc đền bù GPMB ở TX Mường Lay”. Sau khi báo đăng, một số hộ đã được tính toán lại số tiền đền bù còn nhiều hộ khác thì… hãy đợi đấy. Tuy nhiên, gần đây báo NNVN vẫn nhận được đơn đề nghị của nhiều hộ dân sau khi đã rời khỏi TX Mường Lay chuyển đến nơi ở mới thắc mắc về việc đền bù không thoả đáng. Hình ảnh những gương mặt sạm đen của những người dân miền cao Tây Bắc cứ ám ảnh tôi trong nhiều năm qua, họ đã tự nguyện rời khỏi mảnh đất cha ông để nhường chỗ cho công trình thuỷ điện quốc gia, một sự hy sinh vĩ đại của người dân. Vậy mà việc đền bù những tài sản của họ vẫn còn lắm ý kiến. Nhớ lại những ngày lên Mường Lay, cái thị xã miệt rừng nhỏ bé nay đã chìm xuống lòng hồ thuỷ điện Sơn La mà lòng tôi vẫn còn lay động.

"Tôi đặt tờ báo NNVN lên bàn thờ nhà tôi"

Thầy giáo Đào Thanh Quỳ, nguyên phó hiệu trưởng trường PTCS xã Văn Phú (Trấn Yên, Yên Bái) đã tố cáo bà hiệu trưởng gian lận hồ sơ để cháu bà là con của một vị lãnh đạo xã đủ điều kiện lên lớp. Việc làm của thầy Quỳ lẽ ra phải được tuyên dương vì một nền giáo dục lành mạnh. Ác thay, thầy Quỳ bị kiểm điểm với lý do: Động cơ không trong sáng, mất đoàn kết nội bộ…, cuối cùng thầy bị khai trừ khỏi Đảng, miễn nhiệm chức vụ phó hiệu trưởng, thuyên chuyển sang trường khác. Quá oan ức, thầy đã viết hơn 200 đơn gửi tới nhiều cơ quan công quyền, cuối cùng chỉ là chuyện “con kiến kiện củ khoai”, đơn của thầy đều rơi vào im lặng, cuối cùng thầy làm đơn kêu cứu gửi báo NNVN, với nội dung: Các cấp kết luận sai, trù dập người tố cáo đúng đắn đến cùng. Được sự phân công của toà soạn, tôi đã mở cuộc điều tra tìm hiểu vấn đề này. Sau khi báo NNVN đăng bài “Giả mạo hồ sơ văn hoá ở trường PTCS Văn Phú những điều cần được làm sáng tỏ”, đã giúp cho thầy Quỳ có đủ nghị lực đòi công lý. Thầy gửi đơn lên UBKT Trung ương, đèn trời rồi cũng soi sáng tới việc làm của thầy, thầy được phục hồi Đảng tịch, trở lại sinh hoạt Đảng mà thầy đã tuyên thệ suốt đời trung thành với lý tưởng cộng sản.

Gặp lại tôi sau ngày được phục hồi Đảng tịch, thầy nghẹn lòng: Báo NNVN đã giúp tôi đòi lại danh dự của mình. Tôi đã đặt tờ báo lên bàn thờ thề với tổ tiên và cha mẹ tôi rằng: Những việc làm của con sẽ không làm hổ danh cha mẹ, xin cha mẹ hãy chứng giám cho lời của con cũng như bài báo này đã giúp con tìm được sự thật…

Xem thêm
Khẩn trương hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật thi hành Luật Đất đai

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh khẩn trương hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật để sớm đưa Luật Đất đai số 31/2024/QH15 vào cuộc sống.

Những công trình vá 'lỗ hổng' hệ thống thủy lợi bờ Nam Sông Hậu

Đồng bào bờ Nam Sông Hậu mong chờ âu thuyền Rạch Mọp vận hành ngăn mặn vào cuối 2024, cùng với những công trình đã được đầu tư để khép kín hệ thống thủy lợi.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Mua bán rùa quý tràn lan từ 'chợ ảo' đến đời thực

Thời gian qua, hoạt động mua bán rùa diễn ra công khai tại các cửa hàng thú cưng trên địa bàn thành phố Hà Nội, thách thức các cơ quan chức năng.

Bình luận mới nhất