| Hotline: 0983.970.780

Bí quyết của xã duy nhất chưa có dịch tả châu Phi ở Ba Vì

Thứ Tư 27/11/2019 , 08:45 (GMT+7)

Tính đến nay 30 xã, thị trấn huyện Ba Vì (Hà Nội) đã có dịch tả lợn châu Phi chỉ còn riêng mình Thuần Mỹ là không có. Vậy đâu là bí quyết?

09-01-23_img_3566

Ngay sau khi có dịch tả lợn Châu Phi xâm nhập vào địa bàn huyện Ba Vì, xã Thuần Mỹ đã ban hành nghị quyết, xây dựng kế hoạch cụ thể với từng bước đi một để phòng chống, trong đó đặc biệt là phát huy tính tự giác của mỗi hộ chăn nuôi, hộ buôn bán thịt trên địa bàn.

Ông Vũ Kim Quyền, cán bộ Thú y xã thông tin thời điểm đó địa phương đang có khoảng 8.000 đầu lợn các loại từ lợn nái, lợn con đến lợn thương phẩm. Đội ngũ thú y viên của xã gồm 7 người đã phải chia nhau đến từng hộ để phát thuốc sát trùng, tuyên truyền, hướng dẫn cách phòng dịch; Ký cam kết đối với các hộ chuyên bán thịt lợn không được bắt lợn ở nơi khác về để giết mổ mà chỉ sử dụng nguồn lợn ngay tại địa phương. Bên cạnh đó, xã còn dùng kinh phí dự phòng để mua 10 tấn vôi bột, 950 lít thuốc sát trùng rắc, phun phòng cho các khu vực chăn nuôi lớn.

Để góp vào sự thành công của một xã không có dịch phải kể đến ý thức của từng người dân. Bà Đặng Thị Thư, một chủ hộ chăn nuôi lớn cho biết: “Nhà tôi nuôi 28 con lợn nái, 60 lợn con, 60 lợn thương phẩm nên khi nghe tin huyện đã có dịch thì rất lo bởi nếu mà dính thì gia đình sẽ mất vài trăm triệu như chơi.

Nghe các cán bộ thú y hướng dẫn về cách phòng dịch, bất kể ai đi đâu ra ngoài về nhà hay ai đến nhà chơi tôi đều tiến hành phun thuốc sát trùng cả. Dù khá bất tiện nhưng vì an toàn chung nên mọi người khi nghe tôi giải thích đều đồng ý. Vừa rồi gia đình xuất bán 36 con lợn, mỗi con cũng lãi 1 triệu đồng”.

Một chủ hộ chăn nuôi khác là anh Phạm Văn Dũng chia sẻ: “Thật sự là tôi thấy cán bộ thú y nói đúng nên làm theo bằng cách phòng dịch ngay từ trong nhà. Đối với thời gian này, gia đình cũng rất hạn chế mời khách đến chơi, nếu ai đến phải phun thuốc sát trùng và tuyệt đối không mời ra chuồng xem lợn như trước”.

Giết mổ lợn cũng có thể là nguồn lây lan dịch tả lợn châu Phi rất nhanh nên suốt những tháng qua các chủ lò luôn tuân thủ chỉ mua lợn trong dân, không được mua nơi khác về nhất là ở những xã đã có bệnh. Họ phải ký cam kết với cán bộ thú y, công an xã về việc này, nếu dịch mà phát sinh phải chịu trách nhiệm hoàn toàn trước pháp luật.

Ngay cả việc mua lợn ở bên trong xã, khi phun thuốc sát trùng xong lợn họ đều phải lùa đến điểm xa khu vực đang chăn nuôi sau đó mới được cho lên xe chở về.

Xã thành lập điểm chốt chặn nếu xe nào chở lợn, gia cầm hay cung cấp thức ăn gia súc, gia cầm trước khi vào đều phải tiến hành phun thuốc khử trùng tiêu độc, rửa xe sạch sẽ và được cấp phiếu chứng nhận cho việc này. Xe nào không có phiếu thì các gia đình sẽ tẩy chay, không cho vào nhà, không cho giao dịch mua hay bán nên về sau hình thành nề nếp, đều chấp hành nghiêm chỉnh.

Theo thống kê hiện nay đàn lợn trên địa bàn xã Thuần Mỹ còn khoảng 7.000 con. Với tỷ lệ nông nghiệp đang chiếm 70% cơ cấu kinh tế, chăn nuôi lại chiếm 70% kinh tế nông nghiệp, nếu giữ được sự an toàn cho đàn lợn như hiện tại thì với giá thịt hơi, thịt móc hàm đang ở ngưỡng rất cao, thu nhập bình quân của dân trong xã cuối năm nay có thể đạt hơn 50 triệu đồng/người/năm.

Có thể nói, với sự quyết tâm từ xã đến các thôn, cách làm khoa học, thành quả đạt được trong phòng chống dịch tả châu Phi đã thấy rõ, đó là sự đồng thuận trong nhân dân. Họ hiểu rằng phòng chống dịch không phải cho ở đâu xa xôi mà chính là bảo vệ kinh tế ngay của gia đình mình, làng xóm mình.

(Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao Ba Vì)

Xem thêm
Kiểm tra đột xuất cơ sở giết mổ, chợ đầu mối, trường học

TP. HCM Công tác kiểm tra sẽ được TP. HCM triển khai đồng bộ tại các cơ sở kinh doanh, giết mổ, chế biến, nhà hàng khách sạn, bếp ăn tập thể, chợ đầu mối.

Giống lúa TBR97 chinh phục 'chảo lửa’ Krông Pa

GIA LAI Giống lúa TBR97 đang nhận được rất nhiều sự quan tâm của người dân và chính quyền địa phương khi lần đầu tiên xuất hiện ở ‘chảo lửa’ Krông Pa.

Giảm hơn 70% lượng nước nhờ tưới phun tận gốc

Tại các tỉnh Tây Nguyên, rất nhiều diện tích cà phê áp dụng công nghệ tưới phun mưa tận gốc giúp giảm được hơn 70% lượng nước tưới và chi phí nhân công.