| Hotline: 0983.970.780

Bí ẩn lời thề ở ngôi đền Pác Tạ

Thứ Sáu 28/03/2014 , 10:23 (GMT+7)

Giữa tứ bề mây núi của hồ thủy điện Na Hang (tỉnh Tuyên Quang) có một ngôi đền thiêng- đền Pác Tạ.

Trông giữ ngôi đền ấy là một người đàn ông của dòng họ Ma, dòng họ của người Tày, trọng lời thề đến mức khó tin.

Truyền đời giữ đền thiêng

Trong tiếng Tày, Na Hang có nghĩa là mảnh ruộng cuối, còn ngọn núi Pác Tạ mang hàm nghĩa một bầu vú của trời. Đó là ngọn núi cao nhất vùng cao Na Hang, đền Pác Tạ nằm trên ngọn núi cao nhất ấy.

Thủ nhang đền Pác Tạ tên là Ma Văn Lược (74 tuổi), từng làm giáo viên, Bí thư Đảng ủy xã và cán bộ công đoàn huyện Na Hang... Có lẽ, những nhiệm vụ công tác khá uy tín giúp ông là người họ Ma được chọn giữ đền trong thế hệ của mình.

Xưa, gia đình ông Lược sống trong cộng đồng họ Ma, cộng đồng người Tày ở xã Vĩnh Yên, dưới chân núi Pác Tạ này. Ngày thủy điện Na Hang chặn dòng, cả xã Vĩnh Yên chìm dưới đáy lòng hồ, dân các bản rải đi tái định cư khắp chốn. Vợ con ông cũng chuyển nhà, dời cửa về khu tái định cư dưới xã Thanh Tương. Chỉ riêng ông buộc phải ở lại. Đó là bởi, dòng họ Ma từng có một lời thề rằng, đời đời kiếp kiếp họ phải có người làm thủ nhang, trông coi đền Pác Tạ.

Đó là một câu chuyện nhuốm mầu huyền sử, đậm chất truyền thuyết. Có kẻ tin, có người cho là huyễn hoặc, nhưng chuyện dòng họ Ma giữ đền Pác Tạ bao đời nay thật đến một trăm phần trăm.

Chuyện thế này. Tương truyền, vào đời nhà Trần có người thiếp của tướng quân Trần Nhật Duật theo chồng đi kinh lý bằng thuyền ở vùng sông Gâm và sông Năng. Trên đường về xuôi, đến ngã ba sông này thì chiếc thuyền chở người thiếp ấy gặp nạn. Ngã ba sông nước dữ, quân lính lặn lội mấy ngày đêm vẫn không tìm thấy xác.

Tướng Trần Nhật Duật ban bố lệnh cho các dòng họ trên miền đất cổ Na Hang, hễ dòng họ nào tìm được xác người thiếp kia thì được ban ruộng nương, châu báu, được lập đền, trông coi và thờ phụng. Rất nhiều dòng họ ở vùng Na Hang và cả vùng Chiêm Hóa kéo nhau đi tìm để lập công. Cuối cùng chỉ có người họ Ma tìm được. Đền Pác Tạ mọc lên từ đấy.

Khởi nguyên, đền nằm trên một doi đất bên hữu ngạn sông Năng, giao với sông Gâm. Dòng họ Ma chọn ra những cây tre to nhất trên rừng để dựng đền, cứ một đời thì cử ra người uy tín nhất làm thủ nhang trông coi, thờ phụng. Họ lập ra một lời thề: Dòng họ Ma còn thì đền Pác Tạ còn. Con cháu họ Ma, bất cứ giá nào cũng phải có người ở lại với đền Pác Tạ, kể cả khi dân bản xứ này có bỏ đi nơi khác hết.

