| Hotline: 0983.970.780

Bi kịch sau những chiến công

Thứ Tư 01/02/2012 , 09:46 (GMT+7)

Phải mất tới hàng chục nghìn tấn đất đá, 140 tấn xi măng để xây kè và hàng nghìn cây bần, cây vẹt thì dòng chảy phía ngoài Cống Rộc mới chuyển hướng...

Phải mất tới hàng chục nghìn tấn đất đá, 140 tấn xi măng để xây kè và hàng nghìn cây bần, cây vẹt thì dòng chảy phía ngoài Cống Rộc mới chuyển hướng...

>> Ký sự đời biển “bạc”…

Công lao càng lớn, nỗi đau càng nhiều

Áp tết vừa rồi, chúng tôi tìm gặp chị Nguyễn Thị Thương (vợ Đoàn Văn Vươn) và một số chủ đầm ở Tiên Lãng (Hải Phòng) để chuyển đến gia đình sự cảm thông, chia sẻ của nhiều độc giả. Qua câu chuyện của chị Thương và những người dân ở các xã Vinh Quang, Hùng Thắng… mới thấy hết được công sức, tiền của mà những người khai hoang Cống Rộc lớn đến nhường nào. Buồn ở chỗ, những người công càng lớn, bi kịch lại càng nhiều.

Chị Thương đã có một lá đơn tố giác gửi đến Báo NNVN. Bên cạnh nội dung mong muốn các cơ quan chức năng làm rõ trách nhiệm của Hội đồng cưỡng chế UBND huyện Tiên Lãng, chị cũng khẩn cầu xem xét đến những công lao mà chồng chị, gia đình chị và những người khai hoang Cống Rộc đã đổ xuống. Hai mươi năm, nhưng những khó khăn, vất vả và cả bao nhiêu mất mát, đau thương vẫn hằn sâu trên khuôn mặt chị, đến nỗi chị Thương kể rành rọt từng chi tiết như chỉ mới vừa hôm qua.

Do là người có công trong việc mở mang diện tích đất bồi ven biển nên ngày 4/10/1993, UBND huyện Tiên Lãng đã có Quyết định số 447/QĐ-UB giao 21 ha bãi bồi ven biển thuộc xã Vinh Quang (Cống Rộc) cho gia đình anh Đoàn Văn Vươn sử dụng vào mục đích nuôi trồng và khai thác thuỷ sản. Có được đất, vợ chồng anh Vươn và vợ chồng người em trai là Đoàn Văn Quý yên tâm với sự nghiệp quai đê, lấn biển để tập trung đầu tư nuôi trồng thủy sản. 

Với việc cưỡng chế thu hồi đất của chính quyền, căn nhà 2 tầng bỗng chốc chỉ còn đống gạch vụn

Cống Rộc là vùng ven biển có dòng chảy phức tạp nhất ở huyện Tiên Lãng. Chính anh em Đoàn Văn Vươn, Đoàn Văn Quý là những người đầu tiên dám suy nghĩ đến chuyện uốn các dòng chảy để có được bãi nuôi trồng thủy sản bề thế như hôm nay. Chị Thương kể lại rằng: Lúc vợ chồng mới ra đây lập nghiệp phải thuê tới hơn 750 nhân công cùng 13 tàu, xe cơ giới ngày đêm vật lộn với sóng biển. Ước tính đã có trên 23.000m3 đất đá được chuyển từ Thuỷ Nguyên (Hải Phòng) và trong vùng đổ xuống Cống Rộc. Từ năm 1994 đến 1998, hàng ngàn cây giống đã được hai vợ chồng chị bỏ công sức chuyển từ đất liền ra trồng, nhưng tất cả đều bị sóng biển cuốn trôi.

