| Hotline: 0983.970.780

Bí mật tàu ngầm hạt nhân

Thứ Hai 25/11/2013 , 09:55 (GMT+7)

Những tàu ngầm hạt nhân thế hệ mới nhất hiện nay được thiết kế để có thể hoạt động suốt trong vòng đời 25 năm của mình mà không cần tiếp nhiên liệu, thậm chí là hoạt động liên tục ở tốc độ cao.

Khác với những thế hệ tàu ngầm điện hay diesel cũ, tàu ngầm hạt nhân là phương tiện ngầm hiện đại nhất bây giờ. Ngoài khả năng cung cấp sức đẩy lớn làm tàu dễ dàng tăng tốc, động cơ hạt nhân còn giúp tàu và thủy thủ hoạt động dưới biển với chu kỳ lớn, không cần tiếp nhiên liệu, đôi khi nó cần về cảng chỉ để tiếp lương thực chứ không phải nhiên liệu. Điều này khiến cho tàu ngầm hạt nhân trở thành lực lượng hoạt động ngầm thực sự, ít bị chi phối.

Những tàu ngầm hạt nhân thế hệ mới nhất hiện nay được thiết kế để có thể hoạt động suốt trong vòng đời 25 năm của mình mà không cần tiếp nhiên liệu, thậm chí là hoạt động liên tục ở tốc độ cao.

Trong khi đó, các tàu ngầm phi hạt nhân chỉ có thể lặn vài ngày với tốc độ thấp còn khi di chuyển ở tốc độ cao thì chu kỳ nổi chỉ có thể tính bằng giờ, mặc dù điều này đã được cải tiến đáng kể bằng công nghệ động cơ đẩy không khí độc lập hiện nay nhưng vẫn không thể so sánh với tàu ngầm hạt nhân.

Điểm yếu lớn nhất của các tàu ngầm hạt nhân chính là khả năng tàng hình của nó trong lòng biển. Vấn đề này sinh ra do sự tỏa nhiệt của tàu luôn ở mức độ cao dù không di chuyển, khoảng 70% nhiệt lượng sinh ra từ lò phản ứng tiêu tan vào nước biển. Khi đó, lượng nước xung quanh sẽ ấm lên và chẳng khác gì biến thành tàu thành một mục tiêu rõ mồn một trên các máy quét nhiệt.

Bên cạnh đó, tiếng ồn của lò phản ứng tạo ra có thể bắt đường bằng những cảm biến thế hệ mới, hệ thống làm mát cũng góp phần tạo thêm tiếng ồn cho con tàu. Những điểm trừ này không hề có trên các tàu ngầm chạy động cơ điện - diesel, chúng có thể hoạt động một cách thầm lặng, thậm chí các tàu ngầm lớp Kilo còn được ví như "hố đen trong lòng biển" vì khả năng lẩn trốn và ẩn nấp của nó.


Tàu ngầm hạt nhân lớp Typhoon - tàu ngầm hạt nhân lớn nhất thế giới của Liên Xô

Nhưng bên cạnh đó, tàu ngầm còn là lực lượng được trang bị những hệ thống vũ khí, radar và công nghệ tiên tiến khiến chúng trở thành những sát thủ đáng sợ dưới lòng đại dương. Vũ khí đáng sợ nhất của những chiếc tàu ngầm này chính là các tên lửa đạn đạo liên lục địa với tầm bắn trên 10.000 km và có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.

Lịch sử

Ý tưởng đầu tiên về tàu ngầm chạy năng lượng hạt nhân được ra đời vào năm 1939, thuộc về nhà vật lý Ross Gunn, thành viên Phòng nghiên cứu, thí nghiệm Hải quân Mỹ. Thế nhưng, để chiếc tàu ngầm hạt nhân đầu tiên ra đời vào năm 1954 là một quá trình đòi hỏi rất nhiều chất xám của các kỹ sư, nhà khoa học Hải quân Mỹ. Khi đó, thách thức lớn nhất của họ là tìm cách chế tạo ra một lò phản ứng đủ để đặt vào bên trong vỏ tàu ngầm.

Bộ phận nghiên cứu hạt nhân dành cho hải quân của Ủy ban năng lượng nguyên tử Mỹ đã nghiên cứu ngày đêm để có thể chế tạo được động cơ đẩy hoạt động bằng lò phản ứng bên trong thân. Cỗ máy thành công đầu tiên là tàu ngầm USS Nautilus, ra đời năm 1954, con tàu đã khiến giới chuyên gia quân sự phải choáng váng khi "lặn 1 hơi" suốt 4 tháng không cần nổi lên tiếp nhiên liệu.

Để có được thành công này, trước đó, vào tháng 7/1951, Quốc hội Mỹ đã cho phép quân đội được phép xây dựng tàu ngầm hạt nhân đầu tiên dưới sự chỉ đạo của đại úy Hyman G. Rickover, sĩ quan Hải quân Mỹ. Và linh hồn của USS Nautilus - lò phản ứng hạt nhân được giao cho Tập đoàn Westinghouse sản xuất.

Chạy đua

Những năm 50 của thế kỷ trước là thời điểm các cường quốc quân sự không ngừng chạy đua vũ trang. Không để Mỹ vượt mặt quá lâu, các nhà khoa học quân sự Liên Xô đã nhanh chóng bắt tay vào nghiên cứu để cho ra chiếc tàu ngầm hạt nhân của riêng mình.

Bị kích thích bởi dự án nghiên cứu USS Nautilus của Hải quân Mỹ, đầu những năm 50, Viện vật lý và kỹ thuật điện tại Obninsk dưới sự lãnh đạo của nhà vật lý hạt nhân Anatoliy P. Alexandrov đã tiến hành nghiên cứu, phát triển động cơ đẩy hạt nhân.


USS Nautilus - tàu ngầm hạt nhân đầu tiên của thế giới

Tới năm 1956, lò phản ứng hạt nhân dành cho tàu ngầm đầu tiên của đội ngũ nhà khoa học của Alexandrov được đưa vào thử nghiệm. Cùng lúc đó, một nhóm chuyên gia khác, dưới sự chỉ đạo của nhà vật lý điều khiển tàu Vladimir N. Peregudov đang nghiên cứu chế tạo thân tàu có thể chứa được lò phản ứng.

Sau khi vượt qua nhiều trở ngại trong quá trình thử nghiệm như vấn đề với hệ thống hơi nước, rò rỉ phóng xạ và một số khó khăn khác. Cuối cùng, chiếc tàu ngầm hạt nhân đầu tiên của Liên Xô cũng ra đời vào năm 1958 nhờ sự phối hợp của các nhà khoa học, vật lý hàng đầu đất nước.

Trong thời kỳ căng thẳng nhất của Chiến tranh lạnh, cuộc chạy đua dưới lòng đại dương diễn ra cực kỳ gay cấn. Khi đó, Liên Xô đã chứng minh được sức mạnh tàu ngầm của mình khi trong 4 căn cứ tàu ngầm của mình là Sevmash ở Severodvinsk, Admiralteyskiye Verfi ở St. Petersburg, Krasnoye Sormovo ở Nizhny Novgorod và Amurskiy Zavod ở Komsomolsk-on-Amur đều có từ 5 - 10 tàu ngầm hạt nhân neo đậu.

Tính từ khi chiếc tàu ngầm hạt nhân đầu tiên ra đời năm 1958 đến 1997, Liên Xô và sau này là Nga đã chế tạo tổng cộng 245 chiếc loại này, nhiều hơn tổng số của tất cả các quốc gia khác cộng lại.

Tuy nhiên, sau khi Chiến tranh lạnh chấm dứt, tương quan về số lượng tàu ngầm hạt nhân giữa các nước đã thay đổi rất nhiều, nguyên nhân chính là do các tàu ngầm củ của Liên Xô đã phải ngừng hoạt động.

Đến nay, trên thế giới có 6 quốc gia sở hữu công nghệ chế tạo tàu ngầm hạt nhân bao gồm Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc và Ấn Độ. Ngoài ra có một số quốc gia khác đang có dự án nghiên cứu phát triển tàu ngầm hạt nhân như Argentina và Brazil. Về mặt số lượng, hiện nay Mỹ đang đứng đầu với 71 tàu ngầm hạt nhân, đứng thứ 2 là Nga với 33 chiếc sau đó là Anh với 11 chiếc, Trung Quốc và Pháp đều có 10 chiếc và cuối bảng là Ấn Độ mới chỉ có 2 tàu ngầm hạt nhân. (Còn nữa)

Xem thêm
Thủ tướng yêu cầu không để lặp lại tình trạng thiếu điện cục bộ như năm 2023

Bộ Công thương có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo EVN đảm bảo dự án được đấu điện trước 30/6.

Hồ Tha La phủ màu xanh cho đất

Hồ Tha La là một trong những công trình thủy lợi trọng điểm của tỉnh Tây Ninh, sau nhiều năm vận hành, công trình đã được đầu tư nâng cấp, đáp ứng đa mục tiêu.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Trữ nước sông Hà Thanh, cấp nguồn vùng Nam Phù Mỹ

Với 164 hồ chứa và 31 đập chính trên sông, hệ thống thủy lợi của Bình Định đã khá hoàn chỉnh, nhưng vẫn còn những ‘lỗ hổng’ mà tỉnh này đang nỗ lực lấp đầy…

Bình luận mới nhất