| Hotline: 0983.970.780

Chuyện vùng cao 135:

Bi kịch tự gặm tay mình

Thứ Năm 26/06/2014 , 13:13 (GMT+7)

Để giúp đồng bào vùng cao 135 có cơ hội phát triển kinh tế, Nhà nước đã có nhiều hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi. Song sự hỗ trợ ấy đến với người dân cũng lắm chuyện bi hài.

Trồng mía được nhận... ngô giống

Hộ anh Đinh Đức Cường ở xóm Ưng (Phú Vinh, Tân Lạc, Hòa Bình) gặp rất khó khăn. Họ có trên 1 ha đất đồi nhưng không có vốn để đầu tư đành cho thuê với lợi tức vỏn vẹn 4 triệu đồng mỗi năm. Trong danh sách đăng ký thóc giống hỗ trợ vụ này, anh Cường ghi 3 kg, đủ cho diện tích 1 sào ruộng của nhà.

Đăng ký 3 kg nhưng lúc ra UBND xã anh ngã ngửa khi được cấp tới 13 kg. Thắc mắc thì cán bộ bảo: “Đã phát cho anh cứ lấy về đi, còn số kia sẽ quy ra tiền sau đến mà lấy!”.

Tiền chờ dài cổ chưa thấy đâu còn thóc thừa anh Cường đành để lại bớt cho anh em cấy. Vẫn còn may hơn vụ trước, nhà anh đã trồng hết mía chẳng còn diện tích đâu để trồng ngô nhưng vẫn được cấp 10 kg ngô giống nên đành bấm bụng đem cho bằng hết.

Mỗi năm ở vùng cao 135 này một khẩu hộ nghèo được hỗ trợ 100.000đ theo hình thức quy ra giống ngô hay giống lúa dù người dân muốn lấy phân, lấy tiền cũng không được. Cùng ở xóm Ưng, hộ anh Đinh Công Quyên đăng ký lúa giống lại được vài túi ngô kèm theo vài túi thóc; hộ anh Đinh Công Hữu đăng ký 1 kg lúa giống lại được tới 6 kg.

Tất cả giống đều đã qua xử lý hóa chất. Cho gà ăn gà lăn quay ra chết. Cho vịt ăn vịt ngửa bụng lên trời. Chẳng được tích sự gì nên nhiều nhà sau khi nhận về phải bán rẻ hay cho anh em hàng xóm.

Hỗ trợ bằng giống xem ra cũng còn là khá chứ có năm người ta nghĩ ra sáng kiến phát muối cho hộ nghèo làm quà… Tết. Mỗi khẩu được chia dăm ba cân. Nhà đông người được tới vài chục cân, ăn không biết đời nào cho hết nên vừa ra khỏi cổng Ủy ban xã người ta đã gọi nhau ời ời để cho muối đi khỏi nặng gánh.

Ngoài hỗ trợ giống cây trồng gần đây còn có nhiều chương trình hỗ trợ giống lợn, bò, trâu.

Danh sách nhận hỗ trợ có người là họ hàng, anh em hay cả cán bộ mà lắm nhà trong đó chưa phải diện khó khăn lại hết lượt này đến lượt khác nhận.

Nhà anh Đinh Đức Cường đông khẩu, nghèo thực sự, bản thân là thương binh nhưng lại chẳng được hỗ trợ gì. Đến gặp những hộ nhận hỗ trợ, tôi nghe chật cả hai tai những tiếng xì xào bàn tán.

Phần đa đều chê vóc dáng vật hỗ trợ nhỏ bé mà sao giá đắt hơn so với thị trường.

Theo công thức cứ một con bò sẽ được phân cho hai hộ nuôi chung. Chị Đinh Thị Thơ là một trong những hộ nhận bò đợt đầu của xóm. Ngày bàn giao, người ta dẫn chị đến xã Địch Giáo để xem bò rồi bảo: “Nhà chị chỉ được phép nhận một con bê dưới 9 triệu đồng”.

dsc-7449103459457
Bò được hỗ trợ chỉ nhỉnh hơn con chó béc giê

Khi chị thắc mắc sao tiêu chuẩn hỗ trợ tới 11 triệu lại chỉ được 9 triệu thì họ giải thích: “Phần còn lại là tiền tập huấn, tiền tài liệu, tiền vận chuyển (từ Địch Giáo về xã chị khoảng 20 km)…”. Cán bộ đã nói chắc như đinh đóng vào cột nhà sàn, đành phải nghe vậy thôi.

Người nhận chung bò với chị bàn góp thêm tiền túi mua một con bò lớn hơn nhưng vì nhà nghèo nên Thơ đành chịu.

Anh Đinh Công Ngọ ở xóm Ưng mới đây ký nhận chung một con bò hỗ trợ với anh Đinh Công Bìu. Quy định là con bò khi đẻ ra bê nhà nuôi tốn công chăm sóc hơn sẽ được chia bò mẹ còn nhà ký chung sẽ nhận về con bê.

Nhận bò về mà cả hai gia đình đều khấp khởi mừng thầm! Khổ nỗi con bò trị giá trên giấy tờ tới 11,5 triệu đồng ấy đem buộc nơi gầm sàn nhà anh Ngọ cứ ho rũ, ho rượi. Nghe tiếng ho mà như có ai đem ớt bột xát vào trong lòng.

Bực mình anh dắt bò đi đổi. Con bò mới đã quen chuồng vì nuôi hơn một tháng nhưng chỉ nhỉnh hơn con chó béc giê một tẹo. Nó đi đứng xiên xẹo, khép nép bên ông chủ cũng gày gò, nhỏ thó. Tổng cộng có 12 hộ gia đình trong xóm Ưng nhận nuôi chung 6 con bò hỗ trợ đợt này.

Tự gặm tay mình

Thiếu tư liệu SX, công cụ và ốm đau, bệnh tật luôn là mẫu số chung của những hộ nghèo. Xóm Bò (xã Phú Vinh) có 87 hộ thì 32 hộ nghèo. Tiếng là được cấp sổ bảo hiểm y tế nhưng người nghèo ra khám ở trạm xá không mấy khi được phát thuốc, còn khám ở bệnh viện nếu không biết “lót tay” cái phong bì trị giá vài yến thóc thì hãy cứ đợi đấy.

17-56-10_dsc_7437
Rất, rất nhiều người nghèo ở vùng cao này đã lâm vào tình cảnh bi kịch “tự mình gặm tay mình” 

Cách nhà chị Chạo mấy bước chân là nhà anh Đinh Đức Cường. Anh có đứa con thứ tư bị máu trắng, đã phải bán đàn trâu cả năm con để chữa bệnh mà vẫn nợ đến 65 triệu đồng. Tình cảnh nói chung là đen tối, đen như chính những lớp bồ hóng lưu niên dưới mái nhà sàn.
Rất, rất nhiều người nghèo ở vùng cao này đã lâm vào tình cảnh bi kịch “tự mình gặm tay mình” khi đau ốm như vậy.

Đói ăn theo nghĩa đen giờ đây gần như không còn nữa. Nhà nào trong xóm hầu như cũng có đài, có ti vi, có xe máy nhưng tất cả chỉ là đồ rẻ tiền. Tổng tài sản của một hộ nghèo ở đây nhiều khi dúm dó lại không bằng một góc cái xe máy của một công chức.

Tài sản đó mong manh tới mức chỉ cần một trận ốm là có thể rơi vào tình trạng kiệt quệ, là chủ nhân có thể nhẵn túi chấp nhận về nhà chờ chết với từng giây, từng phút, từng ngày đau đớn tột cùng. Có người ví von đó là cảnh người nghèo tự mình gặm vào tay mình.

Anh trai ốm chết rồi mẹ đẻ ốm chết theo khiến anh Đinh Công Bỉu phải bán cả ngôi nhà đi trả nợ, chấp nhận sống trong lều. Người chết đã khuất núi mấy năm rồi mà anh vẫn còn ôm một khoản nợ lên đến 22 triệu đồng.

Không trâu. Không xe máy. Ngay ngôi nhà tạm ngày nay anh đang ở cũng chỉ có được do sự trợ giúp. Hôm tôi đến, bố anh Bỉu đang nằm co với toàn thân lở loét. Bao nhiêu năm rồi ông chấp nhận cảnh đau đớn như vậy vì không có tiền chạy chữa.

Anh Đinh Công Chạo, hàng xóm nhà Bỉu, sau một buổi đi phun thuốc sâu thuê về nhà thấy những nốt đen mọc khắp chân tay. Lúc đầu chúng chỉ to bằng hạt ngô, hạt đậu sau lan ra, đen tím cả người. Hết sốt nóng lại sốt lạnh. Người nhà ôm vội anh đi bệnh viện mới hay đã bị suy gan, suy thận thể nặng.

Mười mấy ngày chi phí chạy chữa ở Hà Nội vợ anh đã phải bán đi cái máy cày để trả. Con lợn mẹ nuôi trong chuồng chuẩn bị đến ngày lấy giống cũng bị đem ra mổ, cúng để đuổi tà ma đang đeo bám lấy chồng. Tiền trong nhà đã cạn mà bệnh của anh vẫn dầm dề, sắp tới chắc chị Chạo phải bán nốt nương mía non cho người ta, lấy tiền chạy chữa tiếp.

Khi tôi hỏi tình hình bệnh tật của anh, bát cơm trên tay chị bỗng rời ra. Mặt người đàn bà trở nên đăm chiêu lạ! Mới mấy tháng trước đây thôi đứa con bị suy tim bẩm sinh do không đủ tiền chạy chữa đã chết trong sự bất lực của đôi vợ chồng nghèo.

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Việt Nam hỗ trợ đưa nông nghiệp trở thành trụ cột kinh tế ở Venezuela

Bộ Nông nghiệp Venezuela đánh giá cao kết quả tốt vượt mong đợi về hợp tác nông nghiệp song phương, ngay cả trong điều kiện Venezuela vô cùng khó khăn.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Dông lốc liên tiếp ở Yên Bái làm 150 nhà dân bị sập đổ

Mưa lớn, kèm theo dông lốc, gió giật mạnh trong đêm 19, rạng ngày 20/4 làm 2 người bị thương và hơn 150 ngôi nhà ở tỉnh Yên Bái bị thiệt hại, sập đổ.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm