| Hotline: 0983.970.780

Bi kịch

Thứ Ba 02/11/2010 , 10:23 (GMT+7)

Bố con là thầy giáo có thâm niên cao. Ông đang rất quý một chị học trò. Đôi khi con tự hỏi, bố dành cho chị ấy tình cảm gì: Cha - con, thầy - trò, bạn bè, tri kỉ, đàn ông - đàn bà? Hay là tổng hợp những thứ ấy?

Cô kính mến!

Con đang là sinh viên năm cuối. Bố con là nhà giáo có thâm niên cao, hiền lành, trách nhiệm, vui tính. Trong số học trò của mình, bố rất quý một chị. Đôi khi con tự hỏi, bố dành cho chị ấy tình cảm gì: Cha - con, thầy - trò, bạn bè, tri kỉ, đàn ông - đàn bà? Hay là tổng hợp những thứ ấy? Với bố, chị là số 1, không thể thay thế. Bố dành cho chị tất cả đến nỗi có khi con phải ghen tị (dù biết rằng chị xứng đáng được như thế). Đương nhiên mẹ con không thích chị, nhưng không lay chuyển được bố.

Bố mẹ sống ly thân, chị lớn lên bên cạnh bà, giỏi giang, cá tính và rất nhạy cảm. Bố từng nói với con, bố thích cá tính và sự nhạy cảm của chị, thích từ những ngày đầu bố dạy khi chị còn học cấp II. Bố theo dõi việc học của chị (dù cho sau này bố không dạy chị nữa), lo cho sức khỏe, đời sống của chị. Tự bao giờ, bố đã trở thành bạn của chị, một người bạn thân nhất.

Ngày còn nhỏ, bố vừa đèo con vừa kèm chị về tận nhà những ngày mưa tầm tã. Khi con học cấp 2, cấp 3, chị đã là sinh viên, con chỉ thấy bố đi ra ngoài với chị, không phải với mẹ con hay bất cứ một phụ nữ nào khác. Con và đứa bạn thân đã chứng kiến bố ngồi xuống cột dây giày khi chị ướm thử giày trong cửa hiệu, lúc ấy bạn con rất ngạc nhiên.

Chị ra trường và thành đạt, bố và chị vẫn khắng khít như vậy. Bắt đầu có những đàm tiếu về mối quan hệ của hai người. Chị không để ý đến lời dị nghị. Nghe nói trong nhiều cuộc họp cơ quan, bố cứ bị người ta bóng gió. Từ cái vụ chị "giải cứu" bố khỏi một cuộc nhậu có karaoke, mẹ con cũng đánh tiếng về mối quan hệ “trên mức bình thường” của chồng và cô học trò cũ. Mẹ cáu giận thường xuyên hơn với bố, dù cả bố và mẹ đều vẫn rất tốt với anh em chúng con.

Gần đây bỗng dưng bố đổi tính. Trầm buồn, ít nói, khi nói toàn những câu mỉa mai. Về thăm nhà, con thấy ông như người vô hồn, cứ nằm vật ra giường, cứ nhìn trừng trừng vào khoảng không. Con sợ đến nỗi không dám hỏi việc gì đã xảy ra. Trong một tuần mà bố có ba đêm về rất khuya, nồng nặc mùi rượu và hai mẹ con phát hiện bố khóc vào đêm thứ ba. Hôm sau bố nghỉ làm, những ngày kế tiếp thì bố đi bình thường nhưng giống như một cái xác.

Con tình cờ đọc thấy tin nhắn bố gởi cho một người bạn, đọc cả tin hồi âm của người ấy, con đoán hai người đang nói đến chị. Con thử gọi điện để hỏi thăm việc gì đã xảy ra, nhưng chị rất kín miệng. Chị vẫn nói chuyện với con bình thường. Con không biết cách giúp bố như chị, con không thay thế được chị trong lòng bố. Con sợ bố sẽ gục ngã. Nếu chị phản bội niềm tin của bố, bố có thể tha thứ hay suốt đời giận chị, suốt đời sống trong đau khổ với vỏ bọc này? Trên đời, có lỗi lầm nào là không tha thứ được không cô?

Con mong cô không tiết lộ email

Cháu thân mến!

Trên đời này có rất nhiều người vướng vào thứ tình cảm phức tạp ấy: Cha - con, thầy - trò, nam - nữ. Môi trường sư phạm, loại này càng nhiều. Trong văn học đã có Giăng Van-giăng và Cô-dét trong "Những người khốn khổ" của Vich-to Huy-gô. Thứ tình ấy dịu dàng, đeo đẳng, hy sinh và có rất có ý nghĩa với họ.

Cháu đã gọi đúng cái tên rất dài của mối quan hệ ấy. Điều cô ngạc nhiên là bố có con gái mà ông ấy vẫn cần cô ta sao? Thông thường, người độc thân như Giăng Van-Giăng mới yêu Cô-dét như con, như báu vật. Và trong kháng chiến cô cũng được một ông chú yêu như con vì ông có 5 đứa con trai, không con gái và rất hạnh phúc với vợ.

Theo cô, ban đầu, khi cô gái còn nhỏ, bố cháu yêu như thầy yêu một học trò đặc biệt, sau hoàn cảnh bố mẹ ly thân vậy nên cô ta khôn lanh hơn tuổi, bố sớm tìm thấy ở cô trò đó tình tri kỷ và lâu ngày, có thể nó đã biến thành tình trai gái rồi cũng nên. Đừng tưởng trai gái trong trường hợp này là có giường chiếu, chắc là không, nó cứ chung chiêng như vậy và rất mãnh liệt, bước qua ranh giới là bi kịch liền. Họ như mặt đất với bầu trời, quan hệ một cách lý tưởng và có thuyết lý, không xa cũng không nhập vào, song đôi, vĩnh cửu.

Cháu đã linh cảm đúng. Có thể trên con đường làm ăn, cô ta đã phải kết nối, móc ngoặc, dấn thân với những đối tượng mà bố hằng lên án, khinh bỉ. Doanh nhân cũng ngậm đắng nuốt cay mới có tiền chứ. Như bố mà đôi lúc cũng còn phải nhậu, phải đi karaoke "mỏi tay" đấy thôi. Môi trường giáo dục còn không sạch nữa là ở đâu.

Dĩ nhiên bố sẽ đau một mình, vợ không chia sẻ, con không thể nói cùng, bạn thì không phải ai cũng hiểu được mối quan hệ thiêng liêng bí ẩn của bố. Làm sao một người như vậy còn bình thường được nếu cô ta lấy chồng chẳng hạn. Bố luôn muốn cô ấy độc thân và chỉ tôn thờ mình thôi. Biết đâu bố không dứt ra được và cứ lằng nhằng xuất hiện ở chỗ cô ta để rồi chồng cô ta cũng không yên, không thích, như cô ta trong con mắt mẹ cháu vậy.

Quan hệ này đã lún sâu quá rồi. Phải có thời gian để tự nó rời ra. Nó đang rời ra đấy. Quy luật mà. Cháu hãy lặng lẽ chăm sóc bố, thấu hiểu, ân cần, nâng đỡ. Bố không có lỗi. Cái số bố đeo mang như vậy. Và hãy chia sẻ những điều cô viết cho mẹ, nếu cháu thấy cần. Hy vọng bố sẽ "thuyên giảm", bình phục.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm