| Hotline: 0983.970.780

Bi kịch thủy điện trên sông Kỳ Cùng

Thứ Tư 27/03/2013 , 12:57 (GMT+7)

Lạng Sơn có 5 dự án thủy điện quy mô nhỏ và vừa đang xây dựng đều bị bỏ dở dang, là nỗi bức xúc cho xã hội, là thảm họa cho sinh kế của cả ngàn người dân trong vùng. Người ta nói, đó là một vụ “tự sát tập thể" dự án thủy điện quy mô lớn nhất trên sông Kỳ Cùng…

Lạng Sơn có 5 dự án thủy điện quy mô nhỏ và vừa đang xây dựng đều bị bỏ dở dang, là nỗi bức xúc cho xã hội, là thảm họa cho sinh kế của cả ngàn người dân trong vùng. Người ta nói, đó là một vụ “tự sát tập thể" dự án thủy điện quy mô lớn nhất trên sông Kỳ Cùng…

Lùng bùng ở bản Nhùng

Một tấm biển phối cảnh công trình tơi tả cùng sương gió. Một con đập nham nhở những khối bê tông sắt thép lòi thòi giữa dòng Kỳ Cùng. Một dãy lán của công nhân nát bươm, đứng bên trong nhìn thấy cả bầu trời xanh ngằn ngặt. Một chiếc xe tải hoen gỉ, đắp chiếu nơi góc nhà.

Đó là tất cả những gì còn lại của dự án thủy điện bản Nhùng (xã Trấn Ninh, huyện Văn Quan) do Cty CP Đầu tư xây dựng phát triển Thủy điện Tuấn Anh làm chủ đầu tư. Theo thiết kế, thủy điện bản Nhùng gồm 2 tổ máy, công suất 11 MW với tổng mức đầu tư 227,5 tỷ đồng và phải giải phóng 110,5 ha đất. Khi hòa vào mạng lưới điện quốc gia năm 2010, thủy điện sẽ biến nơi đây thành một bản công nghiệp trù phú.

Sau nửa năm huy động máy móc rầm rộ thi công, đến 2010, thủy điện bản Nhùng chính thức im hơi, lặng tiếng do không tìm được nguồn tài chính để tiếp tục. Hơn ba năm trôi qua, dự án như một cái ung nhọt ngày ngày gây nhức nhối cho cả người dân lẫn chính quyền.



Cảnh hoang tàn ở thủy điện bản Nhùng

Bà Hoàng Thị Kim - Phó Bí thư xã Trấn Ninh bảo: “Dự án ảnh hưởng chủ yếu đến quỹ đất sản xuất của bản Vằng Hang. Hộ mất dăm sào, hộ mất cả mẫu, có hộ gần như mất tất nên lúc đầu vận động rất khó khăn. Hồi đó tôi là trưởng khối dân vận, đến từng nhà, tổ chức đối thoại cả chục cuộc với dân, đem cả lời hứa của chủ đầu tư như ngoài tiền đền bù còn cho con em trong bản đi học nghề làm công nhân thủy điện mãi dân mới xuôi. Giờ dự án bỏ dở thế này làm sao thu hồi đất chia lại cho dân bởi hễ xáp mặt chúng tôi là họ chửi cán bộ toàn nói dối...”.

Bản Vằng Hang toàn người Nùng, trước nghèo giờ lại thêm xơ xác. Mắt tôi nhìn thấy nhà anh Triệu Văn Lý mà phải đi vòng vòng mãi mới tới vì đường vào xưa giờ đã bị bới tựa như giao thông hào. Dự án thu hồi cả ruộng và nương ngô nhà anh mất tổng cộng trên hai mẫu.

Còn sót 2 sào ruộng cho một gia đình năm miệng ăn trong đó có ông bố tàn tật, chân không đi được lại bị bệnh gì ngứa đến mức suốt ngày cứ lẩn mẩn dùng dao gọt da, gọt thịt mà không đủ tiền đi chữa trị. Anh Lý bảo tôi rằng 40 triệu đồng tiền đền bù ruộng đất ngày nào đem mua xe máy, đem đong gạo rồi chờ làm công nhân.


Bố anh Lý bị bệnh ngứa không có tiền chữa phải dùng dao cắt da

Ông Hứa Văn Đào người bị dự án lấy đi nhiều đất nhất ở trong bản giờ chỉ còn vỏn vẹn 1 sào ruộng. Lúc dự án thủy điện về, công nhân đông, ông Đào cũng thức thời mở ra một cái quán bán hàng. Hoạt động ì xèo được mấy tháng, dự án đã không còn bóng một ai, quán dẹp tiệm lúc ông chưa kịp thu hồi vốn đầu tư và còn gánh thêm một khoản nợ…

Trước đây cánh đồng Vằng Hang bị hạn hán liên tục, năm 2005 nhà nước đầu tư xây cho cái trạm bơm gần tỉ bạc giúp cấy được 2 vụ lúa, nhiều nhà trong bản lần đầu tiên đã có dư thóc để bán, dân đã cả mừng. Thế rồi một ngày trạm bơm ấy bị cái máy ủi của dự án thủy điện san phẳng mà không hề báo trước cho dân Vằng Hang.

Chị Đàm Thị Mai - Bí thư chi bộ thôn hốt hoảng đi hỏi xã, xã vỗ về bảo xong rồi dự án sẽ làm lại cho. Mấy năm rồi, thiếu trạm bơm, những hoa màu trên đồng ruộng Vằng Hang cứ héo úa dần, lời hứa khôi phục lại trạm bơm theo thời gian cũng héo úa, teo tóp theo.

Những thửa ruộng ít ỏi còn lại của đồng Vằng Hang giờ thiếu nước nghiêm trọng, chỉ cấy được một vụ, năm 2012 còn bị thất thu, nhà nhà nháo nhào ăn đong gạo. Bản có 38 hộ thì có 36 hộ nghèo trong đó 3 hộ phải cứu đói.

Khi đầu dự án vẽ ra viễn cảnh trai gái bản làm công nhân thủy điện, làm nghề nuôi cá lồng trên sông khiến nhiều người cả tin gửi hồ sơ vào rồi dài cổ mà ngóng. Không có kế sinh nhai, giờ dân đang chết mòn. Năm ngoái đã có nhà ở Vằng Hang phải ăn độn sắn, năm nay chuẩn bị ăn độn tiếp. Hai hộ Triệu Văn Thảo, Triệu Văn Tiển đã phải bỏ hai căn nhà trình tường của tiên tổ đi vì ảnh hưởng xấu giáp công trường.


Hai hộ gia đình đã phải rời bỏ nhà cũ

Dự án đổ hàng ngàn, hàng vạn m3 sỏi, đá lên những thửa ruộng nhiều thế hệ dày công vun xới. Những khối đá hòn nhỏ như nắm tay, hòn to như cái mũ bổ cuốc xuống lưỡi còn tóe lửa đã dập tắt hi vọng phục hồi lại đất của dân.

Mò ốc giờ là kế sinh nhai của cả bản. Không chỉ người già, trẻ nhỏ mà còn cả cánh thanh niên, chẳng có nghề ngỗng gì cũng phải xuống sông Kỳ Cùng mà lặn ngụp. Triệu Văn Mạnh trong một buổi đi mò ốc bán lấy tiền đong gạo đã bị chết đuối.

+ Đã có thời, người ta ào ào đổ xô làm thủy điện. Những đại gia, trung gia rồi tiểu gia ở nhiều lĩnh vực chẳng hề “dây mơ, dễ má” đến ngành này cũng hồ hởi đầu tư thủy điện mà không tính hết hiệu quả kinh tế của nó cũng như khả năng tài chính của chính mình. Cuộc “tự sát” tập thể cho các dự án thủy điện không chỉ xảy ra ở Lạng Sơn.

+ Một số người còn ra cắt sắt ở chân đập thủy điện bản Nhùng đem bán. Những thanh sắt nham nhở, cái dài cái ngắn lổng chổng giữa dòng Kỳ Cùng như một mái tóc cắt vụng.

Bi kịch thủy điện ở Vằng Hang nặng nhất có lẽ trút lên nhà anh Triệu Văn Thư. Lúc tôi đến, anh ngồi lặng lẽ với cái nạng lọc cọc chống bên sườn. Gia đình 6 khẩu của anh trước với 1 mẫu ruộng, 1,5 mẫu nương, chưa giàu có nhưng cũng dư thừa ngô thóc. Hồi dự án thủy điện về, một mặt thấy tiếc đồng ruộng, một mặt thấy tính khả thi thấp nên anh Thư kiên quyết không nhận tiền đền bù lại còn dám to tiếng mắng cán bộ nên bị quy là chống đối, bị xử tù 2 năm.

Ở tù được một thời gian, ốm đau quá người ta mới thả anh ra. 4 sào ruộng, không đủ nuôi một đám miệng ăn. Con cái anh Thư học hành dở dang phải đi cửu vạn ở cửa khẩu. 80 triệu tiền đền bù đã đem ra chữa bệnh gần hết mà cái chân tật của anh vẫn hoàn tật.

Dẫn tôi đi xem cái đền trong khu dự án, chị Mai kể vanh vách cách đó ít lâu khi một quan chức của tỉnh về đã thốt lên một cách rất thành thực rằng: “Sướng quá! Làm được cái đền là dân Vằng Hang sướng quá rồi còn gì”. Chị cùng dân bản đứng ngẩn người nghe không hiểu sướng cái nỗi gì với cái đền làm không biết đã xin phép?

Chị lại kể tiếp chuyện, lúc dân còn nghi ngại tính khả thi của dự án, có quan chức huyện Văn Quan đã khẳng định chắc như đinh đóng cột rằng: “Nếu thủy điện Vằng Hang không làm được thì tôi sẽ về nhà cày ruộng”. Giờ thấy bảo vị đó đang “cày đường nhựa” ở tận trên tỉnh với một chức vị cũng khá to.

Xem thêm
Thủ tướng bổ nhiệm ông Phạm Thanh Bình giữ chức Thứ trưởng Bộ Ngoại giao

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Quyết định 303/QĐ-TTg ngày 12/4/2024 bổ nhiệm ông Phạm Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Đông Bắc Á (Bộ Ngoại giao) giữ chức Thứ trưởng Bộ Ngoại giao.

Tặng Bằng khen cho những người lan tỏa Bản tin Thời tiết nông vụ

Bằng khen của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT được trao cho các đơn vị, cán bộ có thành tích xuất sắc trong hoạt động phổ biến bản tin thời tiết nông vụ.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Bắc Ninh: Công ty Hanaka có hành vi vi phạm Luật Thủy lợi

Sở NN-PTNT tỉnh Bắc Ninh vừa ban hành văn bản 407/SNN-CCTL về việc giải quyết hoàn trả lại tuyến kênh tưới đã bị san lấp, gây ảnh hưởng đến hệ thống thủy lợi.