Phải mất tới hàng chục nghìn tấn đất đá, 140 tấn xi măng để xây kè và hàng nghìn cây bần, cây vẹt thì dòng chảy phía ngoài Cống Rộc mới chuyển hướng, chân đê từ chỗ sâu 1,65m ngập trong nước được nâng lên cốt dương. Hàng chục ha đất bồi cùng 60ha rừng vẹt ngăn sóng hình thành và không ngừng phát triển. Thậm chí, thành công từ việc trồng rừng chắn sóng của những người như anh Vươn còn được các chuyên gia người Nhật Bản đến tìm hiểu, học tập.

Câu chuyện của chị Thương thỉnh thoảng đứt quãng bởi những tiếng nấc, những giọt nước mắt dành cho sự mất mát quá lớn mà hai vợ chồng chị phải gánh chịu. Họ đã phải bán những tài sản có giá trị nhất của gia đình, vay lãi ngân hàng, vét đi tất cả những gì mình có để đổ vào công việc lấn biển. Đau đớn nhất, và cũng là bi kịch nhất gia đình chị Thương phải gánh chịu trong quá trình lấn biển, là ngay chính tại bãi triều Cống Rộc này, năm 2001, đứa con gái đầu lòng mới 8 tuổi đã bị nước biển cuốn đi.

Chân đất ra tòa

Sau khi dòng chảy chuyển hướng, Tết năm 1994, những người già ở làng Chùa, xã Vinh Quang tổ chức đốt pháo ăn mừng rầm rộ lắm. Đốt để ghi nhớ công lao những người như anh Vươn đã làm thay đổi cuộc sống người dân ven Cống Rộc. Đốt để hy vọng Cống Rộc sẽ có thêm nhiều anh Vươn, anh Quý để đời sống người dân bớt khổ. 

Hiện gia đình chị Thương sống tạm trong căn lều vừa được dựng tạm trước Tết

Và quả thật, sau anh Vươn, sau anh em nhà họ Lương, lần lượt Cống Rộc đẻ ra nhiều chủ đầm có chí làm giàu. Họ cùng nhau dồn công góp sức để phát triển nuôi trồng thủy sản. Liên chi hội Nuôi trồng thủy sản nước lợ huyện Tiên Lãng ra đời khi số chủ đầm ở Cống Rộc đã lên đến vài chục người. Ba người uy tín nhất, công lao lớn nhất được bầu làm ban chấp hành bao gồm anh Vươn, ông Vũ Văn Luân và ông Lương Văn Trong. Sau quyết định dừng đầu tư của UBND huyện Tiên Lãng vào năm 2007, chính họ là những người đội đơn kêu cứu nhiều nhất. Nhưng hầu hết những lá đơn, những tiếng kêu cứu ấy đều bị “dội ngược” trở lại những cơ quan cấp dưới.

+ Danh sách các chủ đầm bị thu hồi rất dài, bao gồm gần 20 hộ, trong đó tập trung ở các xã Vinh Quang, Đông Hưng, Tây Hưng, bao gồm: chủ đầm Lương Văn Trong (30ha, xã Đông Hưng); Hoàng Văn Tin (23ha, xã Tây Hưng); Vũ Văn Chiêng – 7ha; Vũ Văn Tụy (50ha, xã Đông Hưng); Lương Văn Ná (19ha); Lương Văn Tảnh (6ha); Lương Văn Cường (3,5ha); Hoàng Văn Đỏ (7ha); Nguyễn Trọng Chính (7ha); Trần Đình Thảo – 6ha; Hoàng Văn Hùng (7ha, xã Tây Hưng); Nguyễn Bá Đọ (8ha); Vũ Tiến Dũng (8ha); Lương Văn Hẩy (8ha); ông Sáu Cảnh (23ha); Nguyễn Văn Tiêu (xã Vinh Quang, 9ha)…

+ Chiều ngày mồng 4 tết (ngày 25/1/2012), chị Nguyễn Thị Thương, Nguyễn Thị Hiền đã bắt xe ôm lên Hà Nội để gửi đơn kêu cứu cho chồng (hai chị bị say xe). Đi cùng hai chị có cháu Đoàn Vũ Hải (8 tuổi) đi cùng. Trên đường về, vì trời lạnh và ngủ gật trên xe, cháu Hải đã bị bánh xe máy nghiến nát gót chân. Chị Thương, chị Hiền đã đưa cháu vào sơ cứu tại Bệnh viện Cẩm Giàng (Hải Dương) sau đó đưa cháu về Bệnh viện Việt - Tiệp Hải Phòng để điều trị. Chẩn đoán ban đầu của bệnh viện cho biết, cháu Hải bị đứt gân gót chân.

