| Hotline: 0983.970.780

Bi đát sản phẩm vụ đông

Thứ Năm 23/02/2012 , 11:47 (GMT+7)

Vụ đông 2011-2012, các ban, ngành từ TƯ đến các tỉnh ra sức "hô hào" nông dân phát triển mạnh cây vụ đông ở các tỉnh phía Bắc để tăng thêm thu nhập...Thế nhưng quy luật thị trường thật nghiệt ngã, sản phẩm làm ra không tiêu thụ được.

Vụ đông 2011-2012, các ban, ngành từ TƯ đến các tỉnh ra sức "hô hào" nông dân phát triển mạnh cây vụ đông ở các tỉnh phía Bắc để tăng thêm thu nhập...Thế nhưng quy luật thị trường thật nghiệt ngã, sản phẩm làm ra không tiêu thụ được.

Cà rốt cho không đắt!

Mất mùa, mất cả giá

Huyện Cẩm Giàng (Hải Dương) được trời phú cho loại đất trồng cà rốt. Từ những thập niên trước, cà rốt luôn khẳng định vị thế mang lại lợi nhuận cao cho người dân trong sản xuất vụ đông. Do đó mỗi năm tỉnh đều khuyến khích đầu tư phát triển thêm diện tích. Vụ đông năm 2011-2012, ngoài trồng cà rốt trên quỹ đất ở địa phương, nhiều hộ dân còn đi thuê đất ở các xã, huyện lân cận và tỉnh Bắc Ninh trồng. Tưởng rằng sẽ “đổi đời” từ cà rốt, ai ngờ năm nay lại mất mùa, mất giá.

Ông Nguyễn Văn Thăng, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Cẩm Giàng buồn bã: “Chưa có lúc nào cà rốt Cẩm Giàng lại thê thảm đến vậy, mất mùa lại mất cả giá luôn. Có nhiều hộ gia đình vay tiền ngân hàng đầu tư nay ôm một cục nợ. Năm nay mỗi sào trồng cà rốt lỗ cả triệu bạc”.

Vụ đông năm nay huyện Cẩm Giàng trồng hơn 600 ha cà rốt, tập trung ở các xã Đức Chính (350 ha), Cẩm Văn (150 ha), Cẩm Vũ (30 ha)... Năm trước giá bán từ 4.000 đến 5.000 đồng/kg, bình quân mỗi sào có lãi trên 1 triệu nhưng năm nay thật bi đát. Giá bán cà rốt loại 1 từ 2.000 đến 2.500 đồng/kg, loại hai, loại ba từ 300 đến 700 đồng/kg, nhưng không có ai mua. Trước bối cảnh như vậy có nhiều hộ dân không muốn thu hoạch cà rốt nữa. 

Năm nay người dân trồng cà rốt huyện Cẩm Giàng mất mùa còn mất luôn giá

Theo người dân Đức Chính-xã trồng nhiều cà rốt nhất tỉnh, thời điểm này năm ngoái, đã thu hoạch xong 80 đến 90% diện tích. Nhưng năm nay mới thu hoạch già nửa diện tích. Các vụ trước mỗi sào cho thu hoạch 1 -1,5 tấn, trong đó củ loại 1 chiếm 80%, thì năm nay, năng suất  5 - 8 tạ/sào, củ loại 1 chỉ  50 đến 60%.

Đang loay hoay gom cà rốt vào bao, ông Nguyễn Văn Dũng, thôn An Lãng, xã Đức Chính, trồng 1 mẫu, trong đó có 4 sào đất của nhà, còn 6 sào đi thuê để trồng, chua chát: “Năm trước cà rốt thu xong thương lái đến tận ruộng mua luôn. Có được bao nào cân bao đó nhưng năm nay chẳng có ai dòm ngó. Tôi gọi điện tìm thương lái dài cổ mà chẳng ai mua. Nếu có người mua thì họ giao hẹn phải lựa cà rốt đúng tiêu chuẩn mới lấy”.

Nhìn về phía ruộng cà rốt vừa nhổ lên, ông Dũng xót xa: “Cả ruộng được 8 tạ nhưng chỉ bán được 4 tạ loại 1, còn loại 2, loại 3 vứt đó. Chưa có năm nào cà rốt lại thấp như năm nay. Trồng 1 mẫu gia đình tôi đầu tư 30 triệu đồng tiền phân bón, thuê đất và công chăm sóc nhưng với giá bán như thế này mỗi sào chỉ thu được 2 triệu, lỗ mất 1 triệu đồng/sào”.

 Chẳng sáng sủa gì hơn những hộ dân tại xã Đức Chính (huyện Cẩm Giàng), dân xã Nam Tân (huyện Nam Sách), cũng đang bước vào mùa thu hoạch cà rốt.  Vụ đông năm nay, huyện Nam Sách trồng hơn 500 ha cà rốt, đến nay đã thu được khoảng 80%. Gia đình chị Hoàng Thị Liên, thôn Mỹ Xá, xã Nam Tân trồng 8 sào, đang gấp rút thu hoạch cà rốt để lấy đất trồng ngô.

Chị Liên thở dài: “Vụ đông năm nay giống, phân bón cao. Đặc biệt khi cây cà rốt bước vào giai đoạn tạo củ thì trời mưa, làm chặt đất, dẫn đến củ ngắn và đâm thành nhiều nhánh. Đến khi thời tiết ấm làm củ cà rốt chồi lên trên mặt đất dẫn đến bị nứt cổ, năng suất thấp, mẫu mã xấu lại gặp giá thấp. Giờ thu hoạch bán được đồng nào hay đồng ấy ”.

Thu hoạch về cho bò ăn

Theo con đường đê sông Thái Bình về xã Đức Chính (Cẩm Giàng), dọc hai bên đường cà rốt đóng bao chất từng đống cao ngút. Số cà rốt này thương lái thu mua về và của người dân thu hoạch nhưng không bán được đành để vậy. Một số hộ dân thu cà rốt về đành đổ cho bò ăn. Bà Nguyễn Thị Lan, trồng 2 mẫu cà rốt cho biết: “Ngoài cà rốt loại 1 bán với giá rẻ, còn loại 2, loại 3, giá 300 đồng/kg nhưng cũng chẳng ai ngó. Trong lúc không có nơi bảo quản mà để lâu thì hỏng hết nên không có cách nào khác hơn là cho hai con bò ăn”.

Những con bò “chén” no nê cà rốt nghỉ ngơi

Ông Nguyễn Văn Dũng, thôn An Lãng, xã Đức Chính ngậm ngùi:

“Một vụ cà rốt bỏ hàng chục triệu đồng đầu tư nhưng nay thu sản phẩm bán được một nửa, còn bao nhiêu cho bò ăn. Người nông dân chúng tôi tự làm, tự lo đầu ra. Thương lái ra giá bao nhiêu thì bán, còn không chỉ biết đem vứt. Nông dân chúng tôi lấy tiền đâu ra đầu tư kho lạnh để bảo quản hoặc chế biến!”.

Càng đi sâu vào xã, những đàn bò “chén” cà rốt no nê nằm nghỉ hai bên triền đê. Ngoài ra cà rốt còn vứt lăn lóc đầy đường bốc mùi hôi thối. Ông Nguyễn Văn Chung, GĐ DN tư nhân Bình Sơn Đông, xã Đức Chính thu mua cà rốt tiêu thụ trong nước cho biết: “Năm ngoái mỗi ngày DN chúng tôi thu mua 50 tấn với giá 5.000 đồng/kg. Ngày nào các bạn hàng ở miền Trung, miền Nam cũng giục hàng liên tục, xe ra bốc không kịp nhưng năm nay ít hẳn. Mặc dù giá thấp chưa từng thấy nhưng rất khó bán”.

 Ông Trần Minh Hùng, một chủ cơ sở thu mua cà rốt ở xã Cẩm Văn cho biết: “Năm ngoái, mỗi ngày cơ sở của tôi thu mua khoảng 20 tấn để bán ra các chợ đầu mối ở Hà Nội, Bắc Ninh… Nhưng năm nay các đầu mối này nhập cà rốt từ Trung Quốc với mẫu mã đẹp, giá rẻ nên họ chỉ mua của tôi với số lượng ít, nhiều bạn hàng làm ăn lâu nay cũng từ chối luôn. Hiện tôi đang còn 15 tấn gom của bà con giờ vẫn chất đồng ngoài đường”.

 Theo ông Hùng, cà rốt năm nay củ xấu nên khó cạnh tranh với cà rốt nhập từ Trung Quốc. Như năm ngoái cơ sở của ông Hùng xuất bán khoảng 10 tấn/ngày vào miền Trung và miền Nam. Năm nay, thị trường này gần như đã bị cà rốt Trung Quốc chiếm lĩnh nên không lấy hàng...

Xem thêm
Giá cá lóc tăng 5.000 đồng/kg, nông dân vẫn không có lãi

Tại Trà Vinh, cá lóc bán tại ao tăng thêm 5.000 đồng/kg so với đầu năm, nhưng người nuôi chỉ hòa vốn đến thua lỗ nếu xuất bán.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Teccombank hướng dẫn đối phó ứng dụng giả mạo, lừa đảo qua mạng

Việt Nam nằm trong số 10 điểm nóng tội phạm mạng hàng đầu thế giới, những kẻ lừa đảo không ngừng nghĩ ra những cách thức mới để lừa tiền của nạn nhân.