| Hotline: 0983.970.780

Bi kịch bên trong đại dự án gần 10.000 tỷ đồng

Thứ Sáu 16/08/2019 , 13:10 (GMT+7)

Một dự án trọng điểm ở Thành phố Hải Phòng đang gây ra nhiều bức xúc, khiếu nại, tố cáo trong nhân dân.

15-52-56_hp4
Khung cảnh tan hoang khu vực dự án trọng điểm của thành phố Hải Phòng.


Vướng gần 500 hộ dân

Theo tài liệu NNVN có được, Dự án Khu đô thị mới Bắc sông Cấm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 1131/QĐ-TTg, ngày 24/6/2016, khởi công vào ngày 17/8/2017 do Ban quản lý công trình xây dựng phát triển đô thị Hải Phòng làm chủ đầu tư, thời gian thực hiện dự án là 24 tháng.

Toàn bộ dự án được quy hoạch gồm 4 khu chức năng chính theo trục Bắc - Nam gồm: Khu hành chính - chính trị thành phố, khu đa chức năng, khu thương mại, khu cảnh quan mặt nước và 3 khu chức năng phụ trợ gồm: Trung tâm văn hóa, khu ở cao tầng kết hợp khu đa năng, khu thương mại và cảnh quan mặt nước. Có 4 hạng mục chính được đầu tư gồm cầu Hoàng Văn Thụ, hệ thống đê kè sông Cấm, hệ thống giao thông chính và hệ thống hạ tầng kỹ thuật phục vụ toàn bộ khu vực Bắc sông Cấm…

Tính toán của Hải Phòng là dự án có quy mô hơn 1.445ha, tốn kém khoảng gần 10.000 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố và các nguồn hỗ trợ hợp pháp khác, trong đó giai đoạn thực hiện Dự án Xây dựng hạ tầng kỹ thuật phải thu hồi khoảng 324ha đất tại các quận Hồng Bàng, Ngô Quyền và huyện Thủy Nguyên.

Nhưng ngay từ khi mới bắt đầu triển khai giải phóng mặt bằng, dự án này đã bộc lộ hàng loạt vấn đề như chậm tiến độ, đơn thư kiện cáo, cưỡng chế…

Huyện Thủy Nguyên là địa phương phải thu hồi đất phục vụ dự án lớn nhất với hơn 3 triệu m2 đất. Trong đó, các xã Tân Dương (hơn 2,2 triệu m2), Dương Quan (hơn 737 nghìn m2), Hoa Động (hơn 72 nghìn m2)… Ngày 17/4/2017, ông Đinh Chính Quyền, Phó Chủ tịch UBND huyện Thủy Nguyên ký thông báo thu hồi đất và giao các cơ quan liên quan lên phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng… Kể từ thời điểm đó đến nay, địa phương này ngập trong những vấn đề bức xúc, khiếu nại, tố cáo.

Có mặt tại xã Tân Dương, địa phương mất nhiều đất nhất cho dự án, băng rôn khẩu hiệu yêu cầu minh bạch quy hoạch, công khai phương án bồi thường GPMB được treo dán ở khắp mọi nơi. Đông đảo người dân mất đất gửi đơn thư cầu cứu khắp các cơ quan chức năng nhưng vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng.

Gia đình ông Vũ Quang Huy và bà Nguyễn Thị Thơm ở thôn Bến Bính, xã Tân Dương bị thu hồi hơn 4.200m2 đất bãi bồi ngoài đê. Số diện tích đất này nằm trong vùng bãi bồi trước đây được UBND xã Tân Dương hợp đồng với các hộ dân trồng cói nước mặn. Bao nhiêu năm đổ mồ hôi, công sức, tiền của để cải tạo nuôi trồng thủy sản, bây giờ, để phục vụ dự án, chính quyền huyện Thủy Nguyên quyết định thu hồi và lên phương án bồi thường hỗ trợ với mức giá 9,6 nghìn đồng/m2.

15-52-56_hp1
15-52-56_hp2
Trang trại của gia đình ông Vũ Quang Huy sau cưỡng chế.

Cho rằng mức bồi thường, hỗ trợ này quá rẻ mạt, ông Huy cùng nhiều hộ dân khác trong xã Tân Dương đã nhiều lần làm đơn cầu cứu và tham gia các buổi đối thoại về phương án bồi thường với chính quyền địa phương nhưng những thắc mắc, khiếu nại của họ vẫn chưa được giải quyết.

"Chúng tôi đã gửi đơn phản ánh tới ông Chủ tịch UBND TP Hải Phòng, Trưởng ban Nội chính Hải Phòng và các ban ngành về việc UBND huyện Thủy Nguyên thu hồi đất và đền bù cho người dân không đúng với quy định của pháp luật. Tuy nhiên, UBND huyện và thành phố chưa có câu trả lời, cũng không giải thích cho người dân được hiểu. Vì vậy chúng tôi mới có những đơn thư, khiếu nại, tố cáo gửi các đại biểu Quốc hội và các cơ quan Trung ương”, bà Nguyễn Thị Thơm nói.

Tại buổi làm việc với PV NNVN, ông Lê Anh Thân, Giám đốc Trung tâm quỹ đất huyện Thủy Nguyên thừa nhận các vấn đề tồn tại của dự án như chậm tiến độ và khiếu kiện kéo dài. Theo ông Thân, trong tổng số 317ha đất của Thủy Nguyên phải thu hồi thì hiện tại mới thực hiện được 257ha, còn khoảng 500 hộ dân ở quanh khu vực đầm Tân Hoa đang vướng mắc.

“Đa phần người dân đều ủng hộ dự án, tuy nhiên vấn đề khó khăn hiện nay là việc xác định nguồn gốc đất để tiến hành phương án bồi thường hỗ trợ phù hợp đối với người dân”, ông Thân nói.

Điều đáng nói ở chỗ, trong khi những khó khăn vướng mắc chưa được giải quyết, người dân khiếu kiện lên tận trung ương, Chính phủ đang có những chỉ đạo Thanh tra vào cuộc làm rõ thì huyện Thủy Nguyên đã tổ chức cưỡng chế đối với 10 hộ dân gồm: Bùi thị Nhung, Trần Thị Vân, Đàm Văn Dưỡng, Phạm Thế Hùng, Đào Thị Xuyên, Đoàn Thị Lan, Nguyễn Thị Ngọc Anh, Nguyễn Thị Kim Thu, Đậu Văn Dũng, Vũ Quang Huy.
 

Thanh tra Chính phủ vào cuộc chậm?

Trong các cuộc đối thoại với người dân mất đất, chính quyền huyện Thủy Nguyên cho rằng, “có diện tích đất lấn chiếm, đất vi phạm hành lang đê điều”, tuy nhiên, khi người dân yêu cầu công bố văn bản chỉ rõ sai phạm của họ thì chưa được làm rõ.

Sau khi tiếp nhận đơn thư của bà Nguyễn Thị Thơm và những người nông dân mất đất ở Thủy Nguyên, Ủy ban Kiểm tra Trung ương có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ đồng thời chuyển đơn khiếu nại, tố cáo một số nội dung liên quan đến việc thu hồi đất thực hiện Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị mới Bắc sông Cấm.

Đầu tháng 3/2019, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình giao Thanh tra Chính phủ kiểm tra, rà soát các nội dung khiếu nại, tố cáo của bà Nguyễn Thị Thơm và một số công dân; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 5/2019.

Tuy nhiên, phải đến ngày 20/5/2019 Phó Tổng Thanh tra Chính phủ mới ký quyết định thành lập tổ xác minh và đến ngày 12/6/2019, tổ công tác của Thanh tra Chính phủ mới làm việc với chính quyền và các hộ dân.

15-52-56_hp3
Trong các lá đơn cầu cứu, những người nông dân mất đất cho rằng, việc cưỡng chế của chính quyền là thiếu thuyết phục.
Tại buổi làm việc với PV NNVN, ông Đỗ Hữu Hưng, Phó Giám đốc Ban quản lý công trình xây dựng phát triển đô thị Hải Phòng (chủ đầu tư dự án) cũng thừa nhận việc dự án chậm tiến độ và vướng mắc trong vấn đề giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, theo ông Hưng, đây là dự án trọng điểm của thành phố nên các quy định pháp luật được thực hiện khá chặt chẽ.

Tại buổi làm việc này, đại diện các hộ dân tiếp tục khẳng định vẫn giữ nguyên nội dung nêu trong đơn gửi ông Trần Cẩm Tú, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương vào ngày 29/12/2018.

Về nội dung tố cáo cưỡng chế thu hồi đất, bà Nguyễn Thị Thơm và các công dân cho rằng các quyết định cưỡng chế của huyện Thủy Nguyên bằng cách nào đó đã đến tay người dân rất chậm.

Bà Đoàn Thị Lan khẳng định, khi tiến hành cưỡng chế, cơ quan chức năng đã ép các hộ dân ký vào đơn “Đề nghị xin tự nguyện chấp hành quyết định cưỡng chế thu hồi đất”. Cán bộ ban cưỡng chế nói nếu không ký thì các hộ dân phải chịu chi phí cưỡng chế và tiền bồi thường hỗ trợ sẽ đưa vào kho bạc. 

Theo người dân, sau khi UBND huyện Thủy Nguyên ban hành phương án bồi thường, hỗ trợ cho các hộ dân, một số hộ dân không đồng ý, gửi đơn lên thành phố nhưng đến nay vẫn chưa được xem xét giải quyết.

Người dân kiến nghị TP Hải Phòng và huyện Thủy Nguyên xem xét lại phương án bồi thường hỗ trợ theo đúng quy định của pháp luật.

Trao đổi với PV NNVN, ông Lê Anh Thân cho biết, hiện tổ công tác của Thanh tra Chính phủ đã thực hiện xong việc xác minh nội dung khiếu nại, tố cáo, hiện đang chờ để ra thông báo kết luận. Như vậy, so với chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, việc xác minh vụ việc ở dự án này đã chậm khoảng hơn 2 tháng so với thời hạn yêu cầu báo cáo.                 

Trong các lá đơn cầu cứu, những người nông dân mất đất cho rằng, việc cưỡng chế của chính quyền là thiếu thuyết phục. Bởi quyết định cưỡng chế được thông báo vào ngày 29/3 thì đến ngày 2/4/2019, các lực lượng chức năng đã tới cưỡng chế tháo dỡ, san ủi đất và nhà cửa của người dân trong khi một số hộ thậm chí còn chưa hay biết.

Điển hình như trường hợp gia đình bà Nguyễn Thị Ngọc Anh và ông Phạm Quang Hưng. Theo đơn tố cáo, thời điểm đoàn cưỡng chế san ủi căn biệt thự của gia đình này cả ông Hưng và bà Ngọc Anh đều không có mặt.

Xem thêm
Long trọng kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú

Ngày 17/4, tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú (1/5/1904-1/5/2024), Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng.

Greenfeed Việt Nam công bố kết quả tăng trưởng lợi nhuận bền vững

Greenfeed Việt Nam với những chỉ số tài chính vừa công bố, cho thấy thương hiệu này vẫn duy trì hoạt động sản xuất và kinh doanh hiệu quả trên thị trường nông sản.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cứu lấy gần 30ha rừng ngập mặn ở Nam Định: [Bài 2] Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm?

Chủ đầu tư Khu công nghiệp Rạng Đông phải chịu trách nhiệm nếu kênh xả thải khu công nghiệp chặn dòng chảy làm gần 30ha rừng ngập mặn ven biển Nghĩa Hưng bị thiệt hại.