Hơn một trăm năm trước, một hôm, trời nổi cơn giông lớn, mái đền bị gió cuốn bay qua sông rồi lượn lên phía trên núi Pác Tạ. Họ Ma cho rằng đây là ý của “Đức Thánh Mẫu” nên dời đền sang đấy. Gần một trăm năm sau ngã ba sông này trở thành lòng hồ thủy điện Na Hang. Mấy xã vùng lòng hồ phải di dời hết. Cốt nước vào thời điểm cao nhất vừa chạm đến chiếc cổng dẫn vào đền.

Trải qua bao biến cố của vùng đất cổ Na Hang, nhưng đời đời kiếp kiếp người họ Ma chưa một lần vi phạm lời thề với tổ tiên, với ngôi đền Pác Tạ. Ông Lược kể cho tôi nghe một câu chuyện khiến tôi tin tưởng tuyệt đối uy tín lời thề của dòng họ kỳ lạ ấy.

Đó là những năm có phong trào cải cách văn hóa, bài trừ đền thờ miếu mạo. Đền Pác Tạ chịu chung số phận với hàng vạn nơi thờ phụng khác. Người ta kéo nhau lên đập phá, chôm chỉa những thứ có giá trị ở đền. Đáng quý nhất là chiếc tráp gỗ chứa sắc phong và 9 chữ vàng "Pác Tạ linh đài đức thánh mẫu nương nương" cũng bị đánh cắp.

Thủ nhang khi ấy là ông cụ thân sinh ông Ma Văn Lược tên là Ma Văn Địch. Chủ trương bài trừ thì không thể chống, nhằm những lúc tối trời cụ Địch tìm lên nhặt nhạnh những thứ còn sót lại đem giấu. Đêm nào cụ cũng ngủ lại trên nền đất, vết tích của ngôi đền đã bị phá tan hoang. Những mong, cách ấy có thể đấng thần linh xem xét mà xá tội.

Chính quyền biết tin, cử công an lên bắt cụ Địch về nhốt hai ngày hai đêm, vừa vận động vừa răn đe cụ viết cam kết người họ Ma phải từ bỏ lời thề, từ bỏ đền Pác Tạ. Thế nhưng, làm đủ mọi cách mà ông cụ không chấp thuận.

Cụ Địch được thả về hôm trước, hôm sau đã thấy người của dòng họ Ma lục tục đi dựng lại đền, dù chỉ vài ba cây tre lợp bằng cỏ gianh, nứa lá. Dần dà, người trong họ xây dựng, tu bổ khang trang hơn. Tất cả đều một tay người họ Ma dựng nên.

Chốn thiêng miền đất cổ

Đền Pác Tạ giờ đã là Di tích lịch sử cấp quốc gia nhưng mọi thứ dường như vẫn vậy. Vẫn chỉ có một người họ Ma làm thủ nhang không công để vẹn tròn lời thề năm cũ. Một mình, với núi, với đền, trên một “đảo hoang”.


Đền Pác Tạ đã được tu bổ, xây dựng khang trang

Núi Pác Tạ có một truyền thuyết khá thú vị. Thuở chống giặc phương Bắc, có một người đàn ông thuần phục được con voi rừng bằng... rượu. Ngày ra trận, voi uống rượu say đánh tan quân giặc, được phong làm “Voi quận công”.

Trong tiệc đãi mừng chiến thắng, voi uống rượu say đến chết. Đêm ấy trời mưa tầm tã, gió rít ào ào như bày tỏ niềm tiếc thương của dân bản đối với “voi rượu”. Sáng hôm sau người ta thấy cả voi và nậm rượu đã hóa đá, khối đá ấy mỗi ngày một lớn dần lên thành ngọn núi Pác Tạ như ngày nay. 

Người ta đồ rằng, rượu ngô Na Hang ngon nổi tiếng là nhờ nấu từ nước những con suối chảy quanh ngọn núi này.

Có chăng, Pác Tạ bây giờ đã là chốn thiêng liêng của cả miền đất cổ Na Hang. Vì thế mà được địa phương này đầu tư tu bổ, xây dựng khang trang hơn một tý. Một năm có hai lễ lớn. Đầu năm lễ cầu, cuối năm lễ tạ. Vào dịp lễ cầu, cả cán bộ lẫn người dân vùng cao Na Hang tập trung khấn thần linh, Đức Thánh Mẫu ở ngôi đền này, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Ban cho dân trong vùng có được cuộc sống bình yên.

Đã bắt đầu có sự chung tay xây dựng, tu bổ của người dân và chính quyền, nhưng đền Pác Tạ vẫn là cõi riêng của dòng họ Ma. Hằng tuần, trong dòng họ cắt cử người đưa gạo, đồ dùng sinh hoạt lên cho ông Lược. Chỉ riêng tiền dầu chạy thuyền máy thôi mỗi tháng cũng tốn mấy trăm nghìn. Họ tự chi trả. Tuyệt nhiên không thấy kêu ca.

Một dạo, đất đai còn rộng, người gác đền được cắt cho thửa ruộng gọi là “ruộng thủ nhang”. Dần dà, ruộng đất ít đi, chế độ ấy cũng không còn. Không có lấy một đồng, một cắc tiền công, nhưng không sao cả. Bao đời nay đã vậy rồi.

Bây giờ, xung quanh ngôi đền, xung quanh dòng họ Ma người ta bắt đầu thêu dệt những câu chuyện nhuốm màu sắc kỳ quái. Chuyện về một con rắn có mào dài cả sải tay từng xuất hiện ở đền, chuyện về những con cá khổng lồ thỉnh thoảng lại chết nổi dạt vào cạnh núi Pác Tạ, chuyện về một người đàn ông trong vùng lấy đồ cúng ở đền nhắm rượu bị gỗ đè không tài nào có thể thoát ra...

Có lẽ là chuyện nhảm. Duy chỉ có một chuyện tôi kiểm chứng và thấy đúng là thật. Đó là chuyện cộng đồng người Tày, người Dao, người Mông ở mấy xã ven hồ thủy điện Na Hang không đốt rừng làm nương rẫy từ năm 1959.

"Năm đó, dân bản trong vùng đốt rừng làm nương, lửa bén thiêu rụi cả ngôi đền Pác Tạ. Mặc dù người họ Ma chúng tôi tiếp tục dựng lại ngôi đền mới, nhưng không hiểu sao cứ mất mùa triền miên. Phải đến lúc, dân các bản cử ra người đại diện làm lễ lên khấn cầu thần linh ở đền thì mùa màng lại tươi tốt. Cũng từ đó, xung quanh đền Pác Tạ không ai đốt phá rừng làm nương rẫy nữa”. Ông Lược kể với tôi như thế, mấy ông cán bộ về hưu ở huyện Na Hang cũng xác nhận chuyện này.

 

  • Mua bán rùa quý tràn lan từ 'chợ ảo' đến đời thực
    Phóng sự 27/03/2024 - 08:15

    Thời gian qua, hoạt động mua bán rùa diễn ra công khai tại các cửa hàng thú cưng trên địa bàn thành phố Hà Nội, thách thức các cơ quan chức năng.

  • [Bài 3] Bài toán hóc búa ở tỉnh Khánh Hòa
    Phóng sự 27/03/2024 - 06:02

    Tính toán sơ bộ, muốn ra được Đề án thí điểm phát triển nuôi biển công nghệ cao ở Khánh Hòa phải “vượt ải” tới... 9 bộ, ngành trước khi trình Chính phủ phê duyệt.

  • [Bài 2] 'Cuộc cách mạng' giữa trùng khơi ở Vân Đồn
    Phóng sự 26/03/2024 - 06:00

    Phong trào thành lập hợp tác xã nuôi trồng thủy sản đang là trào lưu ở Quảng Ninh để đón nhận chính sách giao biển lâu dài, từ đó ổn định kế sách nuôi biển.

  • Nan giải vấn nạn mua, bán rùa trên Internet
    Phóng sự 25/03/2024 - 13:15

    Năm 2023 ghi nhận gia tăng các vụ liên quan đến mua, bán rùa qua mạng xã hội. Do vậy các cơ quan chức năng cần mạnh tay trong việc xử lý vi phạm.

