| Hotline: 0983.970.780

Bi kịch của đa số đàn ông lão là 'trên bảo dưới không nghe'

Thứ Sáu 06/07/2018 , 06:50 (GMT+7)

Tinh thần có chi phối người đàn ông giai đoạn này không? Hay là anh có bệnh mà không muốn đi khám? Hay là với đàn ông nói chung, hiện tượng mãn là vậy...

Chị thân mến!

Chúng tôi đã có ba mươi lăm năm chồng vợ, ba mặt con, hai trai một gái. Như mọi người, chúng tôi là công chức, đi làm, ham con có trai có gái nên sinh quá hạn mức 1 lần, bị nhắc nhở, suýt bị kỷ luật. Rồi cũng xong. Tôi ít hơn chồng 10 tuổi, năm nay tôi lục tuần, còn anh ấy thất thập. Anh lấy vợ muộn so với bạn bè trang lứa nên nay còn đứa gái út chưa lập gia đình.

Chị ạ, những vấn đề của hôn nhân, tôi không có gì đến mức phải tham vấn bạn bè, hay gặp chuyên gia. Không ai giống ai thì các cuộc hôn nhân đều vừa giống vừa khác nhau, tôi hiểu và chúng tôi đã cùng nhau xử lý, cùng nhau vượt qua. Xế chiều, là xuống dốc, sức khỏe, quan hệ vợ chồng, may mà, nếu khéo toan tính từ sớm thì thong dong về kinh tế.

Vấn đề của lá thư thuộc phạm trù tế nhị chị ạ. Nhỏ to với bạn bè được không, được chứ, nhưng mỗi bà nói một kiểu theo kinh nghiệm cá nhân, tức cười hơn là bổ ích. Việc không đến mức phải tìm đến nam khoa của bệnh viện, thôi thì tâm sự với chị để hiểu thêm và tìm một liệu pháp tinh thần cho việc này.

Chị ạ, tôi thấy dấu hiện tiền mãn vào tuổi 45, khi ấy chồng mới 55, sung sức, chín muồi. Tôi luôn sợ và nghĩ, chết rồi, chồng nhiều hơn những 10 tuổi mà xem ra khó giữ được anh ấy. Tôi giống mẹ, nội tiết tốt, tiền mãn không có nghĩa là mãn hẳn, mẹ tôi gần sáu mươi mới mãn. Tôi cố gắng thể dục để không phải đi bệnh viện như mấy đứa bạn, thản nhiên già thản nhiên xuống. Những khi vợ chồng gần gũi, tôi lơ đễnh tôi lo ra là điện nước có vấn đề, khi ấy chồng thất vọng thấy rõ. Càng lo tôi càng sa lầy chị ạ. Tôi tự rút kinh nghiệm, muốn vợ chồng vui vẻ hài hòa, tôi phải tập trung, không lo ra, tự nhiên, sẽ khá.

Chắc ai cũng thế thôi, già mà ham không tốt. Chồng tôi không đến nỗi như tôi nghĩ, anh rất điều độ, hiểu biết. Giai đoạn thất vọng không kéo dài, anh cũng khoan thai, chồng vợ nhiều khi ôm ấp tâm sự cũng đủ. Bỗng dưng anh mất tự tin vào năm ngoái, cho đến năm nay. Anh hay muốn nằm riêng, ngủ riêng và qui trình sinh học của người đàn ông thay đổi hẳn chị ạ. Tôi rất bối rối, tôi không cần gì không thấy gì nhưng chồng thì như đang giấu tôi một trọng bệnh vậy.

Tinh thần có chi phối người đàn ông giai đoạn này không? Hay là anh có bệnh mà không muốn đi khám? Hay là với đàn ông nói chung, hiện tượng mãn là vậy, có đúng mãn hoặc là chồng tôi diện mãn sớm và nó ảnh hưởng thực sự đến phong độ của họ?

-------------------

Bạn thân mến!

Cuộc sống vợ chồng như ông bà mình luôn nói, già gắn kết nhờ nghĩa. Đúng luôn, mãi đúng. Chỉ cần nằm bên nhau, chạm chút vào nhau, nghe mùi nhau mà ngủ, không cần gì cả. Già thì anh và em cùng già, sợ chi. Chồng của bạn hơn bạn mười tuổi, khoảng cách đẹp, không khập khểnh trục trặc gì đâu.

Nhưng phụ nữ mình có hồi xuân, giữa tiền mãn và mãn là khoảng hồi xuân tuyệt diệu. Ta mẫn cảm từng cơn gió thoảng, từng câu hát hay, từng đụng chạm khẽ khãng của chồng. Như được lên dây cót, đúng khi ấy chồng phong độ nhất, chín muồi nhất, càng nhịp nhàng. Sau giai đoạn ngắn một cách đầy tiếc nuối ấy là cái dốc dài để ta trượt xuống “điểm liệt” của sự già. Người phụ nữ như thuyền, chồng như nước, nước lên thuyền lên, có thủy triều sẽ vui hơn, không có cũng không hề gì.

Đàn ông vào thất thập là một bước ngoặt về sức khỏe, nó ảnh hưởng rất lớn đến tâm sinh lý bạn ạ. Họ già thật chứ không phải dọa già. Đến tám mươi nữa thì có thể gút-bay chiếc giường của vợ rồi đó. Tôi chưa thất thập, nhưng tôi đã qua giai đoạn lục tuần của bạn, tôi hiểu cảm giác đôi khi mong nước lên để thuyền lên cho vui. Nhưng nước ròng, nước kiệt, thuyền thấy mắc kẹt, bỏ rơi. Nhưng cái nghĩa vợ chồng choán hết, ngày dài đêm ngắn, chợp mắt đã sáng, có anh ôm ấp qua chút rồi quay lưng lại với nhau ngủ khì cũng được mà anh nằm riêng ư, cũng không thấy chướng.

Tóm lại, bạn già dần, trong khi chồng bạn bỗng dưng già sụm. Người đàn ông như đứa trẻ, họ thấy mình không còn dương lực, không menly nữa, họ chán chính họ, chán sống, ăn không hào hứng, uống cũng không thèm. Người hiểu biết và có phòng ngừa, sẽ dồn cho thể lực, rèn luyện, ăn vài thứ chống lão hóa. Người yếu sức từ trước sẽ hoang mang, chết chưa, không sợ mất vợ, chỉ sợ mất thế với vợ. Có người vẫn có con ở độ này nếu đối tác trẻ, như một nhạc sĩ nổi tiếng cưới cô vợ nhỏ hơn ông ấy gần 40 tuổi. Thay đối tác mới và trẻ măng, đàn ông lập tức phong độ ngay. Nhưng sẽ không lâu, chồng già vợ quá trẻ, bi kịch ấy sẽ đến vào lúc ông ấy chín mươi mà vợ thì mới trung niên.

Không hề gì nếu chồng bạn mãn dục ở tuổi bảy mươi. Anh ấy tự ti vì anh cứ nghĩ sẽ mãn từ từ như phụ nữ. Hình như đàn ông như vòi nước bị khóa, khóa luôn, cái vòi gỉ sét không vặn được nữa. Bi kịch của đa số đàn ông lão là “trên bảo dưới không nghe”. Thực sự một quãng đời khác, như khi họ về hưu công sở vậy. Bạn nên chủ động gần chồng, chỉ để san sẻ rằng anh già tự nhiên cũng như em đang già. Chúng ta là đôi vợ chồng già, ăn với nhau, nằm không với nhau, là đủ.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Bình luận mới nhất