| Hotline: 0983.970.780

Bị ép giá ngay từ đầu vụ

Thứ Năm 07/06/2012 , 09:35 (GMT+7)

Năm nay, ngay từ đầu vụ vải tư thương TQ đã đua nhau ép giá, báo hiệu mùa XK vải cực kỳ khó khăn…

Năm nào cũng vậy, cứ vào vụ thu hoạch lại có hàng trăm xe ô tô chở vải quả tươi ùn ùn lên cửa khẩu Lào Cai xuất khẩu sang Trung Quốc. Điệp khúc đầu vụ giá cao, giữa vụ giá thấp do bị ép giá diễn ra hàng năm. Nhưng năm nay, ngay từ đầu vụ vải tư thương TQ đã đua nhau ép giá, báo hiệu mùa XK vải cực kỳ khó khăn…

Chừng hai chục ngày nữa mới vào chính vụ thu hoạch vải thiều, vùng vải thiều lớn nhất miền Bắc là Lục Ngạn (Bắc Giang) giờ mới đang rục rịch, còn vải chua đã chín cách nay cả chục này, chủ yếu vùng vải Hưng Yên và một số tỉnh: Phú Thọ, Yên Bái, Tuyên Quang… Ông Nguyễn Văn Tuân - Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng 8 cho biết: Việc xuất khẩu vải quả tươi sang TQ qua cửa khẩu quốc tế Lào Cai mới bắt đầu 4-5 ngày nay. Với lượng vải không nhiều, mỗi ngày khoảng 100-120 tấn, chủ yếu theo đường tiểu ngạch…


Xe chở vải quả tươi nối đuôi nhau XK sang TQ

Cửa khẩu quốc tế Lào Cai không còn nhộn nhịp như một vài năm trước, từ đầu năm 2012 đến nay hàng hóa xuất nhập khẩu chủ yếu là nông sản thực phẩm, sau vụ XK sắn tươi và gỗ ván bóc nay đến lượt vải quả tươi. Tôi bám theo chị Nguyễn Thị Liên, một thương nhân buôn bán vải người Hưng Yên sang Hà Khẩu, chị tất tưởi chạy từ xe nọ sang xe kia giục cửu vạn khẩn trương đưa xe vào khu vực kiểm hóa của Trung Quốc.

Chị Liên cho hay: Đây là chuyến đầu tiên chị mang vải sang đây bán, vải được thu mua từ chiều hôm trước, đựng trong những thùng xốp có ướp đá lạnh để giữ cho tươi lâu, xe chở vải khởi hành từ chiều hôm qua, chạy suốt đêm đến 5 giờ sáng thì tới Lào Cai… Từ đây vải được xuống những chiếc xe kéo tay, mỗi xe chở 50-70 thùng, mỗi thùng nặng 25 kg kể cả đá. Đoàn xe chở vải kéo dài từ cửa khẩu Lào Cai qua cầu Hồ Kiều dài cả cây số, nhích từng tý một, mới sáng ra trời đã nắng chang chang, vải đựng trong những chiếc thùng xốp, ướp đá lạnh giữa trời nắng nước từ các thùng vải bắt đầu chảy tong tong xuống mặt đất và lưng áo những người cửu vạn.

Tôi hỏi vì sao không chở thẳng cả xe vải sang TQ mà phải xuống những chiếc xe kéo tay kia vừa mất công lại tốn thời gian, chị Liên giải thích: Phía Trung Quốc miễn thuế cho hàng hoá chở bằng xe kéo tay, còn chở bằng ô tô phải chịu thuế. Nếu chở bằng ô tô mỗi cân vải cõng thêm 1 tệ tiền thuế, tương đương 3.300đ Việt Nam, như vậy thì lỗ. Vì thế đành phải xuống các xe thô sơ, thời gian lâu hơn một chút…


Vải ứ lại trước cửa khẩu phía TQ

Vừa làm thủ tục thông quan cho 5 xe vải, hai người phụ nữ Trung Quốc dáng to lớn đeo túi trước ngực tay cầm con dao nhọn chừng 5cm tới hỏi giọng lơ lớ: Vải à, đẹp không, có mấy xe? Chị Liên mừng rỡ: Có 5 xe, toàn vải đẹp thôi… Không cần xin phép, hai người phụ nữ chọc dao xé những chiếc băng dính mở liền hai hộp xốp lôi ra một chùm vải vặt ăn tại chỗ hỏi: Bán bao nhiêu? Chị Liên nói thách: Trăm hai tệ, lấy nhanh đi để tôi quay lại chở tiếp… Hai người phụ nữ ném chùm vải ăn dở vào thùng xốp giọng lạnh lùng nghe rất hách: Một trăng (trăm) tệ thôi…

Nói rồi hai người phụ nữa ấy quay về phía những người đàn ông đang đứng gần đó, nhìn họ đủ biết là những đầu mối thu mua vải nói một tràng dài bằng tiếng Trung chị Liên chẳng hiểu họ nói với nhau những gì. Tôi hỏi mấy người Việt Nam đi chợ Hà Khẩu, một người bảo: Hai con mụ ấy nhận mua mấy xe vải kia rồi, các ông đừng có phá giá trả cao hơn… Mặt chị Liên biến sắc, từ đó cho tới gần trưa một vài người đến xem vải nhưng không ai trả cao hơn trăm tệ, 5 chiếc xe vải của chị Liên cứ đứng chềnh ềnh trên con phố chật hẹp, ồn ã người qua lại.


Chờ đợi thông quan

Phía Trung Quốc dành một dãy phố dài chừng gần một cây số để cho hàng hoá nông sản của Việt Nam tập kết, mọi cuộc mua bán đều diễn ra ở đây. Lúc này xe chở vải đã đậu gần kín con đường. Tôi hỏi mấy chủ hàng Việt Nam mang vải sang Hà Khẩu bán, anh Trần Đình Phương người Phố Mới (Lào Cai) lắc đầu ngán ngẩm: Tôi chở sang đây 9 tấn vải từ chiều qua, mới bán được 5 tấn, còn lại 4 tấn phải chở quay lại Lào Cai. Phía Trung Quốc họ không có chỗ tập kết hàng, nếu thuê qua đêm mỗi xe mất mấy chục tệ thì lỗ lớn. Đành phải kéo quay lại đất mình. Sớm qua còn bán được 110,5 tệ một thùng, tới chiều xuống 105 tệ, còn hôm nay các thương nhân phía TQ nhất loạt trả 100 tệ, kỳ kèo mãi chẳng được thêm xu nào. Ở đây nó thế, họ thống nhất một giá, hàng đã kéo sang tới đây rồi không bán chỉ có kéo về đổ xuống sông…

Quá trưa, chị Liên không còn kiên nhẫn được nữa đành phải bán với giá 100 tệ một thùng, trong khi đó có người bán được 102-105 tệ/thùng, quy ra tiền Việt Nam vải của chị mỗi cân chỉ bán được 16.500đ/kg. Chị lầm bầm: Mẹ hai con mụ béo nó ám kinh quá, vải của mình quả to, đẹp chứ có xấu như mấy người kia đâu…


Những xe chở vải của TQ sau khi đã mua hàng chuẩn bị lăn bánh

Những người buôn bán ở đây đều đã nhẵn mặt nhau, người Lào Cai thì khó bị bắt chẹt như những người mới xuất hiện như chị Nguyễn Thị Liên. Anh Phương bảo: Năm nào họ cũng ép mình như thế này, hàng ít thì giá cao, hàng nhiều giá thấp, tất cả mua bán trao tay, chẳng hợp đồng gì cả, hàng đã kéo sang phía bên này rồi ai cũng muốn bán cho nhanh, kéo về làm thủ tục Hải quan nhiêu khê lắm. Bây giờ đang là đầu vụ vải, chưa vào chính vụ vải thiều mà họ ép mình ghê quá, tới chính vụ có lẽ tôi cũng không dám đánh hàng vải, lỗ chỏng vó có ngày…

Mới đầu vụ vải mà đã bị ép giá, đến giữa vụ còn bị ép đến mức nào, khổ thân cho quả vải Việt Nam quá…

Quay lại Lào Cai, về chiều nắng càng gay gắt, những cửu vạn ngồi dưới các xe vải tránh nắng, mặt người nào cũng đỏ như tôm luộc. Một người cười nhăn nhở bảo tôi: Chụp ảnh đám cửu vạn chúng em làm gì hả bác, hôm nào cũng thế thôi, chờ 2-3 tiếng trên cầu là thường mà...

Hỏi ra mới hay, do không có bãi tập kết, cứ 30-40 phút Hải quan Trung Quốc mới cho thông quan 15-20 xe vải. Thành ra hàng cứ dồn ứ trên cầu Hồ Kiều, đến 7 giờ tối xe nào không bán được hay chưa thông quan thì phải quay về Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Văn Tuân: Số vải XK sang Trung Quốc hiện nay chưa phải là nhiều, vào chính vụ vải có ngày XK 2.500-3.000 tấn. Hiện tượng thương nhân TQ ép giá thương nhân Việt Nam năm nào cũng diễn ra, do mua bán không có hợp đồng nên giữa người bán và người mua không có ràng buộc gì, nhất là khi hàng đã mang sang bên kia rồi nên họ ép thế nào cũng phải chịu.

Xem thêm
Thủ tướng đề nghị Tập đoàn Apple xác định Việt Nam là một cứ điểm trên toàn cầu

Đây là lần đầu tiên ông Tim Cook tới Việt Nam. Trước đó, vào tháng 5/2022 tại Hoa Kỳ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc gặp với Giám đốc điều hành Apple.

Hồ Tha La phủ màu xanh cho đất

Hồ Tha La là một trong những công trình thủy lợi trọng điểm của tỉnh Tây Ninh, sau nhiều năm vận hành, công trình đã được đầu tư nâng cấp, đáp ứng đa mục tiêu.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Tỉnh Phú Thọ chỉ đạo 'dẹp loạn' vi phạm, bảo vệ công trình thuỷ lợi

UBND tỉnh Phú Thọ chỉ đạo: Người đứng đầu các huyện, thị, thành phố chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu xảy ra vi phạm về thủy lợi trên địa bàn.