  • [Bài 1] 7 năm trời vật vã xin giấy phép nuôi biển
    Phóng sự 25/03/2024 - 07:30

    'Khát vọng lớn, quyết tâm cao, tuy nhiên những rào cản cơ chế chính sách đang giống như chiếc vòng kim cô siết chặt giấc mơ nuôi biển của chúng tôi vậy', Hải Bình nói.

  • Chuyện ở 'thiên đường đá cỏ' Tân Lập
    Phóng sự 24/03/2024 - 16:40

    Nhắc đến thầy cúng Vàng A Chứ (còn gọi là ông Chứ cúng) thì không chỉ ở Sơn La và một số tỉnh Tây Bắc mà mãi tận bên Lào cũng có người biết.

  • Tinh hoa nghề đậu bạc Định Công
    Phóng sự 22/03/2024 - 11:09

    Sau khoảng thời gian tưởng chừng như thất truyền, đến nay làng nghề đậu bạc Định Công đang chuyển mình nhằm níu giữ lại cái hồn cốt của nghề tinh hoa truyền thống.

  • Rủ nhau đi hái lộc rừng
    Phóng sự 18/03/2024 - 06:00

    Quảng Bình Cứ vào tháng Ba hàng năm, nhiều người dân sống ở các xã Quảng Kim, Quảng Châu, Quảng Hợp (Quảng Trạch, Quảng Bình) rủ nhau lên rừng hái dâu và có nguồn thu đáng kể.

  • Mùa hoa mộc miên
    Phóng sự 15/03/2024 - 06:00

    Mộc miên, loài cây chung thủy với tháng Ba, cứ độ sau xuân lại rạo rực tự đốt cháy mình thắp lửa những góc trời, từ vùng đồng rừng đến những miền quê yên ả…

  • Hang Táu - miền cổ tích còn phong kín
    Phóng sự 12/03/2024 - 06:05

    Hang Táu là một thung lũng được giấu kín giữa bốn bề núi. Trời đất như chừa ra một khoảng đất tương đối bằng phẳng chỉ để cỏ cây khoe sắc...

  • Chuyện giữ rừng giữa biển
    Phóng sự 11/03/2024 - 06:15

    Qua Tết Nguyên đán, vùng đảo Tây Nam Tổ quốc bước vào cao điểm mùa khô, lực lượng chức năng bắt đầu ‘mướt mồ hôi’ với công tác giữ rừng trên các hòn đảo…

  • Bà Xuân 'hủi'
    Phóng sự 08/03/2024 - 08:45

    Từng là giáo viên mầm non nhưng đến nay nữ y tá Nguyễn Thị Xuân đã có gần 40 năm đồng hành cùng những bệnh nhân tại trại phong Quả Cảm - Bắc Ninh.

Xem thêm
Phát triển Tiền Giang với '1 trọng tâm, 2 tăng cường, 3 đẩy mạnh'

TIỀN GIANG Theo Thủ tướng, tinh thần 'ba cùng' là 'cùng lắng nghe, thấu hiểu', 'cùng sẻ chia tầm nhìn và hành động', 'cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng và cùng phát triển'.

Những công trình vá 'lỗ hổng' hệ thống thủy lợi bờ Nam Sông Hậu

Người dân bờ Nam Sông Hậu mong chờ âu thuyền Rạch Mọp vận hành ngăn mặn vào cuối 2024, cùng với những công trình đã được đầu tư để khép kín hệ thống thủy lợi.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Đê Đông xuống cấp, xâm nhập mặn uy hiếp ngàn ha đất canh tác

Bình Định Tràn Dương Thiện thuộc hệ thống đê Đông dài 250m, có nhiệm vụ ngăn mặn, giữ ngọt phục vụ cho ngành nuôi trồng thủy sản và sản xuất nông nghiệp giờ đã như ‘răng rụng’.

Bình luận mới nhất