Sau sự việc cưỡng chế đầm anh Vươn, ông Luân tiếp tục đi kiện. Kiện nhiều đến nỗi bây giờ nói đến bất cứ điều gì ông Luân cũng đều giở luật, nghị định, quyết định… và có bằng chứng hẳn hoi. Từ chỗ một nông dân chân lấm tay bùn, đầu tắt mặt tối, ông Luân trở thành người rành rọt Luật Đất đai, các quy định, nghị định để đưa quan huyện Tiên Lãng ra tòa và đòi công lý cho các chủ đầm.

Đơn cử, trong vụ kiện ngày 9/4/2010, ông Luân với tư cách là người khởi kiện đã trình bày: Trong Luật Đất đai năm 2003 phân ra 3 nhóm đất, chúng tôi thuộc nhóm đất nông nghiệp hạng 5. Các biên bản quyết toán thuế cũng thừa nhận điều này. “Theo Thông tư 01 của Bộ TN-MT tại khoản 3, điểm 3.2 thì đất chúng tôi chưa hết hạn sử dụng. Căn cứ điều 67 Luật Đất đai cũng quy định hạn sử dụng là 20 năm. Quyết định của UBND huyện Tiên Lãng là giao đất chứ không phải là thuê đất nên thời hạn phải là 20 năm. Áp dụng khoản 10, điều 38 thì việc ra quyết định dừng đầu tư năm 2007 và thu hồi đất vừa qua của UBND huyện là trái pháp luật”, ông Luân bức xúc.

Trong “Báo cáo sự thật về giao đất, thu hồi đất, giải quyết khiếu nại, cưỡng chế đầm nuôi trồng thủy sản của UBND huyện Tiên Lãng” dài 11 trang, ông Phó Chủ tịch Liên chi hội NTTSNL Tiên Lãng Lương Văn Trong đã trình bày cặn kẽ, tỷ mỷ từng chi tiết sai trái của chính quyền. Cùng với đó, ông Trong tâm sự: “Từ khi nhận được thông báo tạm dừng đầu tư của UBND huyện, tất cả anh em trong hội đều không dám tiếp tục đầu tư, vì huyện cho biết sẽ thu hồi mà không đền bù. Từ đó đến nay, các chủ đầm chỉ đánh bắt, khai thác thủy sản tự nhiên, được con gì hay con đó, chủ yếu là chăn nuôi gà, vịt… và trồng cây ăn quả. Hàng trăm ha đầm đã được đầu tư hạ tầng mà không dám nuôi trồng thuỷ sản, xót xa lắm!”.

Và, cũng chẳng khá hơn nhiều hội viên khác, từ nhiều ngày nay, ông Trong lo đến sốt vó và thấp thỏm chờ đợi đến lượt khu đầm của mình bị thu hồi, bởi vì thông tin ông có được thì gần 400ha diện tích đầm bãi của hơn 20 hộ nuôi trồng thuỷ sản tại Tiên Lãng đều đã có thông báo thu hồi không đền bù.

Số diện tích đầm bãi sau khi thu hồi, vẫn được tiếp tục giữ nguyên mục đích chứ không chuyển đổi sang mục đích khác.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Giông lốc gây thiệt hại tài sản, hoa màu của người dân Si Ma Cai

Lào Cai Giông lốc, mưa lớn gây ảnh hưởng đến mùa màng của người dân trên địa bàn huyện Si Ma Cai và huyện Mường Khương.

Bình luận mới nhất