| Hotline: 0983.970.780

Bi kịch một gia đình

Thứ Năm 19/03/2015 , 06:15 (GMT+7)

Ngày Lê Thanh Tuấn (SN 1982) đánh chết vợ để phải lãnh án tù chung thân, chắc hẳn không thể biết phút giây nông nổi của mình đã đẩy 3 đứa con bé bỏng lâm vào cảnh tận cùng của sự khốn khổ.

Định mệnh oan nghiệt

Số phận của 3 đứa trẻ Lê Nguyễn Nguyên T. (10 tuổi), Lê Nguyễn Trường N. (6 tuổi) và Lê Nguyễn Nguyên S. (4 tuổi) được định đoạt trong một ngày đầy buồn bã cách đây 3 năm.

Trong 6 năm đầu kể từ khi kết hôn (2002), vợ chồng anh Tuấn và chị N.T.T (SN 1982) ở thôn Kinh Tế, xã Canh Vinh (Vân Canh, Bình Định) chung sống với nhau rất hạnh phúc. Chồng đi làm thợ hồ, vợ làm ruộng, chẳng lấy gì làm dư dả nhưng số tiền kiếm được cũng đủ nuôi con.

Bỗng dưng anh Tuấn đổ tật nhậu nhẹt, bỏ cả nghề thợ hồ, suốt ngày đùm túm với bạn nhậu. Gánh nặng gia đình oằn lên vai người vợ. Chị T. nhiều lần khuyên giải chồng bớt nhậu, đi làm để cùng chị kiếm tiền nuôi con nhưng đáp lại là những trận đòn chí mạng.

Chưa hết, mối quan hệ ngoài vợ ngoài chồng với người phụ nữ khác của anh Tuấn đã khiến hạnh phúc của 2 vợ chồng thực sự rạn nứt.

Hôm ấy, quá buồn lòng, vợ anh Tuấn ra đường ray xe lửa ngồi than khóc một mình, để đứa con trai út ở nhà khóc toáng. Tuấn nổi nóng cầm búa đi tìm. Gặp vợ, lời qua tiếng lại một chặp, Tuấn cầm chiếc búa đánh vào đầu khiến vợ chết tại chỗ.

Với tội danh giết người, Tuấn phải lãnh án tù chung thân. Mẹ mất, cha ngồi tù, 3 đứa con bé bỏng của anh Tuấn liền lâm cảnh mồ côi. Khi ấy, đứa con lớn nhất của vợ chồng anh Tuấn là cháu Lê Nguyễn Nguyên T. mới 7 tuổi, đứa nhỏ nhất mới chỉ 2 tuổi. Sau khi mẹ chết, ba đi tù, 3 đứa con của anh Tuấn phải ở với ông bà nội và người chú bị mắc bệnh tâm thần.

Đứng trước hoàn cảnh ông bà nội đã già, kế sinh nhai duy nhất là đi lượm ve chai về bán nhôm nhựa kiếm tiền nuôi cháu và người chú, cháu T. khi ấy mới chỉ 7 tuổi mà đã phải cáng đáng việc chăm sóc 2 em từ miếng ăn đến chuyện học hành, kể cả chuyện giặt giũ quần áo. Cứ nghĩ, một đứa bé mới chỉ 7 tuổi đầu đã phải đóng vai người mẹ trong một gia đình, lòng tôi lại nhói đau.

Ngôi nhà nhỏ, tuềnh toàng nằm hun hút trong xóm nhỏ ở thôn Kinh Tế hình như không thể chứa hết nỗi đau của những người đang sống ở đây. Tường gạch không tô vữa. Cửa sổ là tấm tôn rách cứ rung lên phành phạch mỗi khi có gió thổi.

Dù nhà chẳng ra nhà nhưng đây là nơi 3 chị em T. cùng ông bà nội và người chú bị bệnh tâm thần xem là tổ ấm. Tổ ấm đơn sơ đến mức chỉ có 2 đồ vật có giá trị, đó là chiếc giường cũ kỹ bên trên trải chiếc chiếu rách tơi tả và chiếc xe đạp đã hết cỡ cà tàng…

Bà nội của cháu T. là Phan Thị Chi than thở: “Mỗi ngày, vợ chồng tui đi lang thang khắp mọi nẻo đường để nhặt những vật dụng bằng nhôm nhựa để bán ve chai. Có hôm tui đi miết vào tận xã Xuân Lãnh (Đồng Xuân, Phú Yên). Số tiền kiếm được cũng chỉ đủ đắp đổi cơm mắm qua ngày cho cả gia đình 6 nhân khẩu”.

7 tuổi đã phải "làm mẹ"

Đến nay, cháu T. đã trải qua 3 năm “làm mẹ” với 2 đứa em. Dù T. đã lên 10 tuổi nhưng nhìn cháu, tôi không nghĩ cháu có thể cáng đáng việc người lớn gọn gàng đến vậy. Gần trưa, cháu T. vội vã vào bếp loay hoay nhặt mớ rau. Rời rổ rau, T. vội vã vo gạo rồi nhóm lửa nấu cơm.

09-29-37_1
Cháu T.  kéo gàu nước để rửa rau

Khá vui chuyện, T. vừa làm việc vừa trò chuyện rôm rả: “Mỗi buổi tan học cháu đến trường đón em trai rồi về nhà lo chuyện cơm nước. Ông bà nội cháu hôm nào đi lượm ve chai gần thì về nhà ăn trưa cho đỡ tốn tiền, hôm nào đi xa thì đến tối mịt mới về. Ở nhà có chú, nhưng do chú bị bệnh tâm thần nên những khi đi học về, ngoài lo chăm sóc cho 2 đứa em, cháu còn có nhiệm vụ phải trông chừng chú nữa”.

Im lặng một lát như để kìm nén sự xúc động, cháu T. nói tiếp: “Ông bà nội thương mấy cháu lắm, nhưng do tuổi đã già nên ông bà không còn sức khỏe lặn lội đi xa được nên không lượm được nhiều nhôm nhựa, hằng ngày không kiếm được nhiều tiền. Biết vậy nên cháu luôn nhắc mấy em không được vòi vĩnh, phải luôn ngoan để ông bà vui lòng”.

Bắc xong nồi cơm, cháu T. lại tất bật ra giếng xách nước rửa rau. Nhìn cái dáng còm nhom của cháu T. kéo gàu nước, tôi lại thấy nhói lòng.

Chiếc gàu bị thủng, sức cháu T. yếu nên kéo được gàu nước lên phải mất thời gian khá lâu. Khi chiếc gàu được kéo lên miệng giếng thì nước trong gàu đã bị chảy mất một nửa. Cháu T. vừa rửa rau vừa quệt mồ hôi ướt đẫm trán, mặc dù làm việc quần quật nhưng gương mặt của cháu T. luôn tươi tắn, cứ như đây là trách nhiệm mình không thể không làm.

“Trước khi đi lượm ve chai, bà nội đã mua sẵn thức ăn nên đi học về cháu cứ thế mà nấu. Bữa cơm nhà cháu rất đơn giản, thường thì chỉ các món rau luộc hoặc rau sống, hôm nào khá hơn có mớ cá kho nên việc bếp núc của cháu cũng không có gì nhiều, chỉ làm một loáng là xong”, T. nhỏ nhẹ tâm sự.

Theo tâm sự của T., làm việc nhà cháu không hề ngại, T. ngại nhất là việc dạy dỗ mấy đứa em. Một đứa mới 6 tuổi, một đứa 4 tuổi nên chưa hiểu được gì, ông bà nội cháu T. đi làm cả ngày nên không nhắc nhở, dạy dỗ mấy em được. Để ông bà yên tâm đi làm kiếm tiền, T. tự nhủ mình biết được gì thì dạy cho các em điều ấy, miễn là điều tốt.

Hàng ngày, lo xong hết việc nhà, cho các em ăn uống, giặt đồ cho cả nhà xong T. mới có thời gian dành cho việc học tập. Tuy vậy, cháu không bao giờ xao nhãng việc học, quyết tâm kiếm chữ để sau này có được việc làm ổn định lo cho 2 đứa em.

“Ông bà nội đã trên 60 tuổi, lại lao động vất vả nên sức khỏe ngày càng yếu, nếu bây giờ cháu không biết tự lo thì sau này ai lo cho các cháu”, cháu T. nghẹn giọng nói.

“Thế cháu chăm sóc hai em như thế nào?”, tôi hỏi. “Mỗi ngày, cháu chuẩn bị sách vở, đồ đạc cho hai em đi học, hết giờ đi đón em về. Cháu sợ nhất là những lúc các em bị bệnh, cứ khóc mãi không thôi. Những lúc như vậy cháu chỉ biết khóc theo em. Những khi dỗ em không nín khóc, cháu thấy nhớ mẹ lắm. Khóc mệt rồi mấy chị em cháu ôm nhau ngủ thiếp đi”, T. bộc bạch.

Trong khi trò chuyện, chặp chặp cháu T. ngước nhìn di ảnh mẹ rồi cúi mặt, đôi mắt trong veo bỗng long lanh nước. Thấy chị buồn, cậu em trai Trường N. (6 tuổi) kéo chị lại bày đồ chơi ra. Theo tôi hiểu, đây là cách cậu em dỗ dành chị.

09-29-37_3
Bé Trường N. lần đầu tiên được các nhà hảo tâm mua cho áo mới

Cháu Trường N. khoe: “Đồ chơi của chị em cháu nhiều lắm. Không phải được mua mới nhưng là của ông bà nội lượm được trong mớ nhôm nhựa nhưng không bán, mang về rửa sạch cho bọn cháu chơi”.

Nhìn mấy đứa cháu ngây thơ đùm bọc nhau, bà nội Phan Thị Chi không cầm được nước mắt, nói: “Già rồi, vợ chồng tui chẳng làm được gì nữa. Ngày ngày, hai vợ chồng đi khắp làng trên xóm dưới lượm nhặt ve chai bán kiếm vài ba đồng lo cơm lo mắm cho mấy đứa nhỏ với thằng con bệnh tật. Chỉ vì mâu thuẫn vợ chồng, một phút nóng giận mà thằng con trai tui đã không làm chủ được mình, đánh chết mẹ chúng. Giờ mẹ mất, ba cũng không còn, chúng trở thành những con chim non mất tổ. Vợ chồng tui đã trên 60 tuổi, biết còn sống đến ngày nào để lo cho chúng. Đêm nào nghĩ đến chuyện đó tui cũng nằm khóc suốt đêm nhưng không dám cho chúng biết”.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Giông lốc gây thiệt hại tài sản, hoa màu của người dân Si Ma Cai

Lào Cai Giông lốc, mưa lớn gây ảnh hưởng đến mùa màng của người dân trên địa bàn huyện Si Ma Cai và huyện Mường Khương.

Bình luận mới nhất