| Hotline: 0983.970.780

Bí quyết dạy con thành tiến sỹ của thầy giáo già

Thứ Bảy 05/10/2019 , 07:01 (GMT+7)

Sinh được 3 người con thì cả 3 đều thành đạt và hạnh phúc, ông giáo 86 tuổi đã có những chia sẻ đáng suy ngẫm về cách dạy con.

Người mà chúng tôi nhắc đến ở đây là ông giáo Đặng Đình Thiêm (sinh năm 1933), ở thôn Hoàng Xá, thị trấn Vân Đình, huyện Ứng Hòa, Hà Nội.
 

2 nguyên tắc vàng dạy con

Nhắc đến ông giáo già Đặng Đình Thiêm, người dân thôn Hoàng Xá, người trong vùng nể trọng ông bởi cách dạy dỗ nên những người con ngoan, thành đạt và có học hàm, học vị. Trong đó, một người con của ông là tiến sĩ, một người là thạc sĩ, một người là cử nhân kinh tế.

17-56-50_hinh_nh_2
Ông Đặng Đình Thiêm (sinh năm 1933) là người làng Hoa Đình xưa, nay thuộc làng Hoàng Xá, TT Vân Đình, Ứng Hòa, Hà Nội.

Chia sẻ về cách dạy con, ông giáo Đặng Đình Thiêm cho biết, vợ chồng ông có những nguyên tắc và quan điểm rất rõ ràng. “Mới đây, trong một cuộc họp mặt gia đình, mấy người con của tôi nói vui với nhau là, "ngày xưa, các cụ nuôi chúng mình dễ dàng quá, không như mình nuôi các con bây giờ".

Tôi cười và nói: Nếu như bố mẹ dạy các con mà để cho các con biết là bố mẹ dạy thì bố mẹ không còn là giáo viên nữa. Tôi dạy học trò cũng thế. Học trò của tôi đi học mà không nghĩ là mình đang phải học. Tất cả đều tiếp thu kiến thức một cách tự nhiên. Phương pháp của tôi là, luôn luôn nghĩ cách đàm thoại để làm sao các cháu dễ hiểu, dễ tư duy, từ đó nhớ lâu và tiến bộ mau. Với các con, tôi luôn tâm niệm rằng, dạy con về tri thức thì điều đầu tiên phải là, làm cho chúng biết suy nghĩ, biết tư duy. Khi đưa con đi chơi, tôi thường đặt ra các câu hỏi để các con phải tư duy.

Ví dụ: Khi cùng con ra vườn, con khen chiếc lá đẹp, tôi sẽ hỏi: "Vì sao con thấy nó đẹp, so với những chiếc lá khác thì nó có gì đặc biệt, hoặc vì sao nó lại có hình dạng như vậy…Tức là bằng những điều cụ thể tôi sẽ dạy cho các con biết cách tự suy nghĩ. Về mặt đạo đức, tôi dạy con không sống ích kỷ. Tôi cho rằng, suy cho cùng, bất cứ kẻ nào ích kỷ thì cũng đều vô dụng. Những tệ nạn xã hội xảy ra cũng đều là do ích kỷ đấy thôi”.

Để dạy các con điều này, vợ chồng ông Thiêm cũng cụ thể hóa bằng những hành động, ứng xử trong cuộc sống đời thường.

“Khi các con còn bé, nhà tôi có mẹ già, vợ chồng tôi, các con, các cháu. Trẻ con thì thích ăn, háu đói nhưng nếu có một cái bánh, một quả bưởi bổ ra, tôi sẽ nói con mang biếu bà trước, rồi mới cho chị, cho em. Em bẩn chân, bẩn tay thì anh chị có thể rửa cho em. Chị em, anh em phải yêu thương nhau, quan tâm nhau, không được sống chủ nghĩa cá nhân”, ông Thiêm nói.

Tất nhiên để các con nên người, ông và vợ phải dạy nhiều điều khác nhưng việc các con phải biết tư duy, không được sống ích kỷ là 2 điều cơ bản mà theo ông giáo, các con phải được học. 

“Khi các con phạm lỗi, tôi rất nghiêm khắc và cũng có lúc đánh con (dù số lần đánh không nhiều) nhưng tôi không bao giờ đánh con lúc đang nóng giận. Việc đánh con cho hả giận là cách đánh không có giáo dục. Tôi cũng không bao giờ sỉ nhục con mà thường phân tích cho con nhận ra lỗi lầm của mình và tự nhận hình thức kỷ luật ”, ông giáo Thiêm cho biết.

Cùng với đó, ông Thiêm nói, ông và vợ cũng luôn dạy con bằng sự gương mẫu của mình. “Muốn con không ích kỷ, bố mẹ phải không ích kỷ. Muốn con chăm chỉ học hành, bố mẹ phải chăm chỉ làm việc, muốn con chịu khó làm việc nhà, bố mẹ cũng phải như vậy... Lần trước có một nhà báo hỏi tôi: "Bác có hay giúp đỡ bác gái việc nhà không?". Tôi nói: "Tôi không có khái niệm ấy. Từ khi chúng tôi làm bạn với nhau, tôi không bao giờ có khái niệm giúp đỡ vợ. Với tôi, đó là trách nhiệm: trách nhiệm cùng nhau thu vén, xây dựng cửa nhà”.
 

"Người chép sử" của làng

Theo lời ông giáo già Đặng Đình Thiêm, con gái ở đây nổi tiếng xinh đẹp, giỏi giang. Tuy nhiên, các chàng trai nơi khác chỉ có thể nhìn, ngắm chứ không dám cưới. Trong cuốn Tục hay lệ lạ Thăng Long - Hà Nội của NXB Phụ nữ 2016, ông Thiêm có nhắc đến một trong bốn điều không nên làm ở Ứng Hòa xưa. Đó là không nên lấy vợ ở làng Hoa Đình.

Ông Thiêm cho biết thêm, Hoa Đình gồm ba làng: Hoàng Xá, Đình Tràng và Lương Xá. Nay làng Hoàng Xá thuộc thị trấn Vân Đình, còn Đình Tràng, Lương Xá, thuộc xã Liên Bạt, huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội. Con gái làng Hoa Đình xưa nổi tiếng xinh đẹp, giỏi giang. Tuy nhiên, các chàng trai nơi khác chỉ có thể nhìn, ngắm chứ không dám cưới.

“Các cụ cao tuổi kể rằng, lệ làng xưa, trai thiên hạ muốn lấy gái làng phải nộp cheo rất nặng”, ông Thiêm cho biết.

17-56-50_hinh_nh_1
Ngày xưa, nhiều chàng trai không dám hỏi cưới con gái làng Hoa Đình.

Mỗi khi có đám cưới, theo lệ làng, người ta sẽ vắt một dây mây qua nóc đình, một bên buộc một chiếc cối đá. Nhà trai phải mang tiền đồng tới treo vào đầu dây bên kia, sao cho nâng được chiếc cối lên cân bằng… mới coi là đủ lệ.

“Chiếc cối đá không quá to, nhưng để nâng được chiếc cối đó, nhà trai ít nhất cũng phải mất 18 quan tiền”, ông Thiêm cười nói.

Đã thế, khi đón dâu, nhà trai còn bị trai làng chăng dây vòi tiền mãi lộ. “Số lần chăng dây phụ thuộc vào việc cô gái xinh đẹp, giỏi giang cỡ nào? Nhan sắc càng nhiều thì số lần chăng dây càng lớn”, ông Đặng Đình Thiêm cho biết.

Theo lời ông Thiêm kể, vào ngày đón dâu, cánh trai làng sẽ bày một cái bàn giữa đường, trên bàn có bát hương nải chuối. Sau đó, họ căng một sợi dây thừng ngang đường. Nhà trai gặp chặng đường ấy phải tới thương lượng, đưa cho trai làng số tiền theo yêu cầu, họ mới chịu rút dây cho đi qua. Chính vì thế, nhiều chàng trai đất khách dẫu khát khao lắm… nhưng cũng đành chịu, nếu gia tư điền sản không nhiều hoặc bố mẹ không hào phóng lo liệu. Với trai làng thì việc nộp cheo sẽ ít hơn, lại không phải bị cảnh "chăng dây vòi tiền" nên dẫu không giàu có hoặc tài ba cũng thường có hai… ba vợ.

Chính vì tục lệ đó nên những cô gái Hoa Đình lấy chồng ngoài làng phần lớn đều vào những gia đình giàu có. “Trong số đó, tôi được chứng kiến đám cưới của bà Trần Thị Tuyến (con cô ruột tôi) vào khoảng năm 1942 ”, ông Thiêm nhớ lại.

Theo lời kể của ông Thiêm, bà Tuyến là con thứ 5 trong một gia đình giàu có, sở hữu 300 mẫu ruộng ở làng.

17-56-50_hinh_nh_3
Năm 2016, gia đình ông giáo Đặng Đình Thiêm được công nhận là gia đình văn hóa tiêu biểu của địa phương. Trong ảnh, ông Thiêm chụp cùng vợ.

“Bà rất đẹp, có thể nói là đẹp nhất làng. Đám trai làng, ai ai cũng say đắm nhưng lại không dám ngỏ lời”. Thế rồi, một thầy giáo về dạy học ở làng nhìn thấy bà Tuyến, lại biết về gia cảnh của bà nên đã tìm mai mối dẫn đường cho em trai. Chuyện đôi lứa được chấp thuận nhưng bên cạnh việc nộp cheo, làm theo các tục lệ cưới hỏi của làng như đã nêu ở trên, nhà gái còn đưa thêm điều kiện, lễ cưới phải có 20 lượng vàng, 3 thùng quần áo cho cô dâu và các em của cô dâu. Cùng với đó, lễ đón dâu phải có 10 xe ô tô đưa rước”, ông Thiêm nhớ lại.

Nhà trai thuộc hàng khá giả, có chức sắc và rất nhiều đất đai ở phố Bạch Mai (Hà Nội) nên không hề thấy khó khăn trước yêu cầu của nhà gái đưa ra. Ngày cưới, đoàn rước dâu gồm 10 xe ô tô xếp dọc đường làng khiến tất cả đều trầm trồ. Tuy nhiên, thay vì chuẩn bị 20 lượng vàng, nhà trai chỉ đặt lễ 16 lượng.

“Bố mẹ cô dâu thấy vậy liền bỏ thêm 4 lượng nữa và đặt vào mâm lễ của nhà trai. Sau đó, trước mặt họ hàng đôi bên, họ tuyên bố cho đôi trẻ toàn bộ số tiền đã thách cưới là 20 lượng vàng. Sau đó tôi được biết, bà Tuyến đã có một cuộc sống hạnh phúc và giàu có cho đến tận lúc qua đời”, ông Thiêm cho biết.

Ông Thiêm cũng cho biết hiện tại lệ thách cưới, nộp cheo hay tục chăng dây đều đã bị xóa bỏ. Các đám cưới ở Hoàng Xá ngày nay được tổ chức rất đơn giản. Tuy nhiên, những tục lệ xưa đã được ông ghi chép lại một cách tỉ mỉ. Với ông, đó là nét văn hóa mà nhiều thế hệ trẻ không còn được biết đến.

(Kiến thức gia đình số 40)

Xem thêm
Gỡ 'thẻ vàng' IUU: Chỉ là bước khởi đầu, lâu dài là nghề cá minh bạch, trách nhiệm

‘Dù còn nhiều thách thức nhưng nếu chúng ta hành động đầy đủ, thực thi quyết liệt thì sẽ đạt được kết quả...’, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai nói.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Tìm thấy thi thể 2 nạn nhân bị lật thuyền trên hồ thủy điện Sơn La

Chiều 22/4, Công an tỉnh Lai Châu cho biết, thi thể 2 nạn nhân trong vụ lật thuyền trên lòng hồ thủy điện Sơn La đã được tìm